Sinh viên từ chối học bổng du học ngắn hạn
PGS.TS Đặng Ngọc Lệ, trưởng khoa Đông phương học Trường ĐH Văn Hiến, cho biết sinh viên ngành Hàn Quốc học trường này đã từ chối chín suất học bổng tiếng Hàn của Trường ĐH Cheju (Hàn Quốc) trong sáu tháng.
Theo TS Lệ, Trường ĐH Cheju là đối tác hợp tác đào tạo của trường. Tháng 3-2013, Trường ĐH Cheju gửi thư mời sinh viên năm 3 ngành Hàn Quốc học khoa Đông phương học Trường ĐH Văn Hiến tham gia khóa học tập về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội học... trong sáu tháng và được trường đài thọ toàn bộ học phí.
“Khoa phổ biến cho sinh viên, mới đầu các bạn rất hào hứng nhưng sau đó không ai tham gia - ông Lệ cho biết - Lý do là chi phí máy bay đi về gần 1.000 USD, tiền ăn ở khoảng 1.100 USD/bốn tháng, chưa kể tiền ký quỹ khoảng 100 triệu đồng tại ngân hàng trước ba tháng để được cấp visa vào Hàn Quốc nên nhiều bạn không tham gia nổi”.
Theo ông Lệ, cũng có một nguyên nhân khác khiến sinh viên ngại là theo luật Hàn Quốc, học dưới sáu tháng sinh viên không được đi làm, không kiếm tiền được. “Tôi đã phản hồi với trường bạn là nếu cấp học bổng trong một năm thì sinh viên mới tham gia. Họ bảo để tính toán lại” - TS Lệ cho biết thêm. Trước đó, Trường ĐH HoNam và Trường ĐH Kwang Ju (Hàn Quốc) cấp học bổng học phí một năm học tiếng Hàn nên đã có bốn sinh viên Trường ĐH Văn Hiến lên đường du học vào ngày 21-3.
Chạy trường là chuyện nằm trong quy luật
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sáng 8-4.
Tại buổi làm việc, một số đại biểu cho rằng hiện nay đang rộ lên hiện tượng chạy trường cho con, nhất là vào các trường chất lượng cao và đặt câu hỏi hiện tượng này ở TP.HCM có hay không? TP có giải pháp gì để giải quyết hiện tượng này? Ông Nguyễn Hoài Chương cho rằng ở đâu có trường chất lượng cao thì tâm lý người dân đổ xô cho con em theo học là quy luật, TP.HCM cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mặc dù, TP đã có quy định trong tuyển sinh là học sinh ở địa bàn nào thì thi tuyển tại địa bàn đó, nhưng lại dẫn đến tình trạng người dân đối phó như chuyển hộ khẩu đến các quận có trường chất lượng cao. “Cần phải nâng chất lượng giáo dục của các trường lên mới mong chấm dứt được tình trạng này” - ông Chương nói.
* Cùng ngày, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với giáo viên các bộ môn của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa về chương trình phổ thông hiện nay và các kiến nghị về việc thay đổi sách giáo khoa. Các giáo viên là tổ trưởng các tổ bộ môn cũng kiến nghị việc chương trình quá nặng, không hấp dẫn học sinh, sách giáo khoa phân bổ chương trình chưa hợp lý, giảm tải chưa đúng chỗ. Nhiều ý kiến cho rằng việc phân ban cơ bản và nâng cao ở khối THPT không thể hiệu quả với cách làm hiện nay, vì hầu hết học sinh khi đi thi đều chọn đề cơ bản.
Học sinh tập kinh doanh
Ngày hội giáo dục tài chính do Sở GD - ĐT TP.HCM, Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Quỹ Citi phối hợp thực hiện đã diễn ra vào ngày 7.4 tại Trường THPT Marie Curie, thu hút gần 3.300 học sinh và phụ huynh tham gia.
Tại đây, học sinh có dịp thực hành kỹ năng quản lý tài chính bằng cách tự thiết kế, tổ chức kinh doanh hơn 30 gian hàng ẩm thực.
Ngày hội còn có những hoạt động: Đố vui kiến thức tài chính, các gian hàng tư vấn tiết kiệm chi tiêu, hội thảo “Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc”.
Bạn có biết:
Đà Nẵng chưa bỏ được chạy trường chạy lớp
Ba việc cấp thiết phải làm khi đổi mới và cải cách giáo dục
Kenhtuyensinh
Tổng hợp