Trong nhịp sống hiện đại, rất có thể nhiều cha mẹ vì quá bận rộn mà quên để ý rằng những thói quen nhỏ, hằng ngày của trẻ cũng có thể mang lại những nguy cơ rình rập khôn lường cho sức khỏe của chúng.
1. Gây hại cho sức khỏe răng miệng
1.1 Mút tay, bú bình kéo dài hoặc ngậm ti giả thường xuyên
Mút tay hay ngậm núm vú là một trong những tật xấu gây hại cho răng mà trẻ thường hay mắc phải. Tuy không gây sâu răng nhưng mút tay hay ngậm núm vú giả có thể dẫn tới răng trẻ bị hô sau này.
Từ 2 tuổi trở lên nếu trẻ vẫn còn giữ thói quen mút tay hoặc chưa cai được ti giả, bú bình sau này có thể làm cấu trúc hàm, xương và răng bị lệch lạc. Trẻ có thể bị hô, răng mọc không đều. Ngoài ra răng cửa hàm trên có thể bị thưa và nghiêng về phía môi.
1.2 Cắn môi, mút môi
Thói quen này thường gặp ở trẻ hay căng thẳng, tuy nhiên cắn môi trên, môi dưới hay mút môi đều là những thói quen có hại trong quá trình phát triển răng ở trẻ. Nếu không can thiệp kịp thời, về lâu dài thói quen này có thể gây cắn hở, răng cửa hàm trên nghiêng về phía môi và có thể bị hô…
1.3 Cắn móng tay, vật lạ
Các thói quen cắn móng tay, gặm bút, cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê, đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống, lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.
Các thói quen cắn móng tay, gặm bút, cắn các vật cứng rất có hại
1.4 Cắn chặt răng, nghiến răng
Nghiến răng là sự nghiến hoặc xiết chặt hàm răng một cách quá mức các răng ở hai hàm trên và dưới do sự tiếp xúc mạnh giữa mặt nhai của các răng trên và dưới, thường diễn ra vào lúc ngủ, lâu ngày tạo ra các diện mòn trên răng. Nghiến răng được xem như phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và hiện tượng nầy xảy ra phần lớn ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích . Ngoài ra tật nghiến răng còn gặp khi trẻ bệnh động kinh, viêm não hay xáo trộn tiêu hóa.
Tật nghiến răng xảy ra ở trẻ còn thường có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng như răng phát triển không đều, mọc răng,... Hầu hết trẻ bị tật này ở độ 6 tháng tuổi khi răng sữa bắt đầu mọc và trẻ hay bị lại lúc trẻ 5 tuổi có răng vĩnh viễn mọc. Tuy khoảng thời gian nghiến răng ở trẻ thường không lâu dài nhưng tật nghiến răng có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ răng hàm. Đa số trẻ hết tự nhiên lúc khoảng 12 tuổi.
Tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu. Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.
Trường hợp trẻ có tật nghiến răng nên cho đi khám BS chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra tình trạng về các khớp cắn, tình trạng viêm nhiễm vùng răng , nướu... Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt đôi khi phải làm khí cụ cho trẻ đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.
1.5 Đẩy lưỡi
Đẩy lưỡi mỗi khi nuốt điển hình kéo dài khoảng 1 giây, không đủ thời gian gây ảnh hưởng lên sự lệch lạc của răng. Tuy nhiên, khi thực hiện động tác nuốt, nếu đẩy lưỡi của trẻ về phía trước, thời gian kéo dài có thể làm sai vị trí của răng. Ở trẻ cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng.
Tật đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và thưa nhau, hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên và có khi gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới).
Nếu trẻ hay đưa lưỡi ra phía trước, cần hướng dẫn cho trẻ đặt lưỡi đúng vị trí, hoặc đưa đến Bác sĩ Răng Hàm Mặt để được hướng dẫn cách khắc phục
1.6 Thở miệng
Trẻ thở miệng có thể cấu trúc môi trên ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi hoặc do trẻ gặp vấn đề về đường thở. Nếu gặp vấn đề về đường thở, bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp, loại bỏ thói quen thở miệng.
Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng dễ gây sâu răng, làm lệch lạc răng và hàm trẻ sẽ bị hô. Tật thở bằng miệng làm hệ thống xương mặt phát triển không cân đối và cũng dễ dẫn đến những rối loạn về khớp cắn.
1.7 Chống cằm
Nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua thói quen này nhưng nếu không nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ sớm, chống cằm có thể làm thay đổi hướng phát triển xương của hàm dưới, làm khuôn mặt trẻ trở nên mất cân xứng.
1.8 Ngậm khi ăn
Thói quen này thường gặp ở trẻ mới mọc răng hoặc ở cả trẻ lớn biếng ăn. Ngoài khiến cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, việc ngậm lâu khi ăn có thể làm thức ăn trong miệng chuyển hóa thành đường, từ đó bám vào răng và gây sâu răng.
1.9 Chải răng không đúng cách
Đa số trẻ chỉ chải răng 1 lần/ngày vào mỗi buổi sáng mà ít duy trì 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ hoặc chải ngay sau bữa ăn. Bên cạnh đó nhiều trẻ vẫn chưa biết chải răng đúng cách mà chỉ chải qua loa. Việc này không những tạo cơ hội cho mảng bám, thức ăn thừa còn tích tụ trên răng mà còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu ở trẻ.
Việc chải răng không đúng cách cũng gây hại cho sức khỏe răng miệng của trẻ
2. Gây hại cho hệ tiêu hóa
2.1 Ăn khuya
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thói quen ăn đêm, nhất là ăn muộn sau 20 giờ thường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thông thường, sau khoảng thời gian 18 – 19 giờ, dạ dày bắt đầu ngưng hoạt động, tiến vào trạng thái nghỉ ngơi và phục hồi. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cứ tiếp tục nạp vào cơ thể một lượng thực phẩm nhất định, hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày sẽ trở nên quá tải. Khi đó, hệ tiêu hóa bao gồm cả dạ dày, ruột, tụy, gan, ngay cả khoang miệng sẽ tiết ra dịch vị, men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn.
Nếu hiện tượng này tiếp diễn trong khoảng thời gian dài có thể sẽ khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương. Lúc này, có thể con bạn có thể mắc phải một số bệnh lý tiêu hóa như bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, trào ngược acid dạ dày ở trẻ,… Chưa kể đến, ăn đêm thường xuyên cộng với việc không vận động và ngủ sẽ khiến năng lượng nạp vào cơ thể tích trữ dẫn đến béo phì hoặc thừa mỡ.
2.2 Bỏ bữa sáng
Bữa ăn sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên, đa phần giới trẻ ngày nay lại xem thường và bỏ qua. Bữa sáng thường giúp điều chỉnh sự thèm ăn cả ngày nhưng nếu bạn nhịn ăn sáng, khả năng bạn ăn nhiều hơn trong ngày là khá cao. Điều này đồng nghĩa với việctrẻ sẽ tăng cân nhanh. Nếu cứ tiếp tục bỏ ăn sáng sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì và kéo theo đó là khả năng mắc bệnh tim.
Ngoài ra, bỏ ăn sáng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa. Lâu dần, có thể trẻ sẽ mắc phải các bệnh lý về dạ dày như đau dạ dày, viêm loét hoặc trào ngược dạ dày,…
2.3 Vừa ăn vừa uống
Nhiều bé có thói quen “một miếng ăn một miếng nước” mới có thể ăn và nuốt. Thói quen này hình thành do bé lười ăn, lười nhai nuốt, thích ngậm chứ không phải mắc nghẹn. Đây là một cách thức cho ăn không tốt cho bé, không giúp bé ăn được nhiều hơn mà uống nước trong khi ăn khiến trẻ nhanh no và càng chán ăn. Bên cạnh đó, khi ăn quá nhiều chất lỏng sẽ khiến bé lười nhai, biến ăn dịch vị tiêu hóa giảm và quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại, có thể gây ra một vài triệu chứng như đau bụng, hay ợ hơi. Hãy cho con ăn xong rồi mới uống nước để cảm giác ăn, tập nhai tốt hơn, bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Vừa ăn vừa uống là một cách thức cho ăn không tốt cho bé
3. Gây hại cho trí não, hệ thần kinh
3.1 Xem tivi nhiều
Một ngày nhóc của bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian xem tivi? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dành quá nhiều thời gian coi tivi hoặc các loại thiết bị điện tử khác như máy tính, điện thoại, máy tính bảng… sẽ làm ảnh hưởng đến sự tập trung, suy nghĩ và sẽ khiến bé lười suy nghĩ hơn. Chưa kể đến việc thường xuyên xem tivi sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì của bé. Cứ mỗi khi bạn cho bé xem tivi thêm 2 tiếng thì nguy cơ béo phì của con cũng tăng thêm 23%.
Việc dành quá nhiều thời gian coi tivi hoặc các loại thiết bị điện tử khác sẽ làm ảnh hưởng đến sự tập trung, suy nghĩ và sẽ khiến bé lười suy nghĩ hơn
3.2 Giữ cho trẻ luôn “bận rộn”
Nhiều người cho rằng, việc giữ cho con cái luôn bận rộn sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nhưng nếu lịch trình của chúng quá kín và có nhiều hoạt động bên ngoài trường học, điều này có thể dẫn đến chứng stress mãn tính. Tình trạng căng thẳng không chỉ được biết là yếu tố gây ra sự thay đổi nội tiết tố mà còn có thể làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu, các vấn đề về tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác.
3.3 Thức khuya, thiếu ngủ
Trẻ em thường có thói quen thức khuya. Nguyên nhân có thể là do trẻ say xưa xem một seri truyền hình nào đó hoặc cũng có thể bị những pha hành động trong game lôi cuốn. Theo một vài nghiên cứu, việc thức quá khuya sẽ khiến cho thời gian ngủ ngắn lại và giấc ngủ trở nên kém chất lượng. Chính vì vậy, những trẻ thường xuyên thức khỏe cơ thể sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và có nhiều triệu chứng mất ngủ dẫn đến tinh thần sa sút, kém tập trung.
Bên cạnh đó, việc ngủ muộn sẽ phá hủy các tế bào máu trắng gây hại đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chính vì lý do này mà nhiều trẻ thức khuya thường mắc phải các bệnh như dị ứng hoặc cảm cúm, cảm lạnh hơn những trẻ ngủ sớm. Ngoài ra, thức khuya cũng đồng nghĩa với việc da trở nên nhăn nheo và xỉn màu do tốc độ lão hóa diễn ra nhanh hơn.
3.4 Ăn quá nhiều đồ ăn vặt
Hầu hết trẻ đều thích ăn vặt, như khoai tây chiên, giăm bông, đồ chiên, mì tôm… Các bé thỉnh thoảng ăn 1-2 lần không gây hại, nhưng ăn quá nhiều sẽ thừa calo, tăng nguy cơ béo phì.
Ngoài ra, đồ ăn vặt dễ gây nghiện, khiến trẻ kén ăn, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Điều này có thể ảnh hưởng khả năng ghi nhớ của não bộ. Cha mẹ cần chú ý đa dạng hóa khẩu phần ăn của trẻ, ưu tiên nguyên liệu thô như thịt, trái cây tươi, rau và hải sản. Ba bữa/ngày là cố định, kèm theo trái cây hoặc sữa để ăn nhẹ.
4. Gây hại cho xương khớp của trẻ
4.1 Thiếu tập thể dục
Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tế bào máu dưới da hoạt động, giúp máu lưu thông và vận chuyển chất dinh dưỡng đến các cơ quan thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, thể dục còn giúp hệ xương khớp trở nên dẻo dai, linh hoạt hơn. Đồng thời, chúng còn giúp bạn sở hữu làn da mịn màng cùng với vóc dáng thon gọn. Chính nhờ những ưu điểm nổi bật này mà đa phần cha mẹ đều muốn con cái dành ra ít phút mỗi ngày để tập luyện.
Trẻ lười vận động có thể gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, để tránh rước thêm nhiều bệnh cha mẹ nên khuyên con tích cực tập thể dục.
Tuy nhiên, chính vì thói quen lười vận động mà nhiều trẻ đã bỏ lơ lời nhắc nhở này. Và việc lười tập thể dục có thể là con đường ngắn nhất dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh ung thư.
4.2 Ngồi thẳng lưng
Đây là một trong những thói quen xấu có thể bạn bất ngờ. Nhiều bà mẹ luôn bảo với con cái của họ “Hãy giữ lưng thẳng!” khi chúng đang ngồi. Nhưng hóa ra, tư thế ngồi thẳng trên ghế không phải là điều tốt nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị trí ngồi thoải mái nhất mà chúng ta có được là khi ngả người ra phía sau ghế và trượt xuống một chút. Khi ngồi ở góc 135 ° này, cột sống, cơ bắp và gân cơ không phải chịu nhiều áp lực.
Người ngồi thẳng lưng trong một thời gian dài có thể gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm. Đây là lý do giải thích tại sao các chuyên gia khuyên rằng trẻ em nên ngồi trong một tư thế thoải mái với kèm theo một số vật dụng hỗ trợ cho phần lưng.
4.3 Mang ba lô quá nặng
Theo các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp, trọng lượng tối đa một đứa trẻ mang nên bằng 1/10 chiếm khoảng 10% trọng lượng cơ thể của chúng. Có như thế, vấn đề sức khỏe, đặc biệt là cột sống của trẻ mới không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đa phần trẻ em ngày nay đều mang ba lô với trọng lượng quá tải cộng với việc mang không đúng cách gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống cơ xương khớp. Cụ thể:
- Ảnh hưởng tạm thời: Mang cặp sách quá nặng khiến trẻ bị đau lưng và cổ kèm với triệu chứng tay bị tê và ngứa.
- Ảnh hưởng lâu dài: Ba lô nặng tác động một lực làm căng thẳng ở cổ và vai gây đau nhức đầu. Bên cạnh đó, mang cặp sách quá tải trong một thời gian dài có thể gây tổn thương cột sống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cong vẹo cột sống, gù lưng. Mặt khác, mang ba lô nặng vẹo sang bên hoặc cúi gập người có thể gây ảnh hưởng đến phổi làm giảm khả năng thở. Đồng thời, thói quen xấu này còn gây co thắt cơ và đau lưng.
4.4 Uống sữa
Có lẽ điều này sẽ khiến bạn hoài nghi, nhưng hãy bình tĩnh và đọc tiếp để cùng hiểu rõ vấn đề nhé!
Sữa là loại thực phẩm gắn liền với tuổi thơ và được xem là một sản phẩm hữu ích trong việc phục hồi sự thiếu hụt canxi của cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại với nhận định đó. Casein, protein có trong sữa làm tăng độ axit trong dạ dày, để giảm thiểu điều đó, cơ thể cần lấy các khoáng chất để bù lại, bao gồm cả canxi trong xương. Và nếu thiếu canxi, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Một số nghiên cứu thậm chí chỉ ra rằng casein có thể gây ung thư.
Đến giai đoạn từ 10 – 11 tuổi, trẻ em ngừng phát triển quá trình lên men hòa tan casein, vì vậy thanh thiếu niên và người lớn thường không được hưởng lợi ích nhiều từ việc uống sữa. Vì thế mà các chuyên gia dinh dưỡng đã xếp việc tiêu thụ quá nhiều sữa hằng ngày vào danh sách những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
> TOP 10 bí quyết giúp trẻ bảo vệ mắt khi học online
> Những cách giúp trẻ cải thiện chiều cao mà cha mẹ cần biết
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp