Phương án điểm sàn đại học kỳ lạ
Phương án điểm sàn đại học, cao đẳng từ đầu năm tới nay liên tục trở thành đề tài “nóng” được Bộ GD&ĐT đưa ra bản thảo, nghiên cứu cho dù kỳ tuyển sinh cũng sắp cận kề. Bảo lưu giữ phương án điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào, tuy nhiên dựa trên đề nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và trường công lập tốp dưới, trường trực thuộc địa phương, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu lại cách tính điểm sàn hợp lý. Mới đây, Bộ cũng vừa thông báo về dự kiến phương án 2 mức điểm sàn thi tuyển sinh ĐH, CĐ và có khả năng áp dụng từ năm nay.
Theo đó, 2 mức điểm sàn bao gồm: Điểm sàn trên, được tính dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Điểm sàn này luôn cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được. Còn điểm sàn dưới, là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng, được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào. Điểm nổi bật là, đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các trường xét thêm điểm tốt nghiệp THPT để quyết định trúng tuyển cho thí sinh.
Giải thích về 2 mức điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay trên thực tế nhiều thí sinh trên điểm sàn, có đủ khả năng để vào trường còn chỉ tiêu, tuy nhiên lại không lựa chọn học các trường này chỉ vì không thích. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh khi ra thành phố dự thi thường không về địa phương mình học dù vẫn trên điểm sàn, thậm chí có thí sinh còn đợi năm sau thi tiếp… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các trường ngoài công lập, trường trực thuộc địa phương không tuyển được đủ chỉ tiêu, dù số lượng thí sinh trên điểm sàn vẫn còn nhiều.
Ngoài chuyện “cứu” các trường, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, có 2 mức điểm sàn nhằm tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thật sự nhưng không may đạt kết quả thi thấp được xét tuyển kèm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc các trường tuyển đủ chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc sẽ sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giáo dục, tránh lãng phí đầu tư, đảm bảo chất lượng đầu vào.
2 điểm sàn đại học chỉ làm tăng lượng cử nhân thất nghiệp
Công tác tuyển sinh chỉ thêm rối?
Theo phương án mới, điểm sàn trên không có sự khác biệt với điểm sàn “truyền thống”, luôn ở mức 13-14 điểm. Tuy nhiên, điểm sàn dưới theo tính toán của Bộ GD&ĐT có thể thấp hơn khoảng 2 điểm, đồng nghĩa các trường được lấy khoảng 11-12 điểm, cùng với xét kết quả thi. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, lãnh đạo một số trường ĐH cho biết, việc “hạ” điểm sàn là tin vui với rất nhiều trường. Bởi nếu thực hiện, cơ hội vào ĐH của thí sinh năm nay sẽ rất mở, điểm vào ĐH chỉ lấy ngang CĐ năm trước, còn hệ CĐ thì chỉ khoảng 8-9 điểm. Theo đó, bài toán lấp đầy chỉ tiêu canh cánh bấy lâu nay sắp có lời giải.
Băn khoăn với phương án có 2 điểm sàn, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết: “Thực chất, phương án 2 điểm sàn là hạ điểm sàn. Tiêu chuẩn xét tuyển kết hợp giữa mức điểm sàn dưới và điểm thi tốt nghiệp THPT cũng khá rắc rối, gây khó khăn cho các trường, thí sinh và làm nảy sinh tiêu cực giáo dục. Nếu như Bộ GD&ĐT nói rằng mức điểm sàn dưới lấy 11 - 12 điểm vẫn đảm bảo chất lượng thì Bộ nên lấy một mức điểm sàn là 11 - 12 điểm, không cần phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT cho rắc rối, vì điểm thi tốt nghiệp chưa chắc đã thực chất”.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục lo ngại, phương án mới này của Bộ GD&ĐT xuất phát từ đáp ứng nhu cầu học tập của thí sinh là điểm tốt. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay cử nhân, kỹ sư ra trường đều khó xin việc, việc siết đầu vào còn chưa ổn, huống chi nay hạ sàn để tuyển nhiều, cốt lấp đầy chỉ tiêu cứu các trường, đồng nghĩa với nguy cơ thất nghiệp khi ra trường lại càng cao. Hơn nữa, hạ điểm sàn khiến phần lớn thí sinh sẽ trúng tuyển vào ĐH, CĐ, mất nguồn tuyển chất lượng vào các trường TCCN, trường nghề. (xem thêm bài: Tân cử nhân truớc nguy cơ thất nghiệp hàng loạt )
Từ những giải pháp của Bộ GD&ĐT như: mở rộng đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, hạ điểm đầu vào cho các trường khu vực khó khăn, nhiều khả năng áp dụng phương án 2 điểm sàn, rất có thể kỳ tuyển sinh năm 2013 sẽ chứng kiến cảnh “tháo khoán” vào ĐH, CĐ với mức điểm “trong mơ” 7-10 điểm.
Bạn muốn biết về:
Nan giải tình trạng cử nhân thất nghiệp
Cử nhân ra trường đi làm thời vụ
TIn bài gốc: Giadinh
Kenhtuyensinh
Theo: Giadinh