Tin liên quan
>> Xu hướng chọn trường tốp dưới và gần nhà
>> Cơ hội vào trường tốp dưới cho thí sinh
>> Không chỉ có một con đường vào đại học
Theo kết quả điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) nguyện vọng bổ sung của nhiều trường đại học (ĐH), hàng ngàn thí sinh điểm cao đã bị loại khỏi trường ĐH công lập và đành chuyển hướng sang các trường tốp dưới. Trong khi đó, ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo, cửa vào trường công lập không chỉ ít mà còn rất hẹp.
Bất ngờ với điểm chuẩn
Đúng như dự đoán, không chỉ nhóm ngành kinh tế, ngay cả những ngành kỹ thuật ở nhiều trường ĐH công lập có điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung tăng vọt so với điểm nguyện vọng 1. Theo kết quả điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa công bố, nhiều ngành điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung tăng mạnh so với điểm nhận hồ sơ. Ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng điểm NV1 chỉ có 14 điểm nhưng điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung nhảy lên thành 18 điểm (khối A) và 17,5 điểm (khối A1).
Tương tự, các ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật ô tô cũng có điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung tăng từ 2,5 – 3 điểm so với điểm nhận hồ sơ. Với mức điểm nhận hồ sơ nguyện vọng bổ sung bằng điểm sàn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã có điểm chuẩn nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ tăng từ 0,5 - 2 điểm. Cụ thể, ngành Công nghệ sinh học: 15,5 điểm (khối A) và 16,5 điểm (khối B), Công nghệ thực phẩm: 16 điểm (khối A) và 17 điểm (khối B); Bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm: 14,5 điểm (khối A) và 15,5 điểm (khối B), Công nghệ kỹ thuật hóa học: 15 điểm (khối A) và 16 điểm (khối B), Công nghệ kỹ thuật môi trường: 14 điểm (khối A) và 15 điểm (khối B).
Điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng tăng nhiều so với điểm nhận hồ sơ. Ngành Kỹ thuật điện tử truyền thông, Quản lý nguồn lợi thủy sản lấy 16 điểm, ngành Kỹ thuật xây dựng lấy 17 điểm. Các ngành liên kết với ĐH nước ngoài có điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) có điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung tăng 4 điểm so với điểm chuẩn nguyện vọng 1. Các ngành Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính đều có điểm chuẩn là 24. Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng với chỉ tiêu xét tuyển nhiều cộng với điểm xét tuyển thấp nên thu hút khá nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển. Do đó, kết quả điểm chuẩn nhiều ngành ở nguyện vọng bổ sung cũng tăng nhiều (khoảng 2 điểm) so với điểm chuẩn NV1. Cụ thể, ngành Kỹ thuật công trình xây dựng lấy 18 điểm, Khoa học máy tính lấy 16 điểm (khối A, A1) và 17 điểm (khối D1), Bảo hộ lao động 15 điểm (khối A) và 16 điểm (khối B).
Cùng với những trường trên, hàng loạt trường như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Mở, ĐH Ngân hàng, ĐH Công nghiệp TPHCM... các ngành như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh doanh quốc tế... điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung sẽ tăng ít nhất 2 điểm so với điểm nhận hồ sơ.
Thí sinh sẽ chuyển hướng
Do thay đổi về phương thức xét tuyển (thời hạn xét tuyển kéo dài đến 30-11) nên năm nay có thể thấy hiện tượng thí sinh đổ xô vào những trường công lập theo kiểu “hên xui” chứ không tính toán như mọi năm. Điển hình như Trường ĐH Tài chính Marketing hệ ĐH xét tuyển 280 chỉ tiêu nhưng nhận gần 3.000 hồ sơ đăng ký, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM xét 1.300 chỉ tiêu nhưng có gần 8.000 hồ sơ, Trường ĐH Sài Gòn có đến 26.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hơn 6.500 hồ sơ đăng ký... Chính vì vậy, rất nhiều thí sinh dù điểm 16-17,5 điểm vẫn bị loại khỏi cuộc chơi ở nhóm ngành kinh tế.
Dù một số trường ĐH công lập như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM)… tiếp tục dành chỉ tiêu cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung đến ngày 14-9. Tuy nhiên, với những trường này thí sinh nên thận trọng vì có ít cơ hội lựa chọn hơn vì hoặc là ngành khó tuyển hoặc là điểm cao, chỉ tiêu ít. Trong đó, với những ngành kỹ thuật thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn vì chỉ tiêu nhiều và điểm nhận hồ sơ xét tuyển cũng bằng điểm NV1 (bằng điểm sàn).
Trong khi đó, đại diện các trường ĐH ngoài công lập như Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cho biết sẽ tiếp tục xét tuyển thêm nguyện vọng bổ sung ở đợt 2 cho đến khi đủ chỉ tiêu với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong đợt xét tuyển tiếp theo, sẽ có một làn sóng mới khi thí sinh phải thi nhau chuyển hướng về các trường tốp dưới (ĐH địa phương và ĐH ngoài công lập). Nguyên nhân thứ nhất có thể dễ nhận thấy đó là cùng với thời hạn xét tuyển kéo dài, mức học phí năm nay cũng là một yếu tố chi phối đến thí sinh. Do đó, sẽ có nhiều thí sinh sau khi rớt ở đợt xét tuyển thứ nhất sẽ có định hướng chọn trường ở địa phương cho phù hợp với kinh tế của gia đình. Nếu không tính đến yếu tố kinh tế, thí sinh sẽ dồn hồ sơ vào những trường ngoài công lập. Tuy nhiên, thí sinh cũng sẽ né những trường có mức học phí cao.
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh ( SGGP)