“Định hướng của chúng tôi là trang bị cho sinh viên các phương pháp phân tích, đặt vấn đề để các em đưa ra giải pháp cho sản phẩm mới.
Chúng tôi dạy cho người học nhìn ra các nhu cầu trong xã hội, từ đó các bạn thiết kế những sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu ấy” - TS Ngô Thị Thu Trang, trưởng khoa mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết.
Đam mê là tố chất hàng đầu
Theo TS Thu Trang, tố chất quan trọng nhất để học ngành mỹ thuật công nghiệp không phải năng khiếu mà là đam mê.
“Theo quan điểm của chúng tôi, năng khiếu chỉ là một phần thôi, khi đăng ký vào ngành, các bạn phải đam mê lĩnh vực thiết kế này vì đây là một ngành học mang tính chất sáng tạo, nếu không thực sự thích các bạn rất khó để phát triển mạnh sau này.
Các bạn đừng quá nặng nề về yếu tố năng khiếu và khả năng sáng tạo. Nhiều bạn cứ nghĩ rằng năng khiếu là vẽ giỏi nhưng năng khiếu không chỉ có vậy mà để trở thành một nhà thiết kế giỏi bạn còn cần nhiều yếu tố khác.
Bên cạnh đó, khi vào học, chúng tôi có phương pháp giảng dạy để các bạn bộc lộ tư duy sáng tạo của mình nên các bạn đừng lo lắng vì chưa nhìn thấy khả năng sáng tạo của mình” - TS Thu Trang nói.
TS Thu Trang cũng nhắn nhủ đến những bạn có đam mê, muốn theo học ngành mỹ thuật công nghiệp nhưng điều kiện kinh tế không được khá giả rằng: “Hiện nay, trường đang xúc tiến liên kết với rất nhiều doanh nghiệp, những doanh nghiệp này luôn có những suất học bổng hỗ trợ sinh viên học tốt có điều kiện khó khăn.
Doanh nghiệp còn cung cấp vật liệu miễn phí và đi theo đồ án của các bạn. Bên cạnh đó, trong ngành có rất nhiều cuộc thi có giải thưởng cao để các bạn thể hiện tài năng và mang về học phí cho các bạn”.
Ngành học đa dạng
Hiện nay, khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đào tạo ba chuyên ngành: thiết kế đồ họa (Graphic Design), thiết kế công nghiệp (Product Design) và thiết kế thời trang (Fashion Design).
Khi theo học ngành thiết kế đồ họa, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng sâu rộng về thị trường quảng cáo, tổ chức sự kiện, quản lý thiết kế… làm đòn bẩy cho sự phát triển chuyên môn, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội; các kiến thức cơ sở ngành giúp nâng cao khả năng tư duy thị giác, phát triển ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ và các yếu tố thị giác; các kỹ năng ứng dụng tin học đồ họa, công cụ, phương tiện kỹ thuật, công nghệ trong giải pháp thiết kế...
Với ngành thiết kế công nghiệp, sinh viên được dạy kiến thức chuyên ngành như hệ thống các học phần từ thiết kế đồ gia dụng, sản phẩm nội thất cho đến các sản phẩm trang trí, đồ chơi, đồ thủ công, trang sức...
Ngoài ra, người học còn được trang bị những kỹ năng chuyên ngành như: kỹ năng hoạch định; kỹ năng diễn họa và thể hiện, phát triển ý tưởng bằng tay; kỹ năng thể hiện mẫu trên các chất liệu; sử dụng thành thạo phần mềm tạo mẫu 3D…
Còn người học ngành thiết kế thời trang được trang bị các kiến thức cơ bản về lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa, lịch sử làm nền tảng cho việc nghiên cứu, tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên ngành; kiến thức về xây dựng thương hiệu cá nhân; kiến thức và phương pháp nghiên cứu khoa học để theo sát sự phát triển của công nghệ.
Những kỹ năng chuyên ngành cũng nằm trong nội dung chương trình học như: kỹ năng phân tích, tổng hợp và xử lý thông trong quá trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thiết kế thời trang; kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề về người sử dụng và các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế sản phẩm thời trang mới; kỹ năng may từ các sản phẩm cơ bản đến các sản phẩm cao cấp đòi hỏi công nghệ hiện đại; có các kỹ năng thủ công truyền thống trong ngành may mặc và phụ kiện thời trang...
“Những kiến thức này sẽ giúp các bạn thiết kế theo đúng yêu cầu của khách hàng, ví dụ như các bạn thiết kế sản phẩm cho các nước châu Âu thì các bạn phải hiểu thị hiếu của họ như thế nào.
Quan điểm giáo dục của chúng tôi kiến thức không phải là chính mà phương pháp và kỹ năng mới quan trọng. Vì kiến thức chỉ giới hạn tạm thời trong một giai đoạn nhưng khi các bạn đã có kỹ năng và phương pháp thì các bạn có thể lấy kiến thức từ bất kỳ nguồn nào.
Chúng tôi đào tạo ra những nhà thiết kế có khả năng tự sinh tồn và phát triển trong suốt sự nghiệp của họ” - TS Thu Trang cho biết.
Môi trường làm việc “cực chất”
Ngoài việc học từ thầy cô, sinh viên còn được học từ các doanh nghiệp và các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo cũng có rất nhiều đồ án, bài tập thực hành cho sinh viên tương tác và đi xuống doanh nghiệp để cùng làm việc với họ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngay từ năm thứ hai, rất nhiều sinh viên của ngành đã đi làm thiết kế tự do, đồ họa quảng cáo... "Theo khảo sát của khoa, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 98% nên nhiều khi doanh nghiệp gọi điện thoại tới tìm nhân lực, chúng tôi khó kiếm được em nào chưa có việc làm” - TS Thu Trang khẳng định.
Sau khi hoàn thành chương trình học của ngành, với khả năng làm việc hiệu quả một cách độc lập hay trong nhóm thiết kế, khả năng hòa nhập trong các môi trường khác nhau, người học sẽ có các cơ hội việc làm ở những vị trí sau: chuyên viên thiết kế độc lập, tư vấn thiết kế; chuyên viên thiết kế trong các ngành sản xuất đồ gốm, đồ gia dụng, đồ nội thất, trang sức; nghiên cứu phát triển sản phẩm;
Họ cũng có thể làm nhân viên thiết kế trong các công ty thời trang; chuyên viên thiết kế phục trang cho sân khấu, trong điện ành người xây dựng tạo lập hình ảnh (stylist); biên tập về mảng thời trang cho các báo và tạp chí; hoặc đảm nhận các nhiệm vụ thiết kế, tư vấn, lập dự án, nghiên cứu chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, thiết kế quảng cáo, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm…
Cũng theo TS Thu Trang, sau khi tốt nghiệp rất nhiều sinh viên đã khởi nghiệp, tạo lập ra những thương hiệu nổi tiếng như NTK Lê Thanh Hòa, NTK Khanh Ke, NTK Hoàng Minh Hà...
Theo tuoitre.vn