Sẽ có 2 mức điểm sàn đại học
Thay cho một điểm sàn duy nhất đã được thực hiện nhiều năm qua, năm 2013 Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để xây dựng cho tồn tại cùng lúc hai mức điểm sàn để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở xét tuyển thí sinh.
Điểm rất quan trọng của phương án này là dự kiến thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn theo cách tính nhiều năm qua khoảng 2 điểm vẫn có thể xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương án mang tính đột phá này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích:
- Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ thay đổi cách tính điểm sàn, áp dụng ngay cho mùa tuyển sinh này. Nhiều chuyên gia giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, bạn đọc, các bậc phụ huynh đã cùng hiến kế xây dựng cách tính điểm sàn phù hợp với tình hình thực tế. Đa số ý kiến đều nhìn nhận kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy là nghiêm túc, tin cậy nhất hiện nay, nên trước mắt khó có phương án nào mang tính khả thi trong việc xét tuyển học sinh vào học ĐH, CĐ thay thế cho kỳ thi này.
Các ý kiến cũng thống nhất cần thiết phải duy trì điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào, song phải nghiên cứu cách xác định hợp lý vì nếu duy trì cách tính cũ, nhiều trường lại rơi vào tình trạng rất khó khăn về nguồn tuyển.
Điểm bình quân của thí sinh dự thi ĐH năm 2010
Khối thi | Ðiểm trung bình môn | Ðiểm sàn | Số thí sinh dự thi | Chỉ tiêu | Số thí sinh đạt điểm trên sàn | |||
Môn 1 | Môn 2 | Môn 3 | Tổng ba môn | |||||
A | 3,3 | 3,9 | 3,76 | 10,96 | 13 | 577.766 | 150.032 | 209.683 |
B | 4,1 | 3,78 | 3,84 | 11,72 | 14 | 224.158 | 28.764 | 84.846 |
C | 4,36 | 2,64 | 4,35 | 11,35 | 14 | 79.217 | 23.987 | 31.619 |
D1 | 4,66 | 3,08 | 3,55 | 11,29 | 13 | 162.840 | 54.493 | 66.966 |
Tổng | 257.276 | 393.114 |
Điểm bình quân của thí sinh dự thi ĐH năm 2011
Khối thi | Ðiểm trung bình môn | Ðiểm sàn | Số thí sinh dự thi | Chỉ tiêu | Số thí sinh đạt điểm trên sàn | |||
Môn 1 | Môn 2 | Môn 3 | Tổng ba môn | |||||
A | 2,83 | 3,99 | 3,72 | 10,54 | 13 | 612.467 | 157.278 | 195.096 |
B | 5,16 | 3,63 | 3,67 | 12,46 | 14 | 259.812 | 29.571 | 114.441 |
C | 4,83 | 2,13 | 4,22 | 11,18 | 14 | 72.935 | 23.538 | 28.221 |
D1 | 4,49 | 3,2 | 3,79 | 11,48 | 13 | 182.219 | 56.244 | 77.524 |
Tổng | 1.127.433 | 266.631 | 415.282 |
Điểm bình quân của thí sinh dự thi ĐH năm 2012
Khối thi | Ðiểm trung bình môn | Ðiểm sàn | Số thí sinh dự thi | Chỉ tiêu | Số thí sinh đạt điểm trên sàn | |||
Môn 1 | Môn 2 | Môn 3 | Tổng ba môn | |||||
A | 3,01 | 3,39 | 3,71 | 10,51 | 13 | 540.792 | 141.760 | 177.060 |
A1 | 3,02 | 3,29 | 4,96 | 11,27 | 13 | 72.781 | 24.732 | 27.870 |
B | 3,95 | 3,45 | 4,08 | 11,47 | 14 | 261.673 | 32.900 | 90.004 |
C | 4,66 | 3,05 | 4,46 | 12,17 | 14,5 | 77.464 | 22.700 | 32.649 |
D1 | 5,00 | 3,68 | 3,88 | 12,56 | 13,5 | 198.639 | 57.145 | 93.204 |
Tổng | 1.151.349 | 279.237 | 420.787 |
(Tổng hợp này không tính trên 40.000 thí sinh dự thi vào các khối khác)
Nguồn: Bộ Giáo dục- đào tạo
Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra “lỗi” của điểm sàn là vênh, chênh so với phổ điểm chung, không dựa vào chất lượng thí sinh thật sự mà chỉ là phương án “trên trời”, và đó là lý do để mấy năm nay bộ “bí mật” phổ điểm?
- Đúng là điểm sàn đại học từ trước đến nay luôn cao hơn điểm bình quân các môn thi mà thí sinh đạt được. Phải công bằng nhìn nhận phương án điểm sàn áp dụng tám năm qua không đến mức “sai ngay từ đầu”. Từ năm 2010 trở về trước, việc thực hiện không gây khó khăn gì đối với cả bộ, trường hay thí sinh. Điểm sàn do Hội đồng xác định điểm sàn đề xuất và bộ trưởng quyết định. Hội đồng xác định điểm sàn (có đủ thành viên các trường công lập, ngoài công lập, đại diện cho các vùng miền khác nhau) phân tích nhiều phương án để lựa chọn một phương án phù hợp nhất, chủ yếu dựa vào chỉ tiêu của từng khối và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Phương án xác định điểm sàn như hiện nay đã thể hiện tính hiệu quả của những năm đầu khi nhu cầu học của người dân rất lớn nhưng số trường ít.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường hơn, người học có nhiều sự lựa chọn hơn thì phải thừa nhận cách tính điểm sàn cũ không còn phù hợp. Không ít thí sinh trên điểm sàn nhưng không theo học trường còn chỉ tiêu mà đeo đuổi ngành, trường các em mơ ước. Số sinh viên dồn về thành phố lớn học cũng tăng mạnh, thí sinh dù trượt ở trường thành phố nhưng cũng ít chấp nhận dịch chuyển quay về địa phương để học. Tất cả lý do này dẫn tới việc dù hệ số dư dôi lớn, vẫn xảy ra tình trạng có trường không tuyển đủ thí sinh.
Như thứ trưởng phân tích, có thể hiểu điểm sàn lâu nay cao hơn mức điểm trung bình mà đa số thí sinh đạt được, và hướng điều chỉnh hẳn sẽ kéo điểm sàn xuống ngưỡng trung bình này?
- Bộ đang nghiên cứu xây dựng điểm sàn ở hai mức: điểm sàn trên xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay và điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn ba môn thi của khối thi tương ứng, mở rộng nguồn tuyển đến ngưỡng giới hạn mà chất lượng đầu vào có thể chấp nhận được kèm theo xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy tổng điểm bình quân các khối thi thường ở mức 11-12 điểm, thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn từng năm (điểm sàn trên). Năm 2012, tổng số thí sinh thi ĐH nằm trong khoảng dưới điểm sàn 2 điểm là 200.000 thí sinh, trong khi chỉ tiêu còn thiếu của cả ĐH, CĐ là 50.000 (trong đó chỉ tiêu thiếu của ĐH chiếm hơn một nửa).
Khi áp dụng điểm sàn dưới dễ thấy số dôi dư lớn, nguồn tuyển dồi dào hơn, các trường phải kết hợp việc xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để lựa chọn thí sinh. Như vậy, điểm sàn dưới xác định được ngay sau khi phổ điểm được công bố. Điểm sàn trên do Hội đồng xác định điểm sàn họp xét đề xuất hoặc đơn giản hơn là dựa vào kết quả thống kê của nhiều năm qua để tăng 2 điểm so với điểm sàn dưới đối với các khối thi tương ứng.
Bộ đã lường hết được những kịch bản sẽ xảy ra khi phương án được áp dụng ngay cho năm 2013? Liệu có gây ra tình trạng xáo trộn trong việc xét tuyển ở các trường?
- Những trường vẫn tuyển đủ thí sinh trên điểm sàn thì tuyển sinh như cũ, hoàn toàn không có gì thay đổi. Phương án điểm sàn dự kiến có lợi cho những trường tốp dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh. Để ưu tiên cho thí sinh đạt điểm sàn trên thì trong đợt xét tuyển 1 và 2, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này. Kể từ đợt xét tuyển thứ 3 trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ, các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển, thí sinh đạt trên điểm sàn trên luôn được ưu tiên xét trước.
Chỉ là giải pháp ngắn hạn”
Bộ có lo ngại dư luận sẽ cho rằng giải pháp này làm giảm chất lượng đầu vào của thí sinh?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực tế, chỉ duy trì điểm sàn cũ vẫn đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Việc mở rộng điểm sàn kết hợp xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng cơ hội tuyển bổ sung cho chỉ khoảng 10% chỉ tiêu còn thiếu. Phương án xác định điểm sàn này phù hợp với Luật giáo dục ĐH về tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển), không ảnh hưởng đến phương pháp học tập và chuẩn bị thi của thí sinh (vì chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để xét kết hợp chứ không dùng kết quả học tập ba năm THPT). Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật. Bộ đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp, ổn định lâu dài, song song với quá trình đổi mới việc dạy và học ở bậc phổ thông.
Đây là phương án có tính bước ngoặt so với trước đây nên bộ rất mong muốn có thêm những đóng góp, thảo luận từ các chuyên gia giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh để hoàn thiện phương án điểm sàn phù hợp nhất, có thể áp dụng ngay cho mùa tuyển sinh 2013. Tôi xin khẳng định lại đây chưa phải là phương án xác định điểm sàn chính thức.
Bạn muốn tìm hiểu về:
Quan điểm về điểm sàn đại học của bộ giáo dục là không ưu tiên
Hai phương án tính điểm sàn đại học năm 2013
Điểm sàn đại học từ năm 2008 trở lại đây
Tin bài gốc: Tuổi Trẻ
Kenhtuyensinh
Theo: Tuổi Trẻ