Sáng 27.1, hơn 1.000 học sinh tập trung tại hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Phước để nghe các chuyên gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2013.
Thi ĐH hay học CĐ rồi liên thông trong mùa tuyển sinh 2013?
Ngay khi chương trình bắt đầu, Nguyễn Thị Hằng, học sinh (HS) lớp 12A5 Trường THPT Hùng Vương, đã băn khoăn về sự thay đổi trong quy định về liên thông năm nay. Hằng hỏi: “Em muốn thi vào một trường CĐ nhưng 3 năm sau mới thi liên thông được, vậy theo thầy cô em có nên thi CĐ hay cố gắng thi ĐH? Nếu em tốt nghiệp CĐ loại khá thì có được thi liên thông ĐH ngay không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp: “Năm nay Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới hướng dẫn việc tổ chức liên thông các bậc học. Theo đó, thí sinh sau khi tốt nghiệp CĐ căn cứ ngày cấp bằng, dưới 36 tháng muốn liên thông lên bậc cao hơn phải tham gia chung với kỳ thi ĐH-CĐ chính quy. Nếu tốt nghiệp hơn 36 tháng, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi 3 môn tại trường. Trước đây tốt nghiệp loại khá được thi liên thông ngay, bây giờ không quy định như vậy nữa. Do đó, tùy điều kiện, tùy năng lực học tập mà các em cân nhắc nên thi ĐH hay thi, học CĐ rồi khi có điều kiện phù hợp thì thi lên bậc học cao hơn”.
|
Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung, hỏi nếu đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học thì có được tuyển thẳng hay không. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết: “Trong hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 mới đây, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có một số thay đối về xét tuyển thẳng. Theo đó, những em tham gia tập huấn trong đội tuyển Olympic quốc tế được đăng ký nguyện vọng xét tuyển thẳng theo môn mà các em dự thi. Bên cạnh đó, những em đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT cũng nằm trong diện này”.
Quan tâm việc làm khối ngành kỹ thuật
Bên cạnh rất nhiều câu hỏi về khối ngành kinh tế, không ít HS đã đặt những câu hỏi liên quan đến các ngành kỹ thuật, nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải…
Lê Văn Hùng, HS lớp 12A4 Trường THPT Hùng Vương, thổ lộ: “Em muốn về tỉnh làm ngành cao su thì em nên học ngành nào? Hóa học hay chế biến cao su?”. Thạc sĩ Vũ Thu Hương - Phó giám đốc ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), đưa ra lời khuyên: “Bình Phước cũng là nơi có thể làm giàu từ cây cao su. Em thể học ngành lâm nghiệp hay nông nghiệp đều được. Hoặc ngành chế biến gỗ, ngành trồng trọt cũng có thể làm về cây cao su”. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin thêm HS có thể học các ngành thuộc khoa nông học, trong đó có chuyên ngành cây cao su hoặc ngành công nghệ hóa học cũng đáp ứng phần chuyên sâu về cây cao su.
HS Nguyễn Văn Dũng, Trường THPT chuyên Quang Trung, lại muốn thi vào ngành công nghệ điện tử nhưng không biết mức độ khó, dễ của ngành này và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Nguyễn Ngọc Diện - Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, giải đáp: “Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này với nội dung đào tạo có khoảng 60-70% là giống nhau. Đây là một trong nhiều ngành kỹ thuật có cơ hội việc làm lớn vì các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng với mức lương cao”.
Phạm Đức Hùng, HS Trường THPT Hùng Vương, đặt một câu hỏi thú vị: “Em rất yêu môi trường và muốn học ngành quản lý môi trường, nhưng bạn gái em lại muốn em làm giám đốc, vậy xin các thầy cho hỏi học các ngành này ở đâu, cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm ra sao?”. Tiến sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM, tư vấn: “Ngành quản lý môi trường hiện được đào tạo ở nhiều trường như ĐH Bách khoa TP.HCM (điểm chuẩn khoảng 17-18), ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM (15 điểm), ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM (tương đương điểm sàn)... Dù các em tốt nghiệp trường nào thì cơ hội việc làm cũng đều rộng mở đối với những cử nhân có năng lực, có chuyên môn và kỹ năng”. Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn thêm ngành nghề nào cũng có thể làm giám đốc nếu như bản thân có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình muốn tham gia và kiến thức thuộc các lĩnh vực liên quan.
Mang thông tin đến học sinh vùng biên giới
Kết thúc buổi tư vấn trực tiếp tại thị xã Đồng Xoài, chiều cùng ngày, đoàn tư vấn mùa thi tiếp tục hành trình đến với HS Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu và Đắk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Năm nay, Trường Võ Thị Sáu có lứa HS lớp 12 đầu tiên nên các em rất háo trước thông tin từ đoàn tư vấn. Thùy Duyên, HS lớp 12A1 cho biết: “Từ trước tới giờ, em không biết gì về thông tin tuyển sinh. Chính vì vậy, em đã tranh thủ đến sớm để hỏi những điều mà em chưa biết”. HS của trường này tập trung đặt câu hỏi về quy chế tuyển sinh, những điểm mới, cách chọn ngành, trường hiệu quả và dễ đậu.
Học sinh Trường Đắk Ơ chăm chú nghe hướng dẫn thực hiện phiếu trắc nghiệm ngành nghề mà Báo Thanh Niên tặng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đáng chú ý, trong buổi tư vấn lớp tại Trường Đắk Ơ thuộc xã Đắk (một trong hai xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập), hơn 300 HS đã chăm chú lắng nghe các chuyên gia tư vấn từ đầu cho đến cuối buổi. Trường giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, phần đông là HS người dân tộc Tày và Stiêng, có khoảng 70% thuộc gia đình khó khăn. Bế Thị Ngọc Duyên - người dân tộc Tày, cho biết: “Nhà có 3 chị em, em là con út, anh chị chưa có ai vào ĐH, nên em rất quan tâm đến thông tin tư vấn, để hy vọng chọn đúng ngành nghề, vào ĐH”. Điểu Le - người dân tộc Stiêng, nói: “Em là con trai lớn trong gia đình 5 anh em. Gia đình em đều làm nông. Em chưa bao giờ được tiếp xúc với thông tin tuyển sinh nên em tranh thủ, vượt 20 km để đến với buổi tư vấn này”. Theo ông Lê Văn Thắng - Phó bí thư Đoàn Trường Đắk Ơ, từ khi trường thành lập (năm 2005) tới nay mới có Báo Thanh Niên đến tư vấn.
Đến giờ ra về, các HS xếp cẩn thận từng tài liệu mà các trường ĐH-CĐ, Báo Thanh Niên cung cấp.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Thanh Niên