Tìm hiểu hệ thống giáo dục Hoa Kỳ
Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ mang lại cho sinh viên quốc tế nhiều chọn lựa phong phú. Đối với sinh viên nước ngoài và ngay cả trong nội địa Hoa Kỳ, có vô số các trường học, chương trình học và địa điểm khiến cho sinh viên có thể rối rắm trong việc lựa chọn. Để đơn giản hóa quá trình chọn lựa, sinh viên quốc tế phải nghiên cứu rõ ràng cho biết mỗi chương trình và địa điểm đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu học vấn của mình như thế nào. Muốn quyết định sáng suốt trong việc chọn lựa trường và địa điểm du học, sinh viên cần hiểu xem hệ thống giáo dục Hoa Kỳ được tổ chức như thế nào. Xem các chương trình học nổi bật của chúng tôi.
Hãy tìm hiểu về cấu trúc hệ thống giáo dục.
Đa số người Mỹ học 12 năm cấp “tiểu học”và “trung học”. Với chứng chỉ hay bằng cấp tốt nghiệp trung học, sinh viên có thể vào đại học, vào các trường huấn nghệ (dạy nghề), trường huấn luyện thư ký văn phòng và những trường chuyên nghiệp khác.
Tìm hiểu cấu trúc hệ thống giáo dục công lập và tư thục tại Mỹ
Cấp tiểu học và trung học
Trẻ em Hoa Kỳ bắt đầu vào tiểu học khi được khoảng sáu tuổi. Các em học tiểu học năm hay sáu năm rồi lên trung học. Bậc trung học có hai hình thức khác nhau. Hình thức thứ nhất gồm có hai cấp riêng, mỗi cấp kéo dài ba năm. Hình thức thứ nhì gồm có một cấp ba năm tiếp theo là một cấp bốn năm. Các cấp này được gọi là "middle school" (trung học cấp hai) hoặc "junior high school" (trung học cơ sở) và "senior high school" (trung học phổ thông), thường được gọi tắt là "high school" (trung học). Người Mỹ gọi 12 năm tiểu học và trung học này là "grade" (lớp), từ lớp 1 cho đến lớp 12.
Cấp sau phổ thông
Sau khi tốt nghiệp trung học (lớp 12), sinh viên Hoa Kỳ có thể tiếp tục lên đại học. Học đại học được gọi là học chương trình "higher education" (sau phổ thông). Bạn nên tìm xem trình độ nào tại quốc gia của bạn tương đương với lớp 12 tại Hoa Kỳ. Bạn cũng nên hỏi cố vấn học tập tại trường xem bạn có phải bỏ ra thêm một hay hai năm để chuẩn bị vào đại học Hoa Kỳ hay không. Tại một số quốc gia, hãng sở và cơ quan chính quyền không công nhận bằng cấp giáo dục Hoa Kỳ nếu sinh viên vào thẳng đại học Hoa Kỳ mà chưa theo học đại học tại nước nhà.
Học tại trường đại học để lấy "bachelor's degree" (học vị cử nhân) được gọi là học chương trình " undergraduate" (cử nhân). Học các chương trình đại học khác sau khi đã có bằng cử nhân được gọi là học chương trình "graduate" (hậu đại học), hay "postgraduate" (sau đại học). Các học vị cao cấp hay hậu đại học gồm có luật khoa, y khoa, thạc sĩ quản trị kinh doanh (Master of Business Administration, hay M.B.A.) và học vị Ph.D. (tiến sĩ).
Học đại học Hoa Kỳ tại những trường nào
Đại học công lập tiểu bang
Đại học công lập của tiểu bang do chính quyền tiểu bang hoặc chính quyền địa phương tài trợ và quản trị. Mỗi tiểu bang trong 50 tiểu bang Hoa Kỳ có ít nhất là một trường đại học tiểu bang lớn (state university) và nhiều trường đại học tiểu bang cỡ nhỏ (state college). Một số tên trường đại học của tiểu bang có mang chữ "State" (Tiểu bang).
Đại học tư
Các trường này được tư nhân tài trợ và quản trị, không thuộc hệ thống chính quyền nào. Học phí các trường tư thường cao hơn trường đại học tiểu bang. Thường thì các trường đại học tư Hoa Kỳ nhỏ hơn các trường đại học tiểu bang.
Trường Cao đẳng hai năm
Đại học cao đẳng hai năm nhận sinh viên tốt nghiệp trung học và cấp "associate’s degree" (học vị cao đẳng). Một số trường cao đẳng là trường do tiểu bang tài trợ, là trường công; một số khác là trường tư. Bạn nên tìm hiểu xem bằng cao đẳng có giúp bạn tìm được việc làm ở nước nhà hay không. Tại một số quốc gia, sinh viên phải có bằng cử nhân mới tìm được việc làm tốt. Thường các sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng hai năm, còn gọi là "junior college" (trường cao đẳng đại cương), sẽ chuyển sang các trường đại học bốn năm và tại đây, sinh viên sẽ hoàn tất chương trình cử nhân trong vòng hai năm hoặc lâu hơn.
Cao đẳng Cộng đồng
"Community college" (cao đẳng cộng đồng) là trường đại học công lập hai năm thuộc tiểu bang. Cao đẳng cộng đồng phục vụ cho một cộng đồng địa phương nào đó, thường là một thành phố hay một quận. Nhiều sinh viên theo học tại đây còn sống ở nhà với gia đình hoặc là những sinh viên ban ngày đi làm tối đi học. Thường các trường cao đẳng cộng đồng rộng rãi đón nhận sinh viên quốc tế. Nhiều trường cao đẳng cộng đồng cung cấp những dịch vụ đặc biệt cho sinh viên quốc tế như dạy kèm miễn phí. Nhiều trường có các chương trình ESL hoặc ESL chuyên sâu.
Một số trường có nơi ở và các dịch vụ cố vấn cần thiết cho sinh viên quốc tế. Một lần nữa, bạn phải tìm hiểu xem bằng cao đẳng cộng đồng có đủ cho bạn tìm được việc làm khi trở về quê nhà hay không. Hầu hết nhưng không phải tất cả các chính phủ nào cũng công nhận học vị từ các trường cao đẳng đại cương và cao đẳng cộng đồng.
Trường chuyên nghiệp
Trường chuyên nghiệp huấn luyện sinh viên trong những lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc, kỹ sư, kinh doanh và những ngành chuyên môn khác. Một số trường là một phần của các trường đại học nhưng một số những trường khác là những tổ chức riêng biệt. Một số trường cấp các học vị hậu đại học.
Học viện Kỹ thuật
"Institute of technology" (học viện kỹ thuật) là một trường có các chương trình học ít nhất là bốn năm về khoa học và công nghệ. Một số trường có các chương trình hậu đại học, một số trường khác có những khóa học ngắn hơn.
Trường kỹ thuật
"Technical institute" (trường kỹ thuật) huấn luyện sinh viên những ngành như công nghệ y học hoặc kỹ sư công nghiệp. Mặc dù các khóa học này có thể chuẩn bị cho bạn bước vào ngành nghề bạn mong muốn, học vị này có thể nhưng có khi cũng không thể tương đương với học vị đại học. Nếu bạn muốn chuyển tiếp sang một trường đại học bốn năm, bạn phải lưu ý là một số trường đại học không nhận các tín chỉ từ các trường kỹ thuật. Nếu bạn định chọn học trường kỹ thuật, bạn hãy tìm hiểu xem chính quyền nước nhà và các trường đại học bốn năm tại Hoa Kỳ có công nhận bằng cấp từ trường này hay không.
Trường đại học liên kết với các tổ chức tôn giáo
Nhiều đại học Hoa Kỳ do các tổ chức tôn giáo thành lập. Tuy thế, mối liên hệ giữa trường đại học và tổ chức tôn giáo có thể rất linh động. Đôi khi những trường này chỉ muốn nhận sinh viên là thành viên của tổ chức tôn giáo tài trợ cho trường. Gần như tất cả những trường này đều nhận sinh viên từ mọi thành phần tôn giáo và tín ngưỡng.
Theo truyền thống, nhiều trường đại học liên kết với tổ chức tôn giáo buộc sinh viên phải lấy các khóa học về Thánh kinh và đi lễ. Nhưng những yêu cầu này ngày nay ít phổ biến.
Những năm chương trình cử nhân chương trình học
Sinh viên Hoa Kỳ thường học nhiều môn học khác nhau trong những năm cử nhân. Nhiều sinh viên không chọn một ngành chuyên môn nào cho đến khi vào chương trình hậu đại học.
Hai năm đầu đại học gọi là "freshman", hay năm thứ nhất, và "sophomore", hay năm thứ hai. Sinh viên năm thứ nhất được gọi là "freshmen" và đến năm thứ hai được gọi là "sophomores". Một số trường bắt buộc sinh viên năm thứ nhất và thứ hai phải lấy những môn học về nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn chương, khoa học, khoa học xã hội, nghệ thuật, lịch sử và nhiều môn khác. Sinh viên năm thứ nhất và thứ hai thường được gọi là "underclassmen", hay sinh viên những năm đầu.
Grade và course
Từ "grade" có nhiều nghĩa và nhiều công dụng. Từ "grade" dùng để chỉ một năm học. Người Mỹ gọi năm học đầu tiên trong đời học sinh là "first grade", hay "lớp 1". Chữ "grade" còn có nghĩa là điểm hay thứ hạng, như "grade" B, hay "điểm" B, hoặc bài thi được "grade" tốt, hay "hạng" tốt. Vì thế, người Mỹ có thể nói là "In the ninth grade, my grades were average" (Lúc tôi học lớp chín, điểm của tôi trung bình.)
Từ "course" thường có nghĩa là "subject", hay môn học. Thí dụ như sinh viên có thể lấy một môn học về kế toán trong một khóa học. "Course of study", hay chương trình học, là một chương trình học toàn diện gồm có nhiều môn học. Quản trị Kinh doanh là một chương trình học (course of study) và kế toán là một môn (course) trong những môn học của chương trình học này.
Những năm "junior" và "senior"–là năm thứ ba và thứ tư của chương trình cử nhân–được gọi là "upper classes", hay các lớp cấp trên. Sinh viên những năm học này được gọi là "junior", hay sinh viên năm thứ ba, và "senior", hay sinh viên năm thứ tư - cả hai được gọi chung là "upperclassmen", hay sinh viên những năm cuối. Khi sinh viên bước vào năm thứ ba họ phải chọn một "major", hay ngành học chính, cho chương trình học. Họ phải lấy một số lớp nhất định trong khoa này, hay ngành này. Tại một số trường, sinh viên còn chọn một "minor", hay ngành học phụ. Thường thì sinh viên có thời gian để lấy nhiều khóa "elective", hay tự chọn, trong các môn học khác.
Mỗi sinh viên được chỉ định một "faculty advisor", hay giáo sư cố vấn, là giáo sư dạy những môn học trong ngành học chính của sinh viên. Giáo sư cố vấn giúp cho sinh viên chọn chương trình học.
Sinh viên quốc tế còn được chỉ định một "International Student Advisor", hay Cố vấn sinh viên quốc tế. Người này sẽ giúp cho sinh viên quốc tế quen thuộc với văn hóa và lối sống Hoa Kỳ, lo thủ tục thị thực và những vấn đề về giấy tờ khác cùng với tổ chức các chương trình sinh hoạt cho sinh viên quốc tế.
Học tập trong lớp
Lớp học có nhiều dạng, từ những lớp chuyên bài giảng lớn có hàng trăm sinh viên đến những lớp nhỏ hơn và những lớp "seminar", hay lớp thảo luận, chỉ với vài sinh viên. Sinh viên ghi danh vào các môn bài giảng thường được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ gọi là "section", hay phần. Sinh viên trong mỗi phần họp riêng với nhau để thảo luận về các đề tài bài giảng và những tài liệu khác.
Giáo sư thường chỉ định bài vở giáo khoa và những bài đọc thêm mỗi tuần. Các giáo sư cũng đòi hỏi sinh viên phải viết nhiều bài luận, bài báo cáo mỗi khóa học. Bạn cũng phải luôn đọc đầy đủ các bài vở đã được chỉ định hầu tham gia các cuộc thảo luận trong lớp và hiểu bài giảng của giáo sư. Sinh viên các môn khoa học phải thực tập trong phòng thí nghiệm.
Niên học
Niên học thường bắt đầu từ tháng Tám hay tháng Chín và kéo dài hết tháng Năm hay tháng Sáu. Sinh viên quốc tế nên bắt đầu vào học đại học tại Hoa Kỳ vào mùa thu. Phần lớn sinh viên mới vào đại học nhập học trong khóa này để cùng nhau hội nhập. Thêm vào đó, nhiều khóa học được thiết kế cho sinh viên học theo thứ tự, bắt đầu từ khóa mùa thu và tiếp tục đến hết niên học.
Nhiều trường chia niên học ra làm hai học kỳ, mỗi học kỳ gọi là "semester" (học kỳ sáu tháng). Những trường khác áp dụng hệ thống một năm ba học kỳ, gọi là "trimester" (học kỳ bốn tháng). Những trường khác nữa chia niên học vào hệ thống bốn học kỳ, gọi là "quarter", gồm cả khóa học mùa hè tùy chọn.
Tín chỉ
Mỗi khóa học được ấn định có giá trị một số tín chỉ nào đó, gọi là "credit" (tín chỉ) hay "credit hour" (giờ tín chỉ). Con số này thường bằng khoảng số giờ học tại lớp sinh viên theo học mỗi tuần cho khóa học này. Mỗi khóa học thường có từ ba đến năm tín chỉ.
Chương trình học toàn thời gian cho mỗi học kỳ tại phần lớn các trường cho phép sinh viên lấy từ 12 đến 15 tín chỉ (tương đương với bốn hoặc năm khóa học mỗi học kỳ). Sinh viên quốc tế phải ghi danh toàn chương trình học toàn thời gian mỗi học kỳ.
Chuyển tiếp
Nếu sinh viên ghi danh vào một trường đại học khác trước khi hoàn tất chương trình cử nhân tại một trường nào đó, thường thì phần lớn các tín chỉ đạt được tại trường đại học đầu tiên có thể được tính vào điều kiện tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân tại trường thứ nhì. Điều này có nghĩa là sinh viên có thể chuyển sang trường đại học khác và vẫn tốt nghiệp trong một thời gian hợp lý.
Điểm
Giáo sư cho sinh viên điểm, gọi là grade, cho mỗi khóa học. Điểm này căn cứ vào:
Tham gia sinh hoạt trong lớp - Thảo luận, đặt câu hỏi, đàm thoại. Sinh viên phải tham gia các buổi thảo luận trong lớp, nhất là các lớp hội thảo, gọi là seminar. Điều này thường là một yếu tố rất quan trọng trong việc cho điểm sinh viên.
Một bài thi giữa học kỳ - Thường được cho trong giờ học.
Một hoặc nhiều dự án nghiên cứu hay bài luận văn, hay báo cáo thí nghiệm.
Có thể có nhiều bài kiểm tra nhỏ, gọi là quiz - Đôi khi giáo sư cho bài kiểm tra không báo trước, gọi là pop quiz. Loại bài kiểm tra này không tính nhiều vào điểm cuối khóa nhưng giáo sư dùng chúng để thúc đẩy sinh viên phải đến lớp thường xuyên và học tập đều đặn.
Bài thi cuối khóa - Được cho sau khi sinh viên học xong lớp học sau cùng.
Lớp trình độ cao
Một số trường đại học Hoa Kỳ cấp tín chỉ cho sinh viên cho những môn học hoàn tất ở cấp trung học. Một số trường cũng cho phép sinh viên vào ngay cấp cao khi những sinh viên này trong một số môn học có khả năng và trình độ ở mức đại học.
Điều này có nghĩa là một sinh viên nào đó mới vào đại học, tuy thuộc sinh viên năm thứ nhất nhưng có thể lấy các môn học thường dành riêng cho sinh viên năm thứ hai.
Trường có thể sẽ yêu cầu sinh viên lấy một bài thi kiểm tra trình độ để xem sinh viên có đủ khả năng lấy các lớp năm thứ hai hay không, hoặc trường có thể cho sinh viên lên cấp cao nếu sinh viên này đạt được điểm thật cao trong bài thi tuyển vào đại học. Những sinh viên đạt điểm A tại nước nhà thường được cho ghi danh vào các lớp cấp cao.
Chương trình hậu đại học
Hiện nay, muốn tìm được việc làm chuyên nghiệp, sinh viên tốt nghiệp đại học có bằng cử nhân có thể phải nghĩ đến việc học tiếp chương trình hậu đại học.
Sinh viên quốc tế từ một số quốc gia chỉ được phép đi du học ở trình độ hậu đại học. Vì điều kiện của mỗi quốc gia mỗi khác, bạn phải hỏi cặn kẽ những điều kiện công nhận bằng cấp bạn cần có để xin việc tại quốc gia của mình trước khi nộp đơn xin nhập học một chương trình hậu đại học tại Hoa Kỳ.
Bằng thạc sĩ
Nhiều sinh viên quốc tế hội đủ điều kiện được nhận vào những công việc họ muốn sau khi họ lấy được bằng thạc sĩ. Học vị này thường phải có cho các ngành khoa học thư viện, kỹ thuật hoặc hoạt động xã hội. Học vị MBA., hay Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, là một học vị vô cùng phổ biến, thường mất khoảng hai năm học. Một số chương trình Thạc sĩ khác như ngành báo chí chỉ mất một năm.
Trong chương trình thạc sĩ chuyên về học tập, sinh viên học những ngành như lịch sử và triết học. Những học vị này được xem là bậc thang để vào chương trình tiến sĩ (Ph.D.).
Phần lớn thời gian của chương trình thạc sĩ là học trong lớp học. Sinh viên muốn lấy bằng thạc sĩ thường sẽ phải thực hiện một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, gọi là "master's thesis.”
Tiến sĩ (Ph.D.)
Nhiều trường hậu đại học xem việc lấy bằng thạc sĩ là bước đầu tiên đi đến học vị Ph.D. (hay tiến sĩ). Nhưng ở một số trường khác, sinh viên có thể chuẩn bị vào thẳng chương trình tiến sĩ mà không cần lấy bằng thạc sĩ. Lấy bằng Ph.D. có thể mất từ ba năm trở lên. Đối với sinh viên quốc tế, chương trình này có thể kéo dài năm sáu năm.
Trong hai năm đầu, đa số các sinh viên tiến sĩ theo học những lớp hội thảo và những môn học trong lớp. Sang đến năm thứ ba, sinh viên sẽ bắt đầu tự thực hiện dự án nghiên cứu và viết luận văn. Bài luận văn phải bao gồm thiết kế, quan điểm hoặc nghiên cứu nguyên thủy chưa từng được công bố.
Bài luận văn tiến sĩ là một bài thảo luận và tóm lược một nghiên cứu uyên bác về một đề tài chuyên biệt. Phần lớn các đại học Hoa Kỳ ban học vị tiến sĩ cũng đòi hỏi ứng viên tiến sĩ phải có kỹ năng đọc hai sinh ngữ, phải theo học tại trường (in residence) một khoản thời gian nhất định nào đó, đến lớp thường xuyên, đậu kỳ thi tuyển ứng viên tiến sĩ và đậu kỳ thi vấn đáp về đề tài của bài luận văn.
Theo Studyusa