Có mong ước được bước chân ra ngoại quốc để du học, thế nhưng nhiều người vẫn băn khoăn hoặc từ bỏ bởi suy nghĩ “mình làm gì đủ ‘trình’”. Phải chăng thật sự chỉ có “con nhà giàu” và “học giỏi” thì mới có thể đi du học? Hãy cùng Kênh Tuyển Sinh đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
1. Tại sao nên đi du học nước ngoài?
Nếu xét về chất lượng giáo dục, việc đi học ở nước ngoài sẽ có chất lượng hoàn toàn khác với việc học trường “quốc tế” tại nước ta hiện nay. Bởi không có trường nước ngoài nào có thể mang sang ta cả một hệ thống thư viện (vốn rất quan trọng cho việc tự nghiên cứu của sinh viên) thâm niên cả trăm năm với hàng triệu cuốn sách và có thể nối mạng với hàng loạt thư viện khác trên toàn quốc ở nước sở tại. Rồi hàng loạt giáo sư danh tiếng của các đại học quốc tế cũng khó có thể “thường trực” để tiếp xúc với sinh viên như ở đất nước của họ được. Được hưởng một nền giáo dục tiên tiến ở môi trường nước ngoài là điểm thu hút nhất của việc du học.
Xét về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, việc học ở nước ngoài sẽ làm cho sinh viên dễ thành thạo hơn vì phải luôn sử dụng nó, trong khi ở trong nước sẽ không có cơ hội thực hành tiếng như thế được.
Một điều không kém quan trọng khác là việc đi học ở nước ngoài không chỉ lợi về mặt học thuật mà còn giúp sinh viên làm giàu thêm được nguồn vốn văn hóa của mình. Khi đi du học sinh viên sẽ học được rất nhiều thứ mới mẻ cũng như rèn luyện được những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống như biết sống tự lập bởi phải tự xoay xở, tự giải quyết lấy các vấn đề của mình chứ không thể trông chờ ỷ lại hay nhờ vả người khác được.
Đi du học, sinh viên còn có thể thiết lập cho mình một mạng lưới quan hệ với tầng lớp trí thức, với các nhà khoa học tại các quốc gia tiên tiến và nhờ mạng lưới quan hệ này sẽ có cơ hội học hỏi để phát triển hơn nữa trong tương lai. Những lợi ích này tiền bạc không thể mua được.
2. Có phải chỉ có “nhà giàu” cùng “học giỏi” mới có thể đi du học?
Câu trả lời là “không”. Việc du học những năm qua đã và đang ngày càng có sự mở cửa, đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội hơn. Không nhất thiết bạn phải thật giàu có và tài giỏi xuất chúng (tất nhiên đây là điểm cộng), bạn cũng vẫn có thể đi du học nước ngoài với chi phí thấp hoặc bằng các học bổng, gói hỗ trợ tài chính và một kế hoạch du học rõ ràng cùng các kiến thức nền tảng ở mức ổn.
Thế nhưng, bạn cần xác định rất rõ việc du học tự túc như vậy đòi hỏi bạn buộc phải có một quyết tâm cao độ cũng như bỏ ra nhiều công sức, sự cố gắng hơn người khác. Để thực hiện được kế hoạch du học tự túc, bạn sẽ phải có bước tìm hiểu và chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.
3. Những điều kiện để đi du học?
Nhiều người cho rằng du học tự túc chỉ cần có tiền là đi được. Điều này có phần đúng, nhưng đi đến đâu và học được gì, trong vài tháng hay vài năm là tùy thuộc vào sự chuẩn bị cho du học của cả phụ huynh và học sinh.
Lộ trình chuẩn bị cho du học ví như khóa huấn luyện toàn diện để chinh phục một ngọn núi, càng bền bỉ và chuyên sâu thì đường đi lên càng cao. Nếu không được trang bị đầy đủ, “vận động viên” có thể bỏ cuộc ngay từ chân núi hoặc chỉ leo được một đoạn ngắn tới triền núi. Việc đi du học đối với mọi trường hợp sẽ hội đủ 2 yếu tố điều kiện cần và đủ.
3.1 Điều kiện cần: học lực, tiếng Anh, tài chính
Thị trường du học ngày càng rộng mở với nhiều quốc gia, bài viết này chỉ đề cập đến các nước nói tiếng Anh hiện đang được số đông chọn làm điểm đến du học như Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Mỗi nước có hệ thống giáo dục khác nhau và mỗi trường học ở các cấp khác nhau (phổ thông trung học, cao đẳng, đại học, sau đại học) có những yêu cầu đầu vào khác nhau đối với du học sinh.
Nếu cầm trên tay quyển thông tin khái quát du học các nước của một công ty tư vấn du học, bạn sẽ thấy điều kiện tựu trung có 3 điểm: học lực, tiếng Anh và khả năng tài chính. Có thể gọi nôm na 3 điểm đó là chùm chìa khóa mở cánh cửa du học.
- Học lực: được tính bằng điểm trung bình 2-3 năm học trước khi làm hồ sơ xin du học. Điểm sàn xét tuyển là 6.0-6.5 và điểm càng cao thì càng rộng đường lựa chọn trường tốt cũng như cấp học. Những trường danh tiếng thường yêu cầu điểm đầu vào từ 8.0-9.0 và bậc đại học yêu cầu điểm đầu vào từ 8.0 trong khi bậc cao đẳng chỉ cần điểm đầu vào từ 6.0-6.5. Một điều nữa cần chú ý về điểm số là các môn không chênh lệch quá nhiều và tốt nhất là không có môn nào dưới 6.0, tùy mục tiêu du học bạn hướng tới. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho du học vì mỗi năm học qua rồi bạn không thể làm lại được.
- Tiếng Anh: Mỗi nước, mỗi bậc học và mỗi trường đưa ra những chuẩn khác nhau về tiếng Anh đầu vào. Bậc phổ thông thường không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL… nhưng học sinh cần có vốn tiếng Anh đủ để giao tiếp và nhanh chóng hòa nhập vào môi trường nói tiếng Anh. Bậc cao đẳng yêu cầu IELTS từ 5.5-6.0 (không kỹ năng nào dưới 5) và để vào bậc đại học thì học sinh phải có bằng IELTS từ 6.5-7.0 (không kỹ năng nào dưới 6). Nhiều trường có chương trình nâng cao tiếng Anh cho du học sinh mới nhập học nhưng học phí rất cao và thời gian học có giới hạn, nếu hết thời gian đó mà khả năng tiếng Anh của học sinh vẫn không đạt thì chương trình du học xem như phải “giữa đường gãy gánh”. Do đó, học sinh cần rèn luyện tiếng Anh càng sớm càng tốt. Nếu chọn du học bậc phổ thông thì lý tưởng nhất là nên đạt IELTS ít nhất 5.0 từ lớp 8 và nếu chọn du học bậc cao đẳng, đại học thì nên đạt IELTS ít nhất 5.5 từ lớp 11.
- Khả năng tài chính: Tùy quốc gia và tùy bậc học, thủ tục làm visa có thể yêu cầu gia đình du học sinh phải chứng minh khả năng chi trả tiền học và phí sinh hoạt bằng tài sản tích lũy và thu nhập hợp pháp hàng tháng. Chẳng hạn như để lo cho một đứa con đi du học phổ thông Canada với mức chi phí hơn 400 triệu đồng/năm, cha mẹ phải chứng minh có tổng thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng. Hiện có Canada miễn chứng minh tài chính cho bậc học cao đẳng và đại học (chương trình SDS). Đặc biệt, từ ngày 27/9/2018, học sinh Việt Nam được miễn chứng minh tài chính khi xin visa du học đến hầu hết các trường tại Úc, từ phổ thông đến sau đại học. Nếu học lực và tiếng Anh xuất sắc, cộng thêm các thành tích hoạt động ngoại khóa, học sinh có thể tìm kiếm những suất học bổng giá trị để giảm bớt áp lực tài chính.
Để có thể du học tự túc khi không quá có điều kiện, bạn thật sự cần nỗ lực hơn rất nhiều
3.2 Điều kiện đủ: chín chắn, tự lập và “lý lịch sạch”
Có những trường hợp hội tụ đủ 3 “chìa khóa” chuẩn bị cho du học kể trên nhưng vẫn không thể đạt đến hoặc không thể hoàn thành mục tiêu du học. Đó là khi học sinh chưa sẵn sàng về tâm lý, chưa có ý thức tự lập hoặc bị vướng về lý lịch.
Một mình du học nơi xứ người hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa đòi hỏi học sinh phải có đủ bản lĩnh để tự lo cho bản thân, tự sắp xếp và hoàn thành kế hoạch học tập cũng như vượt qua những khó khăn, thử thách. Vì vậy, phụ huynh nên khuyến khích trẻ sớm rèn luyện khả năng sống tự lập và có kỷ luật, biết phụ giúp việc nhà như rửa chén, đi chợ, nấu cơm… Giáo dục ở các nước phát triển hướng đến sự toàn diện, do đó trẻ cũng cần tham gia các lĩnh vực văn thể mỹ như chơi thể thao, nhạc, họa… để cân bằng cuộc sống, dễ dàng kết bạn, từ đó dễ thích nghi với môi trường học tập mới, có được một cuộc sống du học hạnh phúc.
Lưu ý, học sinh và phụ huynh cần đảm bảo “lý lịch sạch”, bao gồm:
- Lịch sử di trú: là lịch sử đi du lịch, du học… ra nước ngoài của gia đình, càng đi nhiều càng tốt nhưng phải tuân thủ luật, đi - về đúng hạn và chưa từng có vi phạm
- Lý lịch tư pháp: học sinh và phụ huynh chưa từng có tiền án tiền sự
- Lịch sử học tập và làm việc: quá trình học tập và làm việc có liên tục không, có từng bỏ học giữa chừng hay gian lận trong quá trình học, hoặc đột ngột đổi ngành nghề không rõ lý do
- Sức khỏe: không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo
Du học không nhất thiết chỉ dành cho những người “nhà giàu” và “học giỏi”, thế nhưng đây là một quyết định đòi hỏi có sự đầu tư rất nghiêm túc. Việc chuẩn bị sẵn sàng cho tâm lý “trả tiền để được học” là bắt buộc. Gia đình có thể không giàu nhưng cần có tài chính đủ để chi trả hoặc có học bổng để giảm áp lực học phí. Cá nhân không giỏi xuất sắc nhưng cần có một tư duy tốt và sự nỗ lực, quyết tâm bền bỉ. Không một ai có thể phủ nhận được việc du học sẽ tạo ra vô vàn những cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Vì vậy thông qua bài viết, mong quý độc giả có thể có cái nhìn đa chiều và đúc kết được sự lựa chọn riêng của chính mình.
> Làm cách nào để bạn có thể định cư sau du học ở những quốc gia hàng đầu thế giới?
> Cơ hội nghề nghiệp của các du học sinh
Theo Dân trí