Bạn loay hoay không biết du học Trung Quốc cần chuẩn bị những gì? Sau đây là một số điều bạn nên chuẩn bị từ sớm để có một kỳ du học thật suôn sẻ tại Trung Quốc.
Bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho hành trình du học tại Trung Quốc chưa?
Nếu bạn quan tâm đến du học Trung Quốc thì chắc các bạn đã biết, Trung Quốc có 2 kỳ nhập học chính vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm.
Hệ tiếng ngắn hạn nhập học vào tháng 3 và tháng 9. Hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ chỉ có duy nhất kỳ nhập học tháng 9. Bây giờ đã là giữa tháng 8 – thời điểm các trường đã gửi thông báo thư mời nhập học và JW202. Việc còn lại mà bạn cần làm chính là chuẩn bị hành trang kĩ lưỡng trước khi sang Trung Quốc. Qua bài viết dưới đây, Vinahure sẽ điểm lại những thông tin cần thiết nhất bạn cần biết và tìm hiểu trước khi sang nhé! Chúc các bạn lên đường bình an và thành công trên con đường đã chọn.
1. Không thể thiếu Visa:
Xin visa là một khâu quan trọng quyết định việc du học của bạn thành công hay thất bại. Nếu xin visa tới Mỹ hay các nước Châu Âu yêu cầu tương đối khắt khe thì ngược lại, bạn có thể thông qua các công ty du lịch hoặc trực tiếp tới đại sứ quán Trung Quốc (Hà Nội) hoặc lãnh sự quán Trung Quốc (Tp. HCM) để làm thủ tục xin cấp visa một cách dễ dàng.
Thông thường lãnh sứ quán sẽ cấp cho bạn visa có giá trị trong 1 tháng. Sau khi nhập học, tùy theo dự định học tập của bạn mà trường bạn theo học sẽ giúp gia hạn visa (thông thường từ 6 tháng – 1 năm).
Ngoài ra bạn sẽ phải trải qua những kỳ kiểm tra sức khỏe bắt buộc, và nếu mắc các bệnh truyền nhiễm như lao phổi, viêm gan B thì bạn sẽ bị buộc về nước ngay lập tức.
Lưu ý: Bạn phải nhớ thời điểm visa của mình hết hiệu lực, nếu không bạn sẽ phải trả số tiền phạt từ 500 đến 5000 tệ (tức khoảng 1,2 triệu đến 12 triệu đồng) hoặc bị trục xuất
2. Hãy tìm hiểu qua nền văn hóa và con người Trung Hoa
Trung Quốc là một đất nước vô cùng rộng lớn. Nhắc đến Trung Quốc là người ta nghĩ đến ngay hai con sông lớn Hoàng Hà và Trường Giang; các công trình vĩ đại Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Thiếu Lâm Tự… Đất nước này nổi tiếng trên toàn thế giới về mọi mặt, và để liệt kê những nét đặc sắc của Trung Quốc thì có lẽ liệt kê không hết bởi mình thấy cái gì của họ cũng rất đặc sắc ví dụ như hệ thống triết học Nho Giáo – Đạo giáo, binh pháp Tôn Tử, Thái Cực Quyền trà đạo, võ công – khí công, thuyết âm dương ngũ hành, sứ thanh hoa, vịt quay Bắc Kinh, bánh bao, trà Long Tỉnh, , thư pháp, phim kiếm hiệp…Tùy từng vùng phương Bắc hay phương Nam của người Trung Quốc đều có cách sống riêng và văn hóa ẩm thực khí hậu (nóng, lạnh, rơi tuyết…) khác biệt của từng vùng, ví dụ như phương Nam của Trung Quốc (Nam Ninh, Quế Lâm, Tứ Xuyên, Quảng Châu, Phúc Kiến…..) hoặc Phương Bắc (Bắc Kinh, Thiên Tân,, Sơn Đông…). Ở Nam Ninh thì cũng gần giống với Việt Nam họ hay ăn bún phở (luosi fen, laoyoufen, guilin suanla fen), nhưng mùi vị khác Việt Nam đó là chua cay cộng thêm những loại gia vị ở Việt Nam không có hoặc ít ăn. Còn ở Phương Bắc của TQ do khí hậu lạnh hơn họ sẽ thích ăn mặn hơn và cũng cay nữa, món đặc trưng ví dụ như jiaozi(sủi cảo), bánh bao, doufunao(tào phớ mặn), malatang…đặc biệt phương bắc họ sẽ thích ăn các sợi mỳ làm từ lúa mỳ, lúa mạch không giống Phương Nam thích ăn sợi mì làm từ gạo. Nói chung bên Trung Quốc từng vùng đều có rất nhiều món ăn vặt đảm bảo bạn sẽ thích.
Con người Trung Quốc thì hiếu khách, khá hiền lành, lịch sự và có văn hóa. Người Trung Quốc trọng thể diện, thích khoa trương.
Hãy tìm hiểu về đất nước và con người Trung Quốc nhiều nhất có thể để dễ dàng hòa nhập hơn bạn nhé.
3. Đừng quên tìm hiểu kỹ về ngôi trường mình sẽ theo học
Hãy tìm hiểu thêm thông tin về trường trên các trang web hay trên Facebook để hiểu được thông tin sơ lược. Bên cạnh đó cũng cần xem xét kí túc xá cho lưu học sinh của trường được ở tối đa là bao nhiêu người. Bạn nên chọn những trường có kí túc xá có điều kiện tốt, ở từ 1 đến 2 người một phòng, nội thất có đầy đủ tiện nghi như điều hòa, bình nước nóng… nếu kí túc xá 3-4 người một phòng thì tốt nhất bạn nên chọn trường khác hoặc tự ra ngoài thuê phòng, bởi vì ở đông sẽ ảnh hưởng không tốt tới học tập và sinh hoạt.
Trường đại học bên đó rất rộng, nếu bạn đi học sẽ tốn nhiều thời gian từ ký túc xá đến giảng đường, nhiều bạn Việt Nam đã chọn lựa mua xe đạp thường hoặc xe đạp điện để đi, riêng đối với Bắc Kinh và Thiên Tân sinh viên lại thường mua xe đạp cũ để đi (xe mới dễ bị mất nếu ko cẩn thận).
Khi đi học bạn nên tạo mối quan hệ với các bạn Trung Quốc chứ không nên chỉ chơi với riêng Việt Nam hoặc các nước khác vì thực tế nhiều vấn đề chúng ta cần sự giúp đỡ của họ. Hiện giờ các trường có nhiều lưu học sinh Việt Nam theo học thì đều có thành lập hội LHS Việt Nam, các bạn có thể xin contact và nhờ họ giúp hướng dẫn bạn làm các thủ tục nhập học, nhập kí túc xá, khám sức khỏe, xin bảo lãnh và làm visa…
4. Đừng bỏ qua các lớp học giao tiếp tiếng Trung cơ bản.
Bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để học giao tiếp mấy câu đơn giản và cần thiết (chào hỏi, hỏi đường, hỏi mua sắm, ăn uống,…). Để đề phòng một số trường hợp bạn cần phải tự mình giao tiếp mà không có ai giúp đỡ, như vậy giúp cho bạn chủ động hơn trong sinh hoạt những ngày đầu tiên tại Trung Quốc.
5. Chuẩn bị hành lý cần thiết cho hành trình du học sắp tới
Các bạn nên mang hành lý vừa đủ để thuận tiện cho việc đi lại.
Hộ chiếu kèm visa
Thư mời nhập học và JW202
Chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công Ảnh chân dung 3×4, 4×6 nền trắng.
Quần áo mang đủ dùng, nếu thiếu có thể mua sau, các bạn nhớ mang 1 vài áo khoác vì tháng 9 bên Trung Quốc cũng đã bắt đầu trở lạnh.
Mang 1 ít đồ hộp đi đề phòng chưa quen thức ăn Trung Quốc.
Các loại thuốc quan trọng như thuốc giảm đau hạ sốt (thuốc cảm), thuốc kháng sinh (hạn chế dùng nhưng phòng trường hợp bạn bị viêm họng lâu ngày không khỏi), thuốc đi ngoài, dầu gió, vitamin C …Bên TQ họ ít bán thuốc tây ở các hiệu thuốc, đa phần toàn là thuốc đông y
Sim điện thoại có thể mua tại sân bay
6. Đăng ký tài khoản QQ và Wechat.
QQ và Wechat là hai tài khoản mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc, nó có chức năng thay thế số điện thoại cá nhân, chúng có thể được dùng vào việc thảo luận nhóm, thông báo lịch học, thông báo các hoạt động của trường lớp, truyền tải tài liệu học tập cần thiết. Các hoạt động liên quan đến trường lớp đa số đều thông qua hai tài khoản này. Hiếm khi nào nhà trường hay cán bộ lớp liên lạc với bạn qua số điện thoại lắm. Hơn nữa ở Việt Nam cũng có thể dùng ứng dụng này, nên nhiều bạn đã lựa chọn cài đặt cho cả người nhà để sang đó giữ được liên lạc.
> Có phải chỉ “nhà giàu” và “học giỏi” thì mới đi du học được?
> Làm thế nào để vượt qua rào cản văn hóa khi đi du học?
Theo VINAHURE