Bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ tiếng Anh hay bài luận, cam kết tài chính... là những thành phần quan trọng cho bộ hồ sơ du học Mỹ.
1. Hồ sơ du học Mỹ thế nào là đầy đủ?
Theo cuốn "Vì sao đi du học ở Mỹ", tóm tắt từ bộ sách tương tự do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành, tùy theo trường đại học, ứng viên cần chuẩn bị bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ năng lực tiếng Anh (TOEFL, IELTS, PTE...), bài luận, hoạt động ngoại khóa, tuyển tập mẫu - portfolio và các biểu mẫu tài chính.
1.1 Bảng điểm
Bảng điểm gồm thông tin về các môn học ở bậc trung học phổ thông, cao đẳng hoặc đại học, thời gian bạn đã học những môn đó và điểm từng môn. Tại Triển lãm du học Mỹ 2022 ở Hà Nội hôm 4/10, ông David J. Wivell, đại diện tuyển sinh của Học viện Công nghệ Rochester, bang New York, cho rằng bảng điểm giúp hội đồng tuyển sinh thấy được năng lực học tập và thế mạnh của ứng viên.
Ông cho biết trường sẽ xem các em đến từ trường nào và xét điểm số của học sinh ở các môn học. Với những em học chương trình AP (Advanced Placement) hay chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate - IB), trường sẽ cân nhắc giữa một em có điểm cao nhưng ở các môn dễ với em đạt điểm khá ở các môn khó hơn để lựa chọn cấp học bổng.
1.2 Thư giới thiệu
Cùng với bảng điểm, ứng viên thường được yêu cầu nộp ít nhất hai thư giới thiệu. Những người viết thư giới thiệu phải có khả năng viết về công việc của bạn và đánh giá tiềm năng bạn sẽ học tập tốt ở trường đại học. Ông David nói bức thư mà người viết làm nổi bật được điểm mạnh của học sinh ở trường trung học sẽ gây ấn tượng.
1.3 Các bài thi chuẩn hóa
Đến từ quốc gia không nói tiếng Anh, du học sinh luôn được yêu cầu chứng minh năng lực tiếng Anh đủ để học tập ở Mỹ. Tại triển lãm du học Mỹ, Học viện Công nghệ Rochester cho biết yêu cầu IELTS tối thiểu 6.5, TOEFL 550 hoặc TOEFL iBT 79; Đại học Drexel yêu cầu IELTS 7.5... Ngoài IELTS và TOEFL, Đại học Nebraska Lincoln còn chấp nhận điểm bài thi Duolingo (100).
Một số trường có thể yêu cầu điểm SAT (Scholastic Assessment Test - bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic) hoặc ACT (American College Testing - kỳ thi được chuẩn hóa của Mỹ). Mục đích của bài thi SAT và ACT là đánh giá mức độ sẵn sàng bước vào đại học của một học sinh trung học phổ thông. Điểm bài thi sẽ được xem xét cùng với các tài liệu khác mà ứng viên nộp cho trường.
Với bậc sau đại học, bài thi GRE (The Graduate Record Examination) được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trừ Y, Dược, Luật. Bài thi GMAT (Graduate Management Admission Test) được đặc biệt thiết kế cho việc tuyển sinh vào các chương trình sau đại học trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị.
Không phải tất cả trường hay chương trình nào ở Mỹ cũng yêu cầu phải có điểm các bài thi chuẩn hóa này. Ứng viên cần theo dõi thông tin trên website chính thức của trường.
Bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ tiếng Anh hay bài luận, cam kết tài chính... là những thành phần quan trọng cho bộ hồ sơ du học Mỹ
1.4 Bài luận
Hồ sơ xin học với chỉ toàn điểm và các con số không giúp trường hiểu được nhiều về con người ứng viên. Vì thế, các đại học muốn tìm hiểu sinh viên tương lai qua bài luận đại học hoặc sau đại học. Qua bài luận cá nhân, các cán bộ tuyển sinh sẽ đánh giá được kỹ năng viết, khả năng học thuật, kỹ năng tổ chức, lý do nộp đơn vào trường và lý do chọn ngành học của thí sinh. Nhiều trường đại học thiết kế câu hỏi cho bài luận cá nhân để đánh giá liệu thí sinh có một số phẩm chất nhất định mà trường tìm kiếm hay không.
Với chương trình sau đại học, bài luận cá nhân giúp hội đồng tuyển sinh đánh giá mức độ phù hợp giữa thí sinh với khoa hay trường. Ứng viên được khuyên viết một bài luận mạch lạc, súc tích và có tính thuyết phục, thể hiện rõ quan điểm và nguyện vọng của bạn.
1.5 Hoạt động ngoại khóa
Ngoài học thuật, các trường còn muốn hiểu về ứng viên qua các hoạt động ngoại khóa. Hầu như mọi thứ bạn làm bên ngoài lớp học đều có thể tính là hoạt động ngoại khóa. Ông Joshua H. Jaquins, Đại diện tuyển sinh Đại học Drexel, ở Philadelphia, bang Pennsylvania, cho biết các trường đại học không chú trọng hoạt động nào cụ thể mà cần biết bạn đã đảm nhiệm việc gì và có thành tích gì trong các hoạt động bạn tham gia.
Riêng với những ứng viên nộp hồ sơ vào các trường nghệ thuật, tuyển tập mẫu - portfolio là thành phần không thể thiếu. Portfolio là một tuyển tập mẫu thể hiện tài năng sáng tạo và loại hình sáng tạo mà bạn quan tâm. Tuyển tập mẫu có thể bao gồm tranh vẽ, ảnh chụp, sáng tác nhạc, thiết kế thời trang, bản vẽ kiến trúc...
1.6 Xác nhận tài chính
Bên cạnh đó, hầu hết hồ sơ tuyển sinh của các đại học đều kèm một biểu mẫu gọi là "Bản khai và xác nhận tài chính" hoặc "Bản cam kết tài trợ". Bố mẹ hoặc người bảo trợ của bạn phải ký vào giấy tờ này, sau đó lấy xác thực của ngân hàng hoặc luật sư. Nếu bạn định nộp đơn xin hỗ trợ tài chính, bạn phải điền và nộp một vài biểu mẫu mà trường sử dụng để xác định nhu cầu về tài chính của bạn, ví dụ biểu mẫu CSS Profile, ISFAA hay FAFSA.
Khi muốn nộp hồ sơ vào nhiều trường, ứng viên có thể sử dụng The Common Application - hệ thống nộp đơn chung gồm hơn 900 đại học thành viên khắp nước Mỹ. Các trường này đảm bảo đơn nộp qua hệ thống chung cũng được xem xét tương đương như đơn dùng biểu mẫu riêng của trường.
Thay vì phải khai cùng một thông tin như địa chỉ, điểm trung bình, các hoạt động ngoại khóa cả chục lần, bạn chỉ cần khai một lần. Bảng theo dõi của hệ thống nộp đơn chung cũng giúp bạn không bỏ sót các tài liệu cần nộp (như thư giới thiệu) và các hạn chót quan trọng.
2. Mới nhất về du học Mỹ: Không cần SAT nhưng ưu tiên để xét học bổng
Các bài thi chuẩn hóa từng bắt buộc nộp khi ứng tuyển như SAT hiện không còn được nhiều trường CĐ, ĐH yêu cầu, nhưng vẫn là yếu tố cạnh tranh để giành những suất học bổng.
2.1 Kết quả THPT đã đủ đánh giá
Tại triển lãm Giáo dục ĐH Hoa Kỳ ngày 6.10 tại TP.HCM, bà Võ Tuyền (đại diện ĐH Full Sail, Florida) khẳng định các bài thi chuẩn hóa như SAT (bài thi năng lực học tập), ACT (bài thi xét tuyển đầu vào ĐH Mỹ) không còn là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ ứng tuyển và hiện nhiều trường cũng có chung quan điểm. “Tuy nhiên, đây lại là nhân tố quan trọng để du học sinh cạnh tranh học bổng”, bà Võ Tuyền cho hay.
Giải thích lý do SAT bị mất vị thế, tiến sĩ Nate Myers (đại diện Trường ĐH Youngstown, Ohio) nhìn nhận đây không còn là thước đo chuẩn để đánh giá năng lực, mà chỉ thể hiện kiến thức của học sinh là chính. “Điểm cao không đồng nghĩa sẽ phù hợp với trường. Vì vậy, chúng tôi chỉ yêu cầu các chứng chỉ tiếng Anh đủ để giao tiếp và đào tạo”, ông Myers chia sẻ, đồng thời cho biết thêm SAT là một trong những yêu cầu để xin học bổng.
Tiến sĩ Nate Myers, đại diện Trường ĐH Bang Youngstown (Ohio, Mỹ), tư vấn cho học sinh tại triển lãm Giáo dục ĐH Hoa Kỳ ở TP.HCM
Cơ hội làm bài thi chuẩn hóa còn hạn chế đối với du học sinh trong thời điểm dịch Covid-19 cũng đóng vai trò chủ chốt trong quyết định của các trường, theo tiến sĩ Yu-wan Wang (đại diện Trường ĐH Stony Brook, New York). “Chúng tôi tin rằng kết quả học tập THPT và chứng chỉ ngoại ngữ đã đủ đánh giá năng lực học sinh và không muốn giới hạn cơ hội học tập bởi SAT”, bà Wang chia sẻ.
Bên cạnh ĐH, các trường CĐ cũng không nằm ngoài xu hướng. Bà Colleen Gray, đại diện Trường CĐ Hạt Lake (Illinois), chia sẻ: “Vì chúng tôi theo chương trình giáo dục khai phóng, thế nên việc dùng điểm SAT để xét tuyển hoàn toàn không thể hiện được sự sáng tạo cũng như tư duy của du học sinh”.
2.2 Học sinh còn ôn thi SAT “không mục đích”
Tuy nhiều trường CĐ, ĐH ở Mỹ thông báo không còn sử dụng SAT nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là bài thi học sinh luôn ưu tiên chinh phục dù chưa có định hướng rõ ràng. Chẳng hạn, Nguyễn Xuân Khôi (học sinh lớp 11, Trường Phổ thông năng khiếu-ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay đã đạt SAT 1420 điểm và muốn tiếp tục thi lại để vươn tới số điểm hơn 1500, trong khi chỉ có kế hoạch học ngành khoa học máy tính và “chưa nghĩ đến trường nào cụ thể”.
Để tạo ấn tượng cho hồ sơ ứng tuyển, Khôi chia sẻ bên cạnh việc tham gia các câu lạc bộ, dự án thiện nguyện, học sinh này cũng muốn tìm những cơ hội liên quan đến ngành. “Vì không có thế mạnh tin học nên em dự định ôn luyện và thi học sinh giỏi vào năm sau, cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa về khoa học máy tính”, nam sinh nói.
Đạt điểm SAT 1470 và đặt mục tiêu IELTS 8.0, Vân Thiên (lớp 11KC3, Trường Phổ thông năng khiếu-ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng chưa tìm được trường ĐH phù hợp ở Mỹ vì đang phân vân giữa ngành tài chính và kinh doanh, cũng như các yếu tố như chính sách, học phí. “Em quan tâm nhất đến chương trình giảng dạy và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của các trường ĐH”, Thiên khẳng định.
Tân Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns phát biểu khai mạc triển lãm Giáo dục Hoa Kỳ ở TP.HCM
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ứng viên chưa đăng ký vào bất kỳ trường nào cụ thể nên chỉ tập trung ôn luyện IELTS vì chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vốn là yêu cầu đầu vào của hầu hết các trường tại Mỹ. Vũ Hoàng Minh Quân (tân sinh viên ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Văn Lang) cho biết đang “bắt đầu từ con số 0” vì mới lên kế hoạch du học từ lớp 12 và luyện thi IELTS được hơn 2 tháng, với mục tiêu đạt 5.5.
“Tôi dự định năm sau theo học tại trường CĐ ở Mỹ có chuyên ngành quản trị nhà hàng để dễ cân bằng với việc làm thêm, sau đó tìm cơ hội nghề nghiệp trong các nhà hàng tại Mỹ”, nam sinh viên chia sẻ.
> Yếu tố tác động đến sự lựa chọn du học sinh của trường đại học tại Mỹ
> Thử thách đầu đời khi du học cấp 3 tại Mỹ
Theo kênh Tuyển Sinh tổng hợp