Hai bài văn quá xúc động

Cả hai bài văn đều được các em viết ra từ những xúc cảm của mình, nên đã được điểm 10, nhưng điểm chấm bằng bút mực màu đen làm không ít người vẫn phải thắc mắc?

Bài văn thứ nhất là của một em học sinh lớp 8, tên Nguyễn Thị Kiều Vân, sinh ngày 17/01/1997, dự thi môn Ngữ văn ngày 17/9/2010. Bài văn được chấm điểm tối đa 10, kèm theo đó là dòng nhận xét “Bài viết quá xúc động, cảm ơn con”.

Với đề bài “Hãy tả về một người thân trong gia đình”, bài văn đầu tiên đã được em Nguyễn Thị Vân viết trên khổ giấy A4, và em viết chính về người mẹ ruột của mình. Từ bé hoàn cảnh sống trong gia đình em đã khá “đặc biệt”, mất bố từ lúc còn rất nhỏ, lên chín tuổi thì mẹ bỏ nhà ra đi để lại em bơ vơ một mình giữa cuộc đời. Thế nhưng, dù mẹ có bỏ Vân, Vân chưa bao giờ trách mẹ một câu, em biết mẹ có “nỗi khổ riêng” vì căn bệnh “hiểm nghèo” mẹ chẳng muốn làm phiền phức cho em nên mẹ đã bỏ nhà ra đi.

Dù có cách xa mẹ, nhưng Vân vẫn nhớ y nguyên hình bóng của mẹ từ mái tóc cho khuôn mặt, làn da mẹ... Sống mỗi ngày Vân vẫn luôn mong ngóng mẹ quay về để em được tự tay chăm sóc bệnh cho mẹ, làm mẹ được vui lòng và không phải rơi những giọt nước mắt xuống vì em nữa. Thế nhưng, điều ước đó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực bởi mẹ của em đã mãi mãi rời xa em, đi đến một nơi nào đó không còn quay về căn nhà xưa nữa...

Còn bài văn thứ 2 là của em Phạm Thị Thu Hà, một học sinh lớp 6. Bài văn được viết trên giấy kẻ ôli vuông, cũng dài hơn 2 trang giấy và điểm tối đa cũng là 10, cùng với lời nhận xét “Bài viết có cảm xúc, rất tốt".

Đề tài của bài viết cũng giống như bài văn số 1 “Hãy tả một người thân trong gia đình”. Em Thu Hà viết về người mẹ tần tảo, chịu khó của mình. Nhưng cuộc sống của Thu Hà may mắn hơn Kiều Vân (ở bài văn 1) rất nhiều, em còn có mẹ, được mẹ quan tâm chăm sóc từng ly, từng tý từ bữa ăn cho đến giấc ngủ.

Thu Hà rất yêu thương mẹ, bởi trong gia đình mẹ là người tần tảo, vất vả nhất. Từ khuôn mặt đến mái tóc, dáng người, mi mắt, miệng và dáng người của mẹ em đều ghi nhớ rất rõ. Đồng thời mỗi lời được em viết ra trong bài văn đều có nhắn nhủ ở đó một lời cảm ơn tới mẹ. Bởi mẹ không bao giờ quản ngại những khó khăn, vất vả của cuộc sống luôn cố gắng để chăm lo cho cuộc sống gia đình được ấm no hạnh phúc...

Trong bài văn Thu Hà bày tỏ tấm lòng chân thành của mình muốn gửi tới mẹ lời cảm ơn và em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập thật giỏi để mai sau có thể đền đáp công ơn sinh thành của mẹ...

Cả hai bài văn đều xuất hiện trên Facebook ngày hôm qua (17/4), ban đầu nhìn vào khoảng thời gian làm hai bài văn so với lúc đăng tải thì cách nhau khá xa. Thế nhưng, ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội Facebook cả hai bài văn này đều thu hút được hằng trăm cư dân mạng xem. Có lẽ, do cả hai bài đều được các em viết ra từ những xúc cảm chân thực của mình nên mới nhận được sự quan tâm chú ý từ phía cư dân mạng như vậy.

Hầu hết khi đọc hai bài văn, các thành viên mạng đều khen viết hay, có cảm xúc và nhiều người thấy xúc động và rưng rưng nước mắt. Thành viên Ngọc Trần chia sẻ: “Đọc xong mà hai con mắt rưng rưng nước”, còn thành viên Thuy Thu: ”Đọc xong càng hiểu hơn câu thơ “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?” Mắt tôi hơi rưng rưng. Khi đọc xong hai bài văn này có lẽ sẽ tự kiểm lại mình xem đã làm được điều gì tốt cho mẹ mình chưa?..."

Bên cạnh đó có số ít thành viên khác bày tỏ, bài văn được viết ra từ hai em học sinh này có khả năng là thật, nhưng còn điểm 10 thì không chắc chắn lắm bởi sao lại chấm điểm bằng bút mực đen và chữ viết chỗ lời phê của giáo viên hơi nguệch ngoạc?

Hãy cùng đọc lại hai bài văn xúc động này:

Bài văn số 1

“Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này. Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Như hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi.

Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc.

Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ cô mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ me nhiều lắm, nhất định cn sẽ làm theo những gì mẹ dạy.

Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.

Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”.
Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”

Bài văn số 2

“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”

Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chọt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó.

Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.

Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.

“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.

Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà... thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.

Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua.

Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.

Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.

“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.

 

Bạn có biết về:

Nội dung bài văn về sự thành công

Điểm thi tốt nghiệp thpt

Điểm chuẩn đại học

 

Kenhtuyensinh

Theo: Kienthuc