Tính cách làm nên con người. Vì thế, các hành vi xấu mà cha mẹ cho rằng chắc không hại gì đâu sẽ hình thành nên những thói quen cực xấu, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.
1. Dùng ngôn ngữ thô lỗ và xúc phạm
Dân gian thường nói, đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu lại hành động, cử chỉ của người lớn. Nếu người lớn trong gia đình thô lỗ với nhau hoặc sử dụng ngôn ngữ xấu, trẻ sẽ lây thói quen này và rất khó để sửa.
Khi ra đường, trẻ cũng sẽ lặp lại những lời chửi rủa trước mặt bạn bè và người lớn khác. Việc sửa đổi này nên bắt đầu từ những người lớn trong gia đình. Mọi người trong gia đình cần phải thay đổi cách nói chuyện, ứng xử. Có phương pháp uốn nắn và chỉ dạy bé từ từ. Cha mẹ phải kiên nhẫn sửa sai và cố gắng giải thích cho bé rằng việc sử dụng những ngôn từ như vậy là sai.
TOP 15 thói quen xấu trong gia đình ảnh hưởng đến tính cách của trẻ
2. Vệ sinh kém
Vệ sinh là nền tảng cho sức khỏe tốt và giúp trẻ xây dựng tính cách xã hội sau này. Nhiều đứa trẻ không muốn đánh răng sau bữa ăn hay thậm chí không muốn tắm. Sự phản kháng của trẻ có thể tạo nên thói quen xấu. Hãy tạo cho trẻ một thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt bằng cách duy trì thói quen vệ sinh cùng cả nhà. Cha mẹ có thể thường xuyên rửa tay, tắm hay đánh răng cùng trẻ mỗi ngày.
3. Chạm vào bộ phận riêng tư
Thói quen xấu này thật sự gây bối rối cho cha mẹ. Thay vì phản ứng tiêu cực, hãy dạy con bạn tên của các bộ phận cơ thể. Đánh lạc hướng con bạn khi trẻ làm điều này ở nơi công cộng.
4. Thường xuyên nói dối
Thói quen này của trẻ nhằm thoát khỏi sự trừng phạt và la mắng. Do đó, phụ huynh cần tránh hành động la mắng trẻ khi có bất kỳ sự việc nào. Nói chuyện một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc để trẻ hiểu được vấn đề sẽ tốt hơn. Cần khen thưởng cho trẻ khi con biết trung thực.
Hầu hết các thói quen xấu hình thành do căng thẳng hoặc buồn chán vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng duy trì bầu không khí vui vẻ và yêu thương trong gia đình để giảm đi sự căng thẳng cho trẻ. Luôn dành cho trẻ lời khen ngợi và an ủi khi con cảm thấy lo lắng.
5. Hào phóng với con cái
Cha mẹ cho rằng đây là cách thể hiện yêu thương với con cái, nhưng điều này chỉ khiến trẻ có lối sống xa xỉ, không quý trọng đồng tiền và không có ý thức quản lý tài chính tốt. Yêu trẻ không có nghĩa là cho trẻ nhiều tiền, mà là cho một cách phù hợp. Dạy biết cách tiết kiệm từ sớm sẽ giúp trẻ có tâm lý chủ động, tự lập hơn trong quá trình trưởng thành.
6. Trẻ xem máy tính và chương trình người lớn
Nhiều chương trình người lớn không phù hợp với trẻ vì dễ gây ra sai lầm trong nhận thức. Cho trẻ xem ti vi hoặc sử dụng máy tính phù hợp với giai đoạn phát triển, nội dung phải lành mạnh. Thời gian xem các thiết bị điện tử cũng cần được quy định chặt chẽ, bố mẹ cần kiểm soát nội dung con chơi và xem hàng ngày.
7. So sánh con mình với trẻ khác
Nhiều cha mẹ cho rằng việc so sánh sẽ khiến trẻ có động lực, muốn vượt qua người khác. Tuy nhiên, việc này lại gây tác dụng phụ khi tạo áp lực không đáng có lên con, khiến trẻ bị tổn thương dẫn tới tâm lý tự ti, so đo với người khác. Đừng dùng tiêu chuẩn của những đứa trẻ khác để đo lường con mình. Nên để trẻ phát triển tự nhiên, đừng quá lo lắng miễn là không bị tụt hậu hay ì ạch. Mỗi một đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, bố mẹ nên động viên để phát huy tối đa ưu điểm đó.
8. Bao bọc trẻ quá nhiều
Nhiều cha mẹ vì yêu chiều con đã không để trẻ nhúng tay vào bất kỳ việc gì. Hành động này thực sự tước đi cơ hội thực hành, học tập cũng như rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Hậu quả sẽ khiến trẻ trở nên lười biếng, không có các kỹ năng chăm sóc bản thân, sau này khó thích nghi với cuộc sống tập thể. Giao cho trẻ một số việc trong khả năng làm được để trẻ hiểu rằng chỉ chăm chỉ mới có thưởng. Cách làm này cũng tạo cơ hội cho trẻ học các kỹ năng mềm nên có.
9. Thường có hành động và cảm xúc tiêu cực trước mặt trẻ
Bố mẹ tiêu cực cũng sẽ gây ra những cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Lâu dần, trẻ vô thức học cách đổ lỗi cho người khác thay vì xem xét lỗi lầm của chính mình cũng như không biết cách giải quyết sai lầm. Nên tiết chế, cân nhắc mọi cảm xúc của bản thân khi nói chuyện với trẻ. Không nên để trẻ nghĩ rằng bố mẹ là người thích than thở. Trước mọi vấn đề của cuộc sống, dù khó khăn thế nào cha mẹ cũng nên có thái độ lạc quan và đưa cách giải quyết trước mặt trẻ.
10. Không đúng giờ
Một đứa trẻ sống với bố mẹ có thói quen trì hoãn và không có ý thức về thời gian sẽ không có khái niệm đúng giờ. Chúng không thể hiểu sự nguy hại của việc trì hoãn hay câu giờ ảnh hưởng đên tính cách và công việc trong tương lai như thế nào. Ngay từ nhỏ nên lập thời gian biểu hàng ngày, để trẻ biết cách quý trọng thời gian. Cha mẹ cũng phải làm gương cho trẻ, hứa việc gì với trẻ phải cố gắng đúng giờ.
11. Không tuân thủ luật giao thông
Vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng... những hành động này của cha mẹ không chỉ đe dọa đến tính mạng bản thân, mà còn khiến trẻ học theo. Một khi trẻ không có ý thức an toàn giao thông và bảo vệ mình rất dễ gặp nguy hiểm. Nên dạy trẻ tuân theo luật giao thông khi có hoặc không có trẻ em. Dạy trẻ biết tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông và nói với trẻ rằng làm như vậy, chúng thực sự đang tự bảo vệ mình.
12. Chỉ trích trẻ nơi công cộng
Điều này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến chúng thấy xấu hổ, tự ti. Chỉ trích nơi công cộng cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ không nhận ra lỗi lầm của mình mà chỉ mang lòng oán hận. Nên chỉ ra lỗi sai của trẻ kịp thời nhưng thái độ phải nhẹ nhàng, nói cho trẻ biết vì sao sai. Mục đích của cha mẹ là để trẻ sửa sai chứ không phải để tấn công trẻ.
13. Hay nổi nóng
Việc nổi nóng của bố mẹ trước hết gây ra gánh nặng tâm lý cho trẻ, khiến chúng sợ hãi, không có lợi cho việc phát triển tâm lý. Đồng thời, sẽ khiến trẻ trở thành người hay cáu gắt, không thể kiểm soát và quản lý tốt cảm xúc bản thân.
Người lớn cần học cách quản lý cảm xúc của chính mình. Khi thực sự không thể kìm chế được, cũng không nên bộc phát trước mặt trẻ, hãy tạo cho trẻ một không khí gia đình hòa thuận.
14. Tình cảm gia đình không hòa thuận
Thực tế, các bậc cha mẹ đều biết rằng các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng, rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ em. Cũng có nhiều bậc cha mẹ nhận ra rằng không được tranh cãi trước mặt con cái. Tuy nhiên, bao nhiêu cặp đôi có thể chủ động dập lửa bằng lý trí khi giận nhau? Có bao nhiêu cặp vợ chồng đã trút giận cho nhau để rồi ôm con bên cạnh tiếc nuối?
Tâm trạng không tốt khi cãi vã chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trẻ, nhưng nếu mối quan hệ giữa cha mẹ đã ở trong tình trạng căng thẳng và thờ ơ, thì việc hòa tâm trạng của họ vào quá trình giáo dục trẻ là điều rất dễ xảy ra.
Nếu tình cảm vợ chồng không hòa hợp, căng thẳng thì nhất định sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Bởi vì, sống trong không khí gia đình không tốt, bản tính hồn nhiên, sôi nổi của trẻ sẽ bị kìm hãm, chế độ ăn, ngủ, học, chơi sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, thể xác và tinh thần của trẻ bị hủy hoại.
15. Hút thuốc, uống rượu và cờ bạc
Theo một cuộc khảo sát về những người hút thuốc ở tuổi vị thành niên, số người hút thuốc có cả cha hoặc mẹ của họ nhiều gấp 3 đến 5 lần so với những người không hút thuốc; con cái của những người "nghiện rượu" thường bị lạm dụng rượu sớm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi; tác hại của cờ bạc thậm chí còn tệ hơn, trẻ em không chỉ dễ dàng học đánh bạc từ cha mẹ, mà ngay cả trong một gia đình đánh bài hoặc mạt chược cả đêm, không thể cho trẻ em có một môi trường học tập yên tĩnh. Trẻ em sống chung với những người chơi cờ bạc, hầu hết việc học hành và đạo đức của chúng đều bị ảnh hưởng.
> Cha mẹ nên dạy con điều gì trước 6 tuổi?
> Những cách giúp trẻ cải thiện chiều cao mà cha mẹ cần biết
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp