Chấm dứt đào tạo dễ dãi
Thông điệp quyết liệt của Bộ GD-ĐT về dừng mở ngành mới, trường mới liên quan đến nhóm ngành kinh tế, cắt giảm chỉ tiêu ngành sư phạm từ mối lo sinh viên đào tạo xong không có việc làm như một cách định hướng ngành nghề cho sĩ tử trước mùa thi.
Sự dễ dãi trong đào tạo ngành vốn không phải đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, lại sẵn có sức hút về thị trường đã khiến trường ĐH, CĐ ngoài công lập nào cũng mở cho nhóm ngành kinh tế - quản lý. Còn ở trường công lập, dù là chuyên ngành nông - lâm hay kỹ thuật thì đến thời điểm này, nguồn thu từ nhóm ngành kinh tế vẫn là chủ yếu. Tình trạng dư thừa không chỉ ở trình độ đào tạo ĐH như lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH "bật mí", ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo mỗi đợt tuyển sinh thạc sĩ lại tiếp nhận cả chục nghìn lượt thí sinh nên đề nghị bộ cho phép được nhận hồ sơ... qua mạng.
Hồi chuông cảnh báo về nạn đào tạo tràn lan này đã gióng lên từ lâu. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhiều lần cho biết sẽ siết, sẽ xử lý các trường cố tình "vượt rào" tăng mức đào tạo các ngành thời thượng, phá vỡ quy hoạch nguồn nhân lực. Nhưng những tuyên bố này chẳng được mấy cơ sở đào tạo đếm xỉa vì ưu tiên của họ là tuyển được nhiều, tăng nguồn thu. Không ít lãnh đạo các trường coi thông điệp chấn chỉnh là chuyện vui và họ tìm đủ cách chống chế. Có vị còn tự hào về mức vượt lên tới 25-30% vì như thế là "trường có thương hiệu", có uy tín trong thời buổi nhiều trường ĐH tung đủ chiêu khuyến mãi, "vơ vét" mãi mà không đủ thí sinh.
Bài học kéo dài từ nhiều năm trước
Còn nhớ trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính năm 2011 do vượt chỉ tiêu, những cái tên đầu bảng thuộc về các trường vốn "nổi danh" đào tạo kinh tế: ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển vượt 38% với hơn 3.400 thí sinh, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển vượt 899 thí sinh, vượt 20% so với chỉ tiêu... Vậy mà trao đổi với báo chí, lãnh đạo ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lại tuyên bố sẵn sàng chịu phạt "dù chúng tôi chẳng thấy mình có sai sót gì"(?).
Phát biểu tại hội nghị ngân sách 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận nếu chỉ phạt hành chính, các trường vẫn có lãi nên quyết làm liều. Năm nay sẽ là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT xử lý các hiệu trưởng nếu chỉ tiêu vượt quá năng lực về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất.
Quyết định của Bộ GD-ĐT giải quyết tình trạng này là quá muộn. Hàng chục nghìn SV kinh tế của các cơ sở đào tạo không có thực lực mở ngành này sẽ về đâu khi thị trường nhân lực ngày càng khắt khe và khó tính? Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí xã hội kéo dài suốt mấy năm qua? Liệu sự quyết tâm của bộ có đủ mạnh để siết lại các trường vốn đã quá quen với việc "vượt rào"?
Xã hội đã quen với xu hướng chọn nghề theo thời thượng. Những năm 1990, sĩ tử đổ xô vào ngành luật, sau đó là ngoại giao, rồi sư phạm và gần đây là kinh tế - tài chính - ngân hàng. Nếu không siết lại thì ngành nào sẽ trở thành tâm điểm trong cuộc đua tăng chỉ tiêu, tăng nguồn thu để tồn tại của các trường ĐH? Đó là câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra khi Bộ GD-ĐT thêm một lần khẳng định quyết tâm chấn chỉnh tình trạng chạy đua tuyển sinh ngành kinh tế dai dẳng cả chục năm nay của nhiều cơ sở đào tạo cả trong và ngoài công lập.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |