75,6% sinh viên “không thoả mãn với nghề nghiệp đã chọn” là kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội là điểm rất đáng lưu ý với những thí sinh đang lựa chọn ngành nghề trước thời hạn kết thúc nhận hồ sơ dự thi ĐH ngày 22-4 sắp tới.
“Mù” thông tin về công việc tương lai
“Có không ít thí sinh tìm đến tổ tư vấn tuyển sinh của chúng em để hỏi về cách lựa chọn ngành nghề. Có những bạn cho biết, lần đăng ký dự thi này vẫn phải nộp tới 5-6 hồ sơ để tính đến hạn chót mới quyết định chọn thi vào trường nào” - Trần Tình, thành viên tổ tư vấn tuyển sinh, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội phản ánh thực tế từ đợt tư vấn gần đây nhất cho học sinh THPT của Hà Nội.
Mặc dù luôn có phương án đề phòng và lựa chọn với ít nhất 2 bộ hồ sơ nhưng với những sinh viên đã chính thức đỗ vào trường mình đăng ký thì kết quả thu được không thực sự như mong muốn. Theo kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, với đối tượng là sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học thì có đến 65,4% sinh viên được hỏi chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn. Đáng quan tâm là hơn một nửa số sinh viên này hoàn toàn “mù” thông tin về công việc tương lai sau khi tốt nghiệp ngành mình đang học.
Không những thế, phần lớn sinh viên được hỏi đều đưa ra một thực tế đáng cảnh báo vào học rồi mới biết mình không hợp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới con số báo động về mức độ thoả mãn với nghề đã chọn, khi có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thoả mãn với sự lựa chọn của mình. Thậm chí có tới 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau... Những số liệu mà Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý ĐH ĐHKHXH&NV đưa ra rất đáng để hơn 1 triệu thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới tìm hiểu kỹ hơn ngành nghề mình sẽ đăng ký dự thi.
Xem thêm bài: Nan giải tình trạng cử nhân thất nghiệp tại Thanh Hoá và Lâm Đồng
Ít lo tìm hiểu ngành nghề
Một thực tế mà chuyên gia tư hướng nghiệp TS. Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý nêu ra là khá nhiều học sinh đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lĩnh vực nghề nghiệp nào mà mình sẽ theo đuổi. Những học sinh này khá thụ động và chỉ biết lao vào ôn luyện với mục đích vượt qua các kỳ thi chứ không tập trung tìm hiểu những ngành nghề nào phù hợp với mình.
Chính sự hời hợt, sơ sài theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” của thí sinh khiến cho các em sớm rơi vào tình trạng luẩn quẩn giữa việc tiếp tục học hay tìm kiếm cơ hội khác hợp với nguyện vọng của mình hơn khi bắt buộc phải học tập trong môi trường đào tạo nghề không đúng theo mong muốn bản thân. Theo TS. Phạm Mạnh Hà, điều này dẫn tới rất nhiều hệ quả. “Chọn sai nghề dẫn tới bản thân không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó sẽ gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc. Muốn bắt đầu đào tạo lại nghề khác thì cá nhân ấy cũng phải chịu tốn kém thời gian, chi phí” - TS. Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề thí sinh cần tìm lời giải nhất đối với các chuyên gia tư vấn là liệu những ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng cá nhân có đồng nghĩa với việc kiếm được việc làm đảm bảo thu nhập sau này. Trần Tình, thành viên tổ tư vấn hướng nghiệp cho biết đây chính là điều khiến nhiều bạn băn khoăn nhất và nhiều bạn thay vì chọn ngành mình yêu thích đã quyết định chọn theo tiêu chí hàng đầu là có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không...
Lời khuyên đưa ra với thí sinh, theo TS. Phạm Mạnh Hà, để lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp, các bạn cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khỏe, thể chất của mình ra sao… sau đó mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình, rồi tìm và lựa chọn một cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình muốn. Với thực tế tiếp xúc và tuyển dụng thường xuyên với đối tượng sinh viên mới ra trường, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển cho biết, kết quả phỏng vấn tuyển dụng cho thấy phần lớn sinh viên quá 4, 5 năm học tập vẫn không có định hướng nghề nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên thiếu sự say mê, tâm huyết với ngành nghề đào tạo. “Các nhà tuyển dụng thường rất dễ để nhận ra những ai thực sự có định hướng, ý thức tốt, hiểu biết với nghề nghiệp của mình. Những sinh viên như vậy chắc chắn sẽ được các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển chọn ngay” - TS. Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bạn có biết:
2 điểm sàn đại học chỉ tăng lượng ... cử nhân thất nghiệp
Sinh viên thất nghiệp hàng loạt do giáo dục định hướng lệch
Tin bài gốc: ANTĐ
Kenhtuyensinh
Theo: ANTĐ