Nghề Thiết kế quảng cáo: Cơ hội tìm việc làm có thu nhập cao
Nghề "hot", nghề hái ra tiền, nghề đắt giá... là những gì người ta vẫn hay “đồn đại” về Thiết kế quảng cáo (TKQC). Nhưng để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp với mức lương cao ngất ngưởng thì chỉ đam mê thôi vẫn chưa đủ!
I. Nhu cầu gia tăng:
Quảng cáo là một trong những ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam đạt doanh thu gần 1 tỷ USD trong năm 2010. Cả nước hiện có hơn 7.000 công ty quảng cáo, truyền thông, PR, tổ chức sự kiện.
Làm sao để thành công khi học ngành thiết kế quảng cáo
Quảng cáo hiện là một trong những lĩnh vực hoạt động ứng dụng mạnh mẽ và sôi nổi nhất của các nhà thiết kế. Chính vì thế mà các nghề trong lĩnh vực này bỗng trở nên “hot” trên thị trường tuyển dụng trong nhiều năm gần đây.
Lương cao ngất ngưởng
Các tập đoàn truyền thông và quảng cáo lớn, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đưa ra các mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ tốt để thu hút các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực quảng cáo trên báo in, truyền hình, Internet cũng như sản xuất game, web, sản xuất phim, truyền thông... Chuyện một “designer” đầu quân tại một công ty quảng cáo với mức lương từ 400-1.500USD/tháng cộng thêm với những công việc freelance (việc làm tự do) với thu nhập hơn 2.000USD/tháng là chuyện bình thường.Ngay khi còn là sinh viên, nhiều bạn trẻ đã đủ khả năng nhận thêm các công việc thiết kế tại nhà với mức thù lao khá, qua đó tích lũy kinh nghiệm quý báu. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận vai trò thiết kế các sản phẩm đồ họa: website, quảng cáo, in ấn, nhận diện thương hiệu,… các sản phẩm truyền thông đa phương tiện: sản xuất phim, clip ca nhạc, phim hoạt hình… với các công việc tại các công ty truyền thông, quảng cáo, đài truyền hình... ( Khoá học Khóa học Thiết kế 3D & Xử lý phim )
Nguồn cung còn ít, chất lượng chưa cao
Rất nhiều nhà tuyển dụng “săn lùng” nhân viên thiết kế quảng cáo với mức lương không thể hấp dẫn hơn, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được mặc dù nhân lực ngành này hiện tại đã khá nhiều. Lý do là yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra ngày càng cao mà không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được. Ông Vũ Hiền, Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường đại học Bán công Tôn Đức Thắng cho biết: “nghề thiết kế quảng cáo có tính liên thông với các ngành khác. Người làm nghề này phải nắm được cả kiến thức về marketing, quảng cáo, PR, tổ chức sự kiện, báo chí, kinh doanh giải trí, quản lý thiết kế… là tiền đề đảm bảo cho sự thành công”.
Các trung tâm, khóa học đào tạo Thiết kế đồ họa cũng ồ ạt mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực quá lớn. Tuy nhiên do nhiều chương trình đào tạo vẫn còn thiếu thực tiễn, quá đặt nặng lý thuyết cũng như môi trường học chưa thể phát huy hết được khả năng của người học khiến cho thị trường vẫn còn “khát” nhân lực chất lượng cao. Với những kiến thức thu được trên ghế nhà trường hiện nay, hầu hết sinh viên mới chỉ có thể thực hiện một số công việc chuyên môn, chứ chưa chủ động gợi mở được các ý tưởng cho khách hàng- một trong những điều kiện rất cần thiết của nghề thiết kế. Chính vì vậy mà trình độ sinh viên tốt nghiệp luôn có khoảng cách với thực tế mà các công việc đòi hỏi.
Đại diện công ty TKQC Đại Nam – ông Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: “Mục đích lớn nhất của thiết kế quảng cáo là nhằm quảng bá thương hiệu nên cần độc đáo và đòi hỏi người làm phải hiểu và diễn đạt được ngôn ngữ marketing qua hình ảnh. Tuy nhiên, hiện rất hiếm ứng viên đáp ứng được điều này và cũng rất ít đơn vị chú trọng đào tạo thêm marketing trong nghề thiết kế đồ họa.”
II. Làm sao để thành công trong lĩnh vực này?
Bất cứ một bạn trẻ nào đam mê và yêu thích quảng cáo đều có thể trở thành một nhà quảng cáo chuyên nghiệp. Điều quan trọng là phải biết bạn là ai, bạn cần gì để từ đó bổ sung kiến thức. Trên hết, bạn cần xác định theo nghề là phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực và phải có ý thức phấn đấu liên tục thì mới thành công.
Để trở thành chuyên viên thiết kế giỏi, bạn cần có tay nghề thành thạo. Ngoài việc đi học, bạn cần được luyện tập hoặc làm việc để tích lũy kinh nghiệm và nâng cao “tay nghề”. Nhưng đừng vội cho rằng cứ thành thạo các phần mềm đồ họa là đủ. Thực tế cho thấy người thiết kế quảng cáo giỏi cần hội tụ nhiều kỹ năng khác như khả năng tổ chức, quản lý thời gian, nhanh nhạy nắm bắt sự kiện, thông thạo về marketing và tận dụng được sức mạnh của những mảng khác nhau trong thiết kế. Ngoài ra, các bạn nên tự trang bị các kỹ năng mềm để phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp và tư vấn thuyết phục khách hàng.
Theo anh Phạm Đình Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Quảng cáo Vũng Tàu Xanh (Green Vũng Tàu): “Một chuyên viên thiết kế đồ họa quảng cáo lành nghề, chuyên nghiệp sẽ có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập cao và ổn định. Đây chính là cơ hội cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê CNTT. Tuy nhiên, để trở thành một chuyên viên thiết kế đồ họa quảng cáo lành nghề, chuyên nghiệp, cần hội đủ những điều kiện sau: kỹ năng thiết kế thành thạo, ý tưởng thiết kế sáng tạo, có kiến thức về mỹ thuật ứng dụng và phải có kinh nghiệm thực tế”.
Khó mà có một tiêu chí rõ ràng để lựa chọn một trong số các trường đào tạo về thiết kế rất nhiều hiện nay. Nhưng với kinh nghiệm cá nhân: Nếu có đam mê và chăm chỉ bạn hãy chọn các trường Đại Học. Không phải tự nhiên mà con đường vào các trường ĐH luôn khó hơn vào các trường dạy nghề, không phải ngẫu nhiên, hay may mắn mà các người thiết kế giỏi đều phải trải qua con đường học ĐH. Trong các trường ĐH bạn sẽ có 4-5 năm học đầy bổ ích với những môn học không thể học trong thời gian ngắn, những môn học thẩm thấu vào con người bạn những tố chất của một nghệ sĩ hình ảnh.
Sự công nhận luôn dành cho những người tốt nhất, và thành công chỉ đến từ chăm chỉ. Học ở đâu cũng cần Học Nữa, Học Mãi. ĐH đào tạo các bạn 4-5 năm, các trường dạy nghề thì từ 1-2 năm. Còn thế giới sẽ dạy bạn 30 – 40 năm còn lại, những ai càng dừng học sớm coi như dừng bước trên con đường trở thành một nhà thiết kế giỏi, chuyên nghiệp.
Theo Đức Anh du học