Đề nghị kỷ luật 8 hiệu trưởng

Không chỉ công khai xử lý hiệu trưởng các trường ĐH và CĐ, mạnh tay hơn Bộ GD-ĐT còn tuyên bố các trường vi phạm trong năm nay nếu tiếp tục tái phạm trong năm tới sẽ hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng.

ky luat hieu truong, hieu truong, ky luat, vuot chi tieu, vi pham, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, tuoi tre

 

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, theo kết luận của Bộ GD-ĐT, là trường có nhiều vi phạm trong tuyển sinh 2012 Ảnh: MINH ĐỨC


Ngày 28-12, Bộ GD-ĐT đã công bố kết luận thanh tra việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 tại 30 trường ĐH, CĐ cả nước. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện quy định để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đây, các trường gửi đăng ký chỉ tiêu lên bộ và bộ duyệt chỉ tiêu cho từng trường. Tuy nhiên, sau đợt thanh tra này chỉ có chín trường xác định chỉ tiêu đúng theo quy định.

18/30 trường vi phạm

Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra, xác minh năng lực thực tế các trường dựa trên hai tiêu chí: đội ngũ giảng viên và diện tích sàn xây dựng. Kết quả thanh tra cho thấy chỉ có 12 trường đạt cả hai tiêu chí trên. Trong số các trường vi phạm có đến 18 trường không đạt tiêu chí đội ngũ giảng viên và năm trường không đạt diện tích sàn xây dựng. Đặc biệt, có năm trường không đạt cả hai tiêu chí gồm: ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, CĐ Bách khoa Đà Nẵng, CĐ Thương mại và ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Trong số các trường xác định chỉ tiêu không đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã nêu đích danh năm trường tự xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh gồm: ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, ĐH Cửu Long, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu và CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi.

Các trường đã tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực thực tế gồm: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Quy Nhơn, CĐ Kỹ thuật y tế II, ĐH Tây Bắc, ĐH Công nghiệp Việt Hung, ĐH Tài chính - quản trị kinh doanh, CĐ Thương mại, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, CĐ Công thương TP.HCM, CĐ Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Lương Thế Vinh, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, ĐH Văn Lang, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Nguyễn Trãi và ĐH Chu Văn An.

Bộ GD-ĐT cho biết một số trường chưa báo cáo chính xác về đội ngũ giảng viên, số lượng sinh viên đang đào tạo, kết quả kiểm tra chênh lệch lớn so với số liệu trường báo cáo. Điều đáng nói, trong số năm trường tự xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh có ba trường tuyển vượt chỉ tiêu: ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (tuyển 111,4%), ĐH Công nghiệp TP.HCM (tuyển được 103%), ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu (tuyển 100,3%). Có năm trường tuyển vượt chỉ tiêu 5% trở lên, gồm: ĐH Quy Nhơn (5%), CĐ Công thương TP.HCM (6%), CĐ Thương mại (8%), ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (11,4%) và ĐH Nội vụ (13%).

Điều đáng nói, có nhiều trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực lại không tuyển được hoặc tuyển đạt tỉ lệ rất thấp gồm: ĐH Lương Thế Vinh (0%), CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi (0,64%), ĐH Chu Văn An (15,5%), ĐH Yersin Đà Lạt (19,5%) và ĐH Cửu Long (20,9%).

Tái phạm sẽ không được làm hiệu trưởng

Việc kiểm tra một loạt trường với thái độ nghiêm túc, công bố kết quả công khai nhanh chóng là một động thái tích cực của Bộ GD-ĐT chưa từng được thực hiện trước đây. Ngay trong kết luận thanh tra, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra biện pháp xử lý và kiến nghị cụ thể đối với từng cơ sở đào tạo.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giao Vụ kế hoạch - tài chính soạn thảo trình bộ văn bản cảnh báo đối với các trường ngoài công lập và xem xét việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 đối với các trường. Cụ thể: có văn bản cảnh báo trường ngoài công lập vi phạm quy định tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và gửi UBND tỉnh (thành phố) liên quan theo dõi, hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng nếu tiếp tục tái phạm năm 2013: CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, CĐ Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi. Đồng thời cảnh báo ĐH Văn Lang vi phạm quy định tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển sinh vượt chỉ tiêu; giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu đối với các trường: ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Cửu Long và CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, ông Ga cũng giao thanh tra bộ xử phạt hành chính đối với các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2012 từ 5% trở lên.

Đáng chú ý, bên cạnh việc kiến nghị xử phạt các trường vi phạm, ông Ga cũng kiến nghị bộ biểu dương tám trường xác định đúng chỉ tiêu tuyển sinh tại hội nghị công tác tuyển sinh 2013 sắp tới gồm: ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH An ninh nhân dân, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Đông Á, ĐH Tây nguyên, ĐH Y dược TP.HCM, CĐ nông lâm Đông Bắc và CĐ Sơn La.

Kiến nghị kỷ luật mức cảnh cáo và khiển trách

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã kiến nghị xử lý kỷ luật cảnh cáo và khiển trách hiệu trưởng của tám trường ĐH, CĐ đã sai phạm trong tuyển sinh năm 2012. Theo đó, giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu bộ trưởng Bộ GD-ĐT xử lý kỷ luật khiển trách hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn do trường không đạt chỉ tiêu về đội ngũ giảng viên, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực đào tạo thực tế và tuyển sinh vượt chỉ tiêu tự xác định 5%.

Đồng thời kiến nghị các bộ quản lý các trường ĐH, CĐ công lập vi phạm xem xét và có hình thức kỷ luật:

- Kiến nghị Bộ Công thương xem xét kỷ luật cảnh cáo đối với hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM do trường không đạt cả hai tiêu chí về đội ngũ giảng viên và diện tích sàn xây dựng, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực đào tạo thực tế quá lớn; khiển trách hiệu trưởng các trường: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, CĐ Thương mại, ĐH Công nghiệp Việt Hung do không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên và tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo thực tế; khiển trách đối với hiệu trưởng CĐ Công thương TP.HCM do tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực đào tạo thực tế.

- Kiến nghị Bộ Y tế xem xét kỷ luật khiển trách hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật y tế II do không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo thực tế và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

- Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kỷ luật khiển trách hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính quản trị kinh doanh do không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo thực tế.

“Đó là lời cảnh báo”

Ngay sau khi công bố kết luận thanh tra việc xác định thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Bằng cho biết:

- Việc xử lý hiệu trưởng không chỉ nhằm tác động đến cá nhân nào mà thay cho lời cảnh báo phải xác định chỉ tiêu trung thực với năng lực thực tế. Hoạt động thanh tra có quản lý nhà nước về thanh tra và thanh tra trực tiếp. Kết quả hôm nay là từ thanh tra trực tiếp, nhưng công tác thanh tra không cần và không thể đi hết các cơ sở. Có người nói kiểm tra 30 trường đã thấy hơn 20 trường sai phạm thì nếu kiểm tra hết các trường, sai phạm còn lớn đến thế nào. Song không nên đặt mục tiêu bao lâu thì thanh tra Bộ GD-ĐT đi hết hơn 400 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ trên cả nước. Kiểm tra 30 trường, có biểu dương, có xử phạt chính là tác động vào hệ thống.

Có người nói tám trường mà bộ dự định biểu dương tại hội nghị tuyển sinh sắp tới có phải điển hình gì mà được khen khi việc xác định đúng chỉ tiêu là chuyện bình thường, chuyện phải làm theo luật. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, kiểm tra 30 trường có hơn 20 trường sai phạm thì việc biểu dương những nơi làm đúng là kịp thời và cần thiết.

Nói phải đi đôi với làm

* Được biết lãnh đạo bộ phải cân nhắc rất lâu trước khi đưa ra quyết định xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng khi trong đó có những người là giáo sư, phó giáo sư?

- Với hiệu trưởng nhà trường, là công chức đứng đầu một đơn vị đào tạo, có quyền nhiều thì cũng phải ý thức về trách nhiệm nhiều hơn. Tôi không muốn ám chỉ ai, nhưng có hiện tượng khi bộ tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH thì nhiều vị hiệu trưởng lại nghĩ đó là tăng quyền tự chủ cho cá nhân mình. Bộ trưởng đã nhiều lần tuyên bố “nói phải đi đôi với làm” và đây chính là cơ hội để đổi mới cơ chế quản lý. Các quy định đặt ra công khai rồi, lâu rồi, nhưng người đứng đầu nhiều nhà trường vẫn giữ tư duy “quy định là thế nhưng chưa chắc đã thực hiện” nên ung dung đăng ký vượt chỉ tiêu. Đầu năm nay, khi bộ dừng tuyển sinh một số trường, nhiều hiệu trưởng vẫn tỏ ra ngỡ ngàng nói rằng “tưởng bộ nói thế thôi chứ không làm”.

Thực tế chưa bao giờ cùng lúc thanh tra bộ đưa ra mức xử lý kiến nghị mạnh mẽ đồng loạt thế này.

* Trong đợt thanh tra này, ông có bất ngờ khi không ít trường xác định vượt chỉ tiêu nhưng thực tế tuyển sinh lại quá bi đát, có trường như CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi rốt cục chỉ tuyển được 0,64% chỉ tiêu?

- Tôi không thấy bất ngờ vì qua thanh tra từ năm trước đã thấy một số trường có năng lực rất yếu nhưng vẫn khai không đúng thực chất với chỉ tiêu cao. Có nơi có tư tưởng cứ đăng ký chỉ tiêu cao, nếu tuyển nhiều sinh viên sẽ tuyển nhiều giáo viên. Đây là quy trình ngược. Cách làm giáo dục như vậy mang tính thương mại và đương nhiên không thể bền vững được.

Thực tế có trường tuyển được rất ít, thậm chí không tuyển được sinh viên. Nếu các trường cứ đăng ký mức giản dị như đúng năng lực thì không có sai phạm gì. Nhưng vì báo cáo không trung thực để có được nhiều chỉ tiêu, lấy mất chỉ tiêu của trường khác khi quy mô chung đã được xác định, làm ảnh hưởng đến cả hệ thống, nên những trường dù không tuyển vượt vẫn bị xử lý. Bộ sẽ giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu cho nhà trường và nếu trường tiếp tục vi phạm sẽ có văn bản yêu cầu hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng.

Các bộ khác đều phải có trách nhiệm

* Việc xử lý hiệu trưởng cụ thể sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Với Trường ĐH Quy Nhơn trực thuộc Bộ GD-ĐT, bộ sẽ khiển trách hiệu trưởng. Bộ cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế khiển trách hiệu trưởng sáu trường vi phạm. Riêng với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bộ kiến nghị Bộ Công thương xử phạt hình thức cảnh cáo đối với hiệu trưởng vì sai phạm quá nghiêm trọng. Tỉ lệ SV chính quy trên giảng viên quy đổi của trường ở mức rất cao: 61,12 SV/giảng viên.

Cùng với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi sẽ chỉ được giao chỉ tiêu tuyển sinh ở mức tối thiểu cho năm 2013. Nghĩa là các trường này đã tự tước quyền tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh, bộ giao bao nhiêu thì được nhận bấy nhiêu. Số chỉ tiêu cụ thể của các trường này đang được bộ tính toán, cân nhắc.

Riêng hiệu trưởng các trường ngoài công lập, việc xử lý khác với người đứng đầu các trường công lập, nên nếu năm sau còn tiếp tục tái phạm, bộ sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh thành hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng.

* Bộ GD-ĐT có lo rằng các kiến nghị xử lý này không được các bộ khác đồng thuận?

- Các bộ đều phải có trách nhiệm của mình. Các kiến nghị của Bộ GD-ĐT đều dựa trên cơ sở thực chất thanh tra và quy định của pháp luật. Cũng như Bộ GD-ĐT, các bộ khác cũng phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

* Ông Trần Hồng Quân (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập):

Một số quy định chưa hoàn toàn phù hợp

Theo quan điểm cá nhân tôi, các trường không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng đào tạo. Về việc xác định chỉ tiêu, có một số quy định tôi cho là chưa hoàn toàn phù hợp. Chẳng hạn vấn đề diện tích. Theo nghị định 69 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục, đất Nhà nước giao cho các trường là đất sạch nhưng thực tế các trường chỉ được giao đất chưa đền bù giải tỏa. Đất đai giờ giá rất cao nên ngay cả nhiều trường công lập cũng không có kinh phí đền bù giải tỏa. Do đó chúng ta cần linh động, với các trường thuê mướn cơ sở dài hạn thì nên xem đó là cơ sở đào tạo chứ không phủ nhận như hiện nay. Không nhất thiết giảng viên đứng lớp là cơ hữu, quan trọng là chất lượng giảng viên mà trường mang đến cho người học. Vì vậy cần đẩy nhanh việc kiểm định chất lượng để kiểm soát đầu ra của các trường chứ không nên siết đầu vào như hiện nay.

* Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM:

Trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm

Đúng là việc xác định chỉ tiêu của trường năm 2012 có một số sai sót. Trong đó tập trung vào việc số giảng viên quy đổi chưa đáp ứng đủ theo các tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Ông này cho biết trong đăng ký của mình, trường có đưa nhiều giảng viên hợp đồng ngắn hạn, những người có học hàm, học vị cao nhưng đã lớn tuổi. Điều này khiến số lượng giảng viên quy đổi của trường tăng lên, từ đó dẫn đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao.

Khi đối chiếu lại quy định, những giảng viên thỉnh giảng không được tính vào giảng viên quy đổi. Trường cũng có một số giáo sư không được tính vào giảng viên quy đổi do quá tuổi quy định. Bên cạnh đó, một số giảng viên chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ hoặc đã bảo vệ nhưng chưa nhận bằng cũng được trường đưa vào tính giảng viên quy đổi nhưng thanh tra Bộ GD-ĐT không chấp nhận phương án này. Về diện tích, đến thời điểm hiện tại diện tích bình quân trên mỗi sinh viên là 1,92m2, thấp hơn quy định một ít. Do một số vấn đề nêu trên nên số giảng viên quy đổi của trường cao, từ đó dẫn đến xác định chỉ tiêu cao. Đây là sai sót đáng tiếc của bộ phận xác định chỉ tiêu và trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xác định chỉ tiêu năm 2013.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: tuoitre