Tin liên quan:
>> Sửa đáp án môn sử khối C: Thí sinh vẫn thiệt thòi
>> Điểm thi đại học môn toán vượt trội môn sử
>> Nghịch lý điểm thi đại học môn sử
Môn lịch sử đóng vai trò rất quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho học sinh. Học tốt lịch sử sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về quá khứ, rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hiện tại. Tuy nhiên...
Ai cũng thờ ơ với môn sử
Có một nghịch lý đáng buồn là trong quan niệm của nhiều người, môn lịch sử cũng chỉ là một “môn phụ” trong hệ thống các môn học và có số tiết vào loại ít nhất. Không chỉ học sinh mà cả giáo viên lẫn nhà trường, phụ huynh đều quan niệm đây là môn phụ, môn học thuộc bài, chỉ cần học thuộc không cần tư duy dù đó là môn đang “cõng” điểm cho các môn khác theo quan niệm là chính yếu (toán, lý, hoá...) trong các kỳ thi tốt nghiệp.
Ngay trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn sử cấp trường, cấp tỉnh, hiếm có học sinh nào tự nguyện đăng ký dự thi học sinh giỏi môn lịch sử nên giáo viên các trường phải thực hiện sách lược “vừa cứng rắn vừa mềm dẻo”, tức là vừa dụ dỗ vừa “chỉ mặt đặt tên”, cho nên kết quả mang lại thường không cao.
Cách truyền đạt kiến thức môn lịch sử của nhiều thầy cô giáo còn rất khô khan, khó tiếp thu, khó nhớ hết các sự kiện lịch sử cũng như chi chít những con số ngày tháng năm của các sự kiện. Có nhiều tiết học, giáo viên ít giảng mà đọc y như trong sách giáo khoa, còn học sinh chỉ có việc ngồi nghe, ghi chép một cách thụ động, thiếu khoa học. Thế nên tới tiết học môn lịch sử là học sinh ngán ngẩm, ngáp dài, ngáp ngắn.
Thay đổi cách dạy
Để môn lịch sử có vị trí xứng đáng trong trường THPT hiện nay, trước hết cần phải đổi mới cách giảng dạy. Muốn học sinh thực sự hào hứng trong mỗi tiết học, người giáo viên diễn đạt bài giảng môn lịch sử phải lôi cuốn. Thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh hoạ... mà giáo viên diễn đạt, sẽ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận những kiến thức lịch sử, từ đó học sinh sẽ yêu thích bộ môn lịch sử một cách tự nhiên.
Vận dụng các phương pháp dạy học linh hoạt, hiệu quả trong từng bài giảng, nhất là phương pháp thảo luận theo nhóm nhỏ. Thông qua hoạt động nhóm nhỏ, tư duy tích cực của học sinh được phát huy, đó là rèn luyện năng lực hợp tác giữa các thành viên trong nhóm. Giáo viên cũng cần dành nhiều thời gian để sưu tầm, thiết kế tiết học bằng giáo án điện tử. Việc dạy học bằng giáo án điện tử với hình ảnh, lược đồ, tư liệu phong phú, nhất là các đoạn phim lịch sử sẽ thu hút sự chú ý và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Trong năm học cũng cần tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử (nơi gần nhất) hoặc sinh hoạt ngoại khoá nhiều hơn về đề tài lịch sử… Thông qua những chuyến đi thực tế, giờ sinh hoạt ngoại khoá, học sinh sẽ hình dung cụ thể về những sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử.
Dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, nhưng một khi học sinh, nhà trường và cả phụ huynh vẫn quan niệm lịch sử là môn học thứ yếu thì rất khó để có nhiều học sinh hiểu và biết một cách tường tận, chính xác lịch sử dân tộc.
Nỗi niềm giáo viên dạy sử
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, môn sử có ưu thế nhất trong các bộ môn về việc kết hợp dạy chữ với dạy người. Nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên phải nghẹn ngào khi chia sẻ về những suy nghĩ lệch lạc mà xã hội đang dành cho môn sử.
Trong khi đó, chất lượng đào tạo thấp càng khiến môn sử đứng trước nguy cơ đánh mất mình…
Cô giáo khóc tức tưởi giữa lớp
Sau khi Tiền Phong đăng bài “Vì sao học sinh không thích sử” (số ra ngày 20-8-2012), một giáo viên trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng đã liên lạc với chúng tôi để tâm sự thêm những “ấm ức” mà chị và các đồng nghiệp dạy sử chịu đựng lâu nay.
Chị nhắc đến một câu chuyện xảy ra sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ II ở một lớp 12 do chị dạy. Kỳ thi này toàn tỉnh sử dụng đề chung. Kết quả của học sinh lớp chị sa sút thảm hại so với học kỳ I - chỉ khoảng 1/3 em đạt điểm 5 trở lên.
Lý do là các em chỉ nhăm nhăm học các môn thi đại học khối A hoặc D nên bỏ bẵng môn sử.
“Tôi tỏ ý buồn và có so sánh các em với các bạn ở những trường mà điều kiện học tập không tốt bằng nhưng điểm thi khá cao, có bạn còn được 9,5 điểm. Bỗng ở dưới lớp có tiếng nói vọng lên, “ôi, tụi đó có đầu óc trâu bò mà cô!”.
Tuy bất ngờ nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng hỏi: “Vậy đầu óc của các em là gì?”. Vẫn giọng nói của em học sinh đó, “đầu óc của tụi em là con người mà...”. Khoảng 1/3 lớp bật cười thích thú, trong đó có cả những em là cán sự lớp, học lực khá và thường ngày rất ngoan.
Lúc đó, nỗi niềm tủi thân, uất ức cho thân phận nghề nghiệp bùng dậy làm tôi nghẹn ứ, không nói được lời nào, nước mắt trào ra rồi sau đó tôi khóc tức tưởi như bị ai đó đánh đòn đau. Lớp học lặng đi. Một vài em cũng khóc theo cô giáo, cô giáo dạy sử ở Bảo Lộc, Lâm Đồng kể.
Trò chuyện với nhiều giáo viên dạy sử khác không ít người thừa nhận, nói chung học trò thường có phát ngôn gây sốc nhưng các thầy cô đều không chấp, không giận.
Tuy nhiên, đôi khi hành vi, thái độ của các em lại là “giọt nước tràn ly” khiến cho chính các thầy cô mặc cảm tự ti bị xã hội, dư luận học sinh “kỳ thị”, coi thường vì là giáo viên “môn phụ”.
“Mọi người hay nói môn sử là rễ cây, các môn khác là thân, là cành, là lá.v.v… Không có rễ thì cây không sẽ khô cành khô lá. Nhưng “rễ” gì mà một tuần chỉ được dạy 1 tiết! Thi tốt nghiệp năm có năm không.
Năm không thi thì có tiết cũng như không vì học sinh không chịu học”, cô Trần Kim Thủy, giảng viên khoa Sử đồng thời là giáo viên trường THPT thực nghiệm (Trường ĐH Thái Nguyên) nói.
Nhưng một giáo viên ở Nghệ An lại cho rằng, nếu thi tốt nghiệp à uôm như hiện nay thì dẫu đưa sử là môn thi bắt buộc cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. “Tất nhiên thi sẽ là một động lực thúc đẩy các em học nhưng với điều kiện phải thi cho ra thi”, giáo viên này nói.
Vòng luẩn quẩn
Theo nhiều chuyên gia và giáo viên, dù có không ít yếu tố khách quan tác động tới sự hào hứng của học sinh đối với môn sử nhưng về cơ bản giáo viên đóng vai trò quyết định.
Cho dù ở bình diện chung môn sử bị xem nhẹ nhưng trong từng tiết học cụ thể, giáo viên giỏi sẽ khuấy động được không khí lớp học.
“Khi tôi còn làm giáo viên, nhiều học sinh nói rằng tôi đã khiến các em ấy hào hứng khi học môn sử. Về sau này làm cán bộ quản lý, dự giờ ở nhiều nơi tôi nhận thấy, chính giáo viên mới làm cho giờ học thành công hay không” - Bà N.T.T, chuyên viên một Sở GD&ĐT nhận xét.
Tuy nhiên, phần lớn giáo viên sử hiện nay thiếu tâm huyết lại được đào tạo ở những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng khiến tình trạng chán sử trong học sinh thêm trầm trọng.
Thực tế này tạo nên vòng tròn luẩn quẩn. Môn sử kém hấp dẫn nên đầu vào ngành sư phạm sử của các trường ĐH thấp. Do đó chất lượng đầu ra, tức giáo viên không đạt yêu cầu. Điều này lại tác động ngược trở lại vị thế và uy tín của môn sử trong nhà trường, trong xã hội, trong tâm lý học sử của học sinh.
“Người thầy là gốc. Người thầy phải là trung tâm của cuộc cách mạng giáo dục lịch sử”, PGS TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch Hội đồng Bộ môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT nói.
Tuy nhiên để làm được một cuộc cách mạng trong khâu đào tạo giáo viên sử không đơn giản trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ các giáo viên sử có kinh nghiệm chê trình độ thế hệ sinh viên tốt nghiệp sư phạm sử những năm gần đây mà cả các giảng viên ĐH cũng công nhận đầu ra của mình chưa đạt yêu cầu. Trước hết, nguồn tuyển vào ngành sử ngày càng khan hiếm.
“Năm ngoái lần đầu tiên trong lịch sử khoa tôi phải tuyển sinh viên ngành sư phạm (SP) sử bằng điểm sàn của Bộ (14 điểm). Năm nay chỉ chưa đến 299 em đăng ký nguyện vọng vào SP sử trong khi chỉ tiêu là 100. Với xu hướng coi nhẹ môn sử như hiện nay thì không chỉ khoa tôi mà nhiều khoa lịch sử của các trường ĐH khác sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa”, một giảng viên trường ĐH Quy Nhơn chia sẻ.
Đầu vào đã thấp, chất lượng đào tạo phần lớn các trường lại có vấn đề. Theo thống kê của PGS TS Ngô Minh Oanh, trường ĐH SP TP HCM, trong số 11 cơ sở đào tạo ngành SP sử lớn nhất hiện nay, chỉ duy nhất khoa Lịch sử trường ĐH SP Hà Nội có phòng bộ môn.
Khoa Sử trường ĐH SP Hà Nội cũng là nơi duy nhất có thư viện, các nơi khác chỉ có tủ sách, thậm chí một số nơi không có gì. Quá nửa trong số này chỉ có 1 - 2 giảng viên có học vị tiến sĩ, thậm chí có nơi không tiến sĩ nào.
Một nghịch lý là đầu vào chất lượng thấp, điều kiện giảng dạy không đảm bảo nhưng nhiều nơi đầu ra lại đạt tỉ lệ sinh viên có bằng giỏi rất cao. Có nơi thậm chí 50% sinh viên ngành SP sử đạt loại giỏi.
“Tôi biết có trường hợp sinh viên SP sử đạt loại giỏi nhưng về trường phổ thông không dạy nổi, trường phải bố trí đi đánh trống trường. Động cơ để các trường rộng rãi trong việc xếp loại sinh viên là để cạnh tranh trong tuyển sinh. Nhưng cách làm này chỉ khiến cho cơ sở đào tạo đánh mất mình, mất uy tín và bị xã hội từ chối”, GS TS Đỗ Thanh Bình, trường ĐH SP Hà Nội nhận xét.
Phần lớn giáo viên sử hiện nay thiếu tâm huyết lại được đào tạo ở những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng khiến tình trạng chán sử trong học sinh thêm trầm trọng.
Thực tế này tạo nên vòng tròn luẩn quẩn. Môn sử kém hấp dẫn nên đầu vào ngành sư phạm sử của các trường ĐH thấp. Do đó chất lượng đầu ra, tức giáo viên không đạt yêu cầu.
Điều này lại tác động ngược trở lại vị thế và uy tín của môn sử trong nhà trường, trong xã hội, trong tâm lý học sử của học sinh.
Tin đang được quan tâm:
ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012
ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012
TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH
Kênh Tuyển Sinh