Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH
Chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 14: Gần với học sinh hơn
Đến nhiều nơi học sinh còn thiếu thông tin, tập trung vào các trường THPT, đặt trọng tâm vào hướng nghiệp giúp thí sinh chọn ngành nghề phù hợp… là những điểm cốt yếu của chương trình Tư vấn mùa thi năm nay do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.
Về nơi cần thông tin
Khi triển khai với đại diện các trường ĐH, CĐ, TCCN về chương trình Tư vấn mùa thi (TVMT) năm 2013, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi rằng sao chương trình lại ít diễn ra ở các thành phố lớn. Tổ chức tại các điểm trung tâm là việc không khó, thậm chí còn nhiều thuận lợi hơn về điều kiện cơ sở vật chất. Thế nhưng qua nhiều năm thực hiện chương trình, chúng tôi biết rằng cần phải ưu tiên ở những nơi học sinh (HS) còn đói thông tin về tuyển sinh cũng như hướng nghiệp.
Thế là năm nay, Ban tổ chức chương trình TVMT quyết định mở rộng các buổi tư vấn ở 4 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ là Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù không cách xa TP.HCM nhưng nhiều HS, đặc biệt ở Bình Phước, Tây Ninh chưa có điều kiện tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác. Chính vì vậy Ban tổ chức chương trình TVMT sẽ là cầu nối để HS tại những địa phương này có cơ hội tiếp cận các trường ĐH, từ đó giúp HS xác định hướng vào đời phù hợp.
Cũng với phương châm không chú trọng vào sự náo nhiệt, hoành tráng mà tập trung vào việc cung cấp càng nhiều, càng cụ thể thông tin cần thiết cho HS càng tốt, chương trình năm nay chủ yếu diễn ra ở các trường THPT xa trung tâm. Quy mô các buổi tư vấn không quá lớn, rầm rộ sẽ tạo điều kiện cho HS có cơ hội tìm hiều những vấn đề mình thật sự quan tâm.
Giúp HS ra quyết định đúng
Kinh nghiệm nhiều năm thực hiện chương trình TVMT đã giúp ban tổ chức nhận thấy rằng ngoài thông tin về những quy định chung, tuyển sinh của các trường, điều HS cuối cấp quan tâm là lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai. Lứa tuổi 17-18, lại ở những nơi không có điều kiện tiếp xúc với thông tin, phần lớn HS loay hoay khi quyết định chọn ngành nghề đăng ký dự thi. Và không ít HS đã sai lầm khi dự thi vào những ngành không đúng sở trường, sở nguyện dẫn đến việc học hành dang dở.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn TP.HCM) đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn trong buổi khởi động chương trình TVMT năm 2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo thống kê, hằng năm số lượng sinh viên bị buộc thôi học tại các trường ĐH-CĐ không nhỏ. Ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từng có thời điểm rơi rụng tới 50% so với số lượng đầu vào. Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM có lần thông tin rất nhiều sinh viên rơi rớt do chọn ngành học không phù hợp. Nhiều sinh viên học được một thời gian rồi bỏ vì không thấy thích nữa, muốn thi lại vào ngành khác phù hợp hơn.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, khẳng định: “Điều kiện quan trọng để bảo đảm sự thành công trong học tập cũng như trong nghề nghiệp của mỗi cá nhân là sự phù hợp giữa sở thích nghề nghiệp với ngành nghề mà cá nhân đó lựa chọn. Vì thế con đường dẫn đến thành công trong sự nghiệp của đời người không chỉ với một lựa chọn là vào ĐH sau khi tốt nghiệp THPT”. Thực tế hiện nay HS hay bỏ qua hoặc xem thường sở thích nghề nghiệp, tính cách và năng lực cá nhân trong việc lựa chọn ngành nghề khi đăng ký dự thi ĐH. Theo tiến sĩ Nguyễn Thuấn, điều này không những không mang lại kết quả trong học tập, nghề nghiệp tương lai như mong đợi mà còn lãng phí thời gian, công sức, đánh mất cơ hội cho chính bản thân.
Trước thực trạng này, chương trình TVMT năm nay có thêm phần hướng nghiệp. Ngoài bảng trắc nghiệm Lựa chọn ngành nghề phù hợp mà ban tổ chức thiết kế tặng cho các HS, ở các buổi tư vấn còn có phần định hướng, dự báo ngành nghề tương lai của chuyên viên của Sở LĐ-TB-XH. Đây sẽ là những thông tin hữu ích giúp HS có thêm cơ sở lựa chọn, quyết định ngành nghề dự thi.
Diễn ra liên tục hơn 1 tháng rưỡi trên 20 tỉnh, thành Chương trình TVMT năm 2013 diễn ra liên tục tại 20 tỉnh, thành: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An. Chương trình bắt đầu từ ngày 12.1 và kết thúc vào cuối tháng 3, kéo dài hơn 1 tháng rưỡi. Dự kiến có hơn 50 trường ĐH-CĐ-TCCN và các trung tâm giáo dục tham gia tư vấn. Trong đó, ngoài đại diện các trường ĐH tại địa phương còn có các trường ĐH lớn tại TP.HCM như: Kinh tế, Y - Dược, Kinh tế - Luật, Ngân hàng, Sư phạm, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Giao thông vận tải, Sài Gòn, Tài chính - Marketing, Công nghệ thông tin, Công nghiệp, Mở... Chương trình dự kiến thu hút hơn 30.000 học sinh tham gia theo dõi tại chỗ, chưa kể hàng chục ngàn phụ huynh và học sinh theo dõi qua truyền hình trực tiếp.
Khai mạc ngày 20.1 tại TP.HCM Sau buổi tư vấn khởi động tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn, TP.HCM) vào cuối tuần qua, chương trình TVMT năm nay sẽ chính thức khai mạc vào ngày 20.1 tại Trường THPT Marie Curie (159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM). Tham dự buổi khai mạc có GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Đại diện trên 10 trường ĐH lớn tại TP.HCM sẽ trực tiếp tư vấn cùng hơn 15 trường ĐH-CĐ, cơ sở giáo dục tổ chức gian hàng triển lãm. Buổi tư vấn chính thức sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ chiều, được truyền hình trực tiếp qua Đài truyền hình Việt Nam (VTV9). Buổi sáng cùng ngày các trường tổ chức gian hàng triển lãm và tư vấn cho phụ huynh học sinh.
Ý kiến:
PGS-TS Đặng Văn Tịnh - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y-Dược TP.HCM: “Chương trình bài bản và có chiều sâu”
“Tôi thích tham gia chương trình TVMT của Báo Thanh Niên bởi đây là chương trình bài bản và rất có chiều sâu. Việc chú trọng thông tin chung về tuyển sinh, ngành nghề hơn là đi cụ thể vào các trường giúp cho chất lượng được nâng cao và mang đến thông tin cần thiết nhiều hơn cho thí sinh. Năm nay báo tổ chức tư vấn tại 4 tỉnh mới khu vực Đông Nam bộ cũng là một điều rất hay. Chẳng hạn như Tây Ninh, các em ở tỉnh này rất khao khát thông tin nhưng hầu như không có chương trình tư vấn nào được tổ chức ở đây trong các năm qua”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: “Tư vấn hướng nghiệp là quan trọng”
“Một điểm mới của chương trình năm nay mà ban tổ chức quyết tâm thực hiện là chuyển đến thí sinh bảng câu hỏi trắc nghiệm ngành nghề. Đây là lựa chọn đúng đắn vì nó sẽ giúp ích cho thí sinh chọn lựa chính xác hơn ngành nghề nào phù hợp với bản thân mình. Theo quan điểm của tôi, việc tư vấn hướng nghiệp quan trọng hơn tư vấn tuyển sinh nhiều. Tuyển sinh chỉ mang tính thời vụ còn hướng nghiệp là gốc, định hướng cho thí sinh chọn lựa cả tương lai của mình”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Thanh Niên