Hiểu như thế nào là ngành học nặng nhọc, độc hại (NNĐH) là vấn đề đang gây nhiều suy nghĩ tại phần lớn các trường đại học có đào tạo các chương trình kỹ thuật, công nghệ. Hiện nay, việc xác nhận ngành học NNĐH cho SV được các trường thực hiện theo Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (Thông tư 29), hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 49) có hiệu lực từ ngày 01.01.2011. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có quy định một cách cụ thể ngành học nào là NNĐH.

Ngành nào cũng nặng nhọc độc hại?

Học kỳ I năm học 2012-2013, phòng Công tác HSSV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết cho 13.536 giấy chứng nhận học ngành NNĐH của SV. Cô Lê Phạm Việt Anh Thư – cán bộ tiếp SV của trường, cho biết: “Ngoài việc giải quyết giấy nặng nhọc độc hại, chúng tôi phải giải quyết các loại đơn từ khác liên quan đến SV, điều này gây áp lực rất lớn và tốn một thời gian khá nhiều để xác minh các hồ sơ của SV…”.

Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HSSV của trường chia sẻ: “Ban đầu, Phòng cũng rất lúng túng không biết xác nhận như thế nào. Sau đó, qua những đợt đối thoại giữa lãnh đạo trường với HSSV thì có nhiều SV ý kiến về vấn đề này nên chúng tôi đành phải ký. Hiện tại ở trường chỉ trừ SV ngành Kế toán và Tiếng Anh, hầu hết SV các ngành khác đều đến xin chứng nhận học ngành NNĐH…”.

Tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, số lượng SV xin chứng nhận ngày càng nhiều nên nhà trường chuyển về cho từng khoa/bộ môn trực tiếp xác nhận. Còn tại ĐH Bách Khoa TP.HCM thì tính từ đầu năm học đến nay đã giải quyết xác nhận cho hơn 5.000 hồ sơ.Giờ học thực hành của SV ngành CN Môi trường

Th.S Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác Sinh viên - ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, bộ phận công tác SV của trường gặp không ít khó khăn trong việc xác nhận ngành nghề NNĐH cho SV. Cái khó khăn lớn nhất là chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể của ngành. Trong khi đó, nội dung của Nghị định 49 và Thông tư liên tịch số 29 hướng dẫn về thực hiện hỗ trợ miễn giảm về học phí cho SV học ngành nghề NNĐH thì chưa rõ ràng. Cụ thể, trong Thông tư hướng dẫn căn cứ xác định ngành nghề NNĐH là 6 Quyết định đi kèm trong điều kiện ‘LAO ĐỘNG’, trong khi đó SV đi học thì trong điều kiện ‘HỌC TẬP’. Thành thử, nhà trường không có cơ sở cụ thể để căn cứ xác nhận. Tuy nhiên, vì quyền lợi của SV, nhà trường cũng đã linh động giải quyết cho các SV thuộc nhóm ngành có liên quan đến hóa chất như: Dược y, Công nghệ hóa học...”.

Để xác định đúng, trúng ngành học đó có NNĐH hay không là chuyện nhiều trường đắn đo, suy nghĩ. Nếu làm khó quá thì e “thiệt” cho SV, nhưng xác nhận một cách “đại trà” thì có gì không ổn. Bạn Lã Mai Phương - SV năm 3 ngành Công nghệ may ĐH SPKT TPHCM cho biết: “Khi nghe nói có chính sách miễn giảm 70% học phí các ngành học NNĐH, SV tụi em phấn khởi lắm. Nhiều bạn trong lớp rủ nhau làm. Em thấy mình cũng nằm trong diện đó vì em nghĩ ngành Công nghệ may cũng là ngành học NNĐH vì phải thường xuyên tiếp xúc với bụi vải, có khi một số tai nạn xảy ra như: kim gãy bắn vào mắt, bị kẹp tay vào máy may, bị kim đâm...”.

Cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn

Cũng có tình trạng cùng học một chuyên ngành nhưng SV ở trường này được miễn giảm học phí do được xếp vào ngành độc hại nhưng trường khác thì không. Gần đây, một nhóm SV ngành Khoa học môi trường của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) bày tỏ bức xúc vì không được xác nhận đang học ngành NNĐH để được hỗ trợ 70% học phí, trong khi ở danh mục nhóm ngành, nghề NNĐH do ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM quy định cũng có ngành Kỹ thuật môi trường. Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ngành liên quan đến môi trường đều được xác nhận là ngành độc hại.

Việc quy định các chuyên ngành học thuộc chuyên ngành nghề NNĐH dựa trên 6 Quyết định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về danh mục nghề, công việc đặc biệt NNĐH, nguy hiểm theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 29. Tuy nhiên, những Quyết định trên của Bộ LĐTB&XH đều nói về danh mục ngành nghề (lĩnh vực làm việc đó, nghề nghiệp đó rất NNĐH) do đó người lao động làm việc trong lĩnh vực đó được hưởng là đúng nhưng không đề cập tới SV.

Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ: “Hiện tại nhà trường đã đưa tất cả các văn bản liên quan đến lĩnh vực ngành nghề NNĐH lên mạng để SV đối chiếu. Bắt đầu từ cuối năm 2012, đặc biệt là năm 2013, SV đến xin xác nhận một cách ồ ạt, một học kì ký cả hơn 10 ngàn mẫu đơn. Điều này đặt ra 2 vấn đề:

  • (1) Nếu ngân sách nhà nước có điều kiện thì cứ chi hỗ trợ cho các em. Sau này các em học tập nên người thì cũng tốt.

  • (2) Về mặt quản lý như thế thì rất lỏng lẻo, nếu nhà trường cứ ký, về địa phương không giải quyết thì SV sẽ có suy nghĩ nhà trường giải quyết một đằng, địa phương giải quyết một nẻo. Còn nếu nhà trường ký và địa phương cứ chi thì ngân sách ở đâu mà chi trả cho đủ”.


Thực tế không phải SV nào được nhà trường xác nhận học ngành NNĐH thì về địa phương đều được giải quyết hưởng 70% học phí. Bạn Nguyễn Tri Ân – SV năm 3 ngành Cơ khí động lực chia sẻ: “Em xin giấy chứng nhận của trường kèm biên lai học phí đưa lên xã, nhưng cũng rắc rối lắm. Đã 3 tháng mà phòng LĐTB&XH huyện cứ hẹn hoài…”. Còn với bạn Trần Đức Vĩnh – SV năm 3 ngành Công nghệ môi trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì suôn sẻ hơn: “Mỗi học kì, em xin giấy xác nhận của trường kèm biên lai học phí gửi về Phòng LĐTB & XH huyện Giá Rai (Bạc Liêu) thì khoảng 1 tháng sau là được nhận tiền hỗ trợ 70% học phí”. Cũng cùng ngành Công nghệ môi trường nhưng bạn Phạm Thị Kiều Trang - SV năm thứ 2 (ĐH SPKT TP.HCM) cho biết: “Em xin giấy xác nhận của trường gửi về địa phương thì được trả lời không nhận được tiền trong từng học kỳ mà 4 năm sau mình mới được nhận…”.

Một cán bộ phụ trách công tác SV cho rằng: “Hiện nay Bộ GD&ĐT, đã quản lý bậc ĐH theo mã ngành học thì nên có quy định cụ thể mã ngành nào thì thuộc diện ngành học NNĐH và ngành nào thì được hưởng 70%, ngành nào thì được hưởng 50% tùy theo mức độ nặng nhẹ. Liên Bộ: GD&ĐT, Tài chính, LĐTB&XH cùng “ngồi lại” để có văn bản hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo được quyền lợi SV và cũng thuận lợi cho các trường trong quá trình xác nhận SV thuộc nhóm ngành nghề NNĐH…”.

Một điều nghịch lý là các thầy cô giáo đứng lớp dạy SV môn học đó (dạy suốt) thì không được hưởng chế độ ngành nghề NNĐH, còn các SV trong 4 năm chỉ học môn đó, chuyên đề đó với một lượng thời gian rất ít thì được hưởng. Hệ lụy từ việc Thông tư liên bộ không quy định cụ thể rõ ràng sẽ còn gây nhiều trở ngại cho các trường trong việc xác định ngành học NNĐH. Nhà trường sẽ mất nhiều thời gian trong việc thẩm tra hồ sơ, SV sẽ tốn thời gian làm giấy tờ và phấp phỏng chờ không biết mình có “hên” được nhận tiền 70% hay không?

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM): “Miễn 70% học phí cho SV diện học các ngành NNĐH là một chủ trương rất nhân văn. Tuy nhiên, hiểu những ngành học như thế nào là NNĐH thì phải dựa vào 6 văn bản, qui định của Bộ LĐTB&XH từ năm 1993, 1994 đến 2005... về quản lý lĩnh vực lao động đặc biệt. Khi đã gọi là lao động ở môi trường NNĐH là người lao động phải làm việc liên tục, lâu dài. Thế nhưng, chúng ta lấy quy định đó để áp vào SV học ngành đó, lĩnh vực đó được hưởng giảm 70% học phí thì rất không phù hợp…”.

Ông NGUYỄN VĂN AN (Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng):Các phòng LĐ-TB&XH quận/huyện (ở Đà Nẵng) tạm dừng chi trả tiền giảm học phí cho SV ngành, nghề nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 12-2012 theo chỉ đạo của sở. Trong nhiều đơn đề nghị chi trả hỗ trợ 70% học phí của SV đang theo học tại các trường ĐH có sự xác nhận của nhà trường là học ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, sở đã đối chiếu thì thấy không có ngành, nghề nào trùng tên với ngành, nghề nặng nhọc, độc hại theo sáu quyết định ban hành danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại của Bộ LĐ-TB&XH. Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn rõ thêm về việc học các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại để có cơ sở triển khai thực hiện nhưng bộ chưa trả lời.

 

Bạn cần biết về thông tin:

Cách đánh giá ngành học độc hại chưa thống nhất

Học chuyên ngành độc hại được giảm 70% học phí

 

Kenhtuyensinh

Theo: biettuot