Đề xuất tăng thời gian đào tạo ngành sư phạm
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM - người đưa ra đề xuất tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm đã có trao đổi với VietNamNet. Ông nói, việc tăng thời gian đào tạo để đảm bảo chất lượng sao lại phản đối?
Ông Nguyễn Kim Hồng cho biết, thời gian đào tạo ngành sư phạm lên 5 năm hoặc hơn, bởi lẽ tại các Khoa và Trường đào tạo giáo viên, thời gian dành cho việc học nghề chưa đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp…
Một trong những nguyên nhân chính là do, trong chương trình đào tạo giáo viên, số tín chỉ dành cho thực tập sư phạm không đủ để sinh viên làm tốt nghề nghiệp. Nhà trường đã tính tới giải pháp giảm bớt thời lượng các môn học khác, nhằm tăng thời lượng thực tập sư phạm nhưng không thể làm được trong điều kiện hiện nay.
Hơn nữa, ở các nước phát triển, người học học xong một ĐH rồi mới theo học trong các trung tâm đào tạo giáo viên trong khoảng 1 đến 2 năm. Như thời gian đào tạo ĐH ở châu Âu là 3 năm với khoảng trên 180 tín chỉ. Ở một số nước là 4 năm…
- Thưa ông, chắc hẳn ông đã đọc các ý kiến sau khi đề xuất của ông được đăng tải. Trong những ý kiến đó ông tâm đắc đề xuất nào?
Nếu căn cứ vào các comment trên báo về những vấn đề giáo dục thì việc tìm ra các thách thức của ngành sư phạm không phải khó.
Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải trong trường ĐH ư phạm là kinh phí. Từ chuyện lương thấp, người giỏi không muốn vào sư phạm, người giỏi không muốn ở lại trường làm giảng viên; làm giảng viên rồi không muốn đi học để nâng cao trình độ nên đội ngũ “mỏng”, thiếu cán bộ có trình độ tiến sĩ.
Ngoài ra là chuyện thiếu kinh phí không thể trang bị phòng học, phòng thí nghiệm tiên tiến, hệ quả là chất lượng đào tạo không cao…
Về phía đầu vào, chúng tôi mỗi ngày phải đối đầu với một sự thật là càng ngày càng ít học sinh phổ thông giỏi chọn nghề giáo. Nếu không có một đột phá trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhà giáo thì khó có thể thu hút người giỏi vào các trường sư phạm. Do vậy, thách thức lớn nhất với trường chúng tôi hiện nay là chất lượng đội ngũ giáo viên.
- Tuy nhiên, đề xuất về việc tăng thời gian đào tạo ngành Sư phạm đang vấp phải nhiều ý phản đối của độc giả, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Có thể thấy, hiện nay thu nhập của giáo viên là một trong những yếu tố thu hút người tài vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, giải bài toán kinh phí không hề dễ.
Theo thống kê, năm 2011 cả nước có trên 1 triệu giáo viên gồm mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT. Nếu thêm 100.000 đồng cho một giáo viên/tháng, tổng số tiền nhà nước cần chi thêm cho thu nhập của giáo viên là 1.200 tỉ - đủ để xây dựng mới khoảng 10 trường trung học có quy mô cả nghìn học trò…Cho nên việc tăng lương là bài toán không đơn giản mà nhà nước phải làm trong những năm tới.
Việc tăng thời gian đào tạo cũng được chúng tôi giải thích rất rõ do thời gian thực tập của sinh viên trong các trường phải được trả thù lao. Vẫn là chuyện cơ chế, trường phổ thông nơi sinh viên thực tập phải trả kinh phí cho sinh viên...
Tăng thời gian đào tạo để đảm bảo chất lượng sao lại phản đối? Nếu bạn là cha mẹ học sinh, bạn có mong chúng được học những ông thầy giỏi không? Tăng thời lượng nhằm đào tạo ra những người giỏi nghề lại là điều không nên làm sao?!
Có tính toán đến thời gian làm việc
- Nhiều ý kiến cho rằng, tăng thời gian đào tạo chưa chắc đã cải thiện được chất lượng đội ngũ sư phạm hơn nữa còn mất đi cơ hội việc làm cho người học và kéo theo nhiều vấn đề khác. Khi đưa ra đề xuất ông có nghĩ tới vấn đề này?
Khi đưa ra đề xuất này tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Đó là kết quả của nhiều năm giảng dạy, đúc rút kinh nghiệm học được trong các chuyến thăm quan. Vấn đề là thời gian để các cấp thẩm quyền ra quyết định hơn là chuyện sinh viên học ngành sư phạm sẽ học 5 năm.
Trung bình một giáo viên sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm sẽ hành nghề trong các cơ sở giáo dục là 32-33 năm đối với nữ giới, 37-38 năm đối với nam giới trong luật Lao động hiện nay. Nếu thời gian làm việc của nữ giới như nam giới thì thời gian lao động của người làm trong lĩnh vực giáo dục khoảng 37-38 năm. Tăng một năm học tập thì giảm đi còn 36-37 năm (giảm 3,8% thời gian lao động) là một con số ấn tượng. Nhưng nếu giảm gần 4% thời gian lao động mà chất lượng giáo dục tăng thì cũng đáng lắm chứ (?)
Tất nhiên, đây chỉ là một đề xuất, nó có thể được chấp nhận, có thể không! Là một nhà giáo, tôi không có quyền nói dối mình. Tôi có quyền đưa tay xin phát biểu. Rủi ro nếu có ở đây là tôi sẽ không đáng tin nếu tôi phát biểu thiếu cơ sở.
- Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã chuẩn bị để thực hiện đề xuất này như thế nào nếu được chấp thuận?
Như trong phiên trả lời đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã nói đến việc cần có những quy định thực tập dành cho sinh viên khi họ đến các trường phổ thông. Phải có cơ chế rõ ràng, nhà trường sư phạm phải làm gì? Nhà trường phổ thông phải làm gì? Giáo viên hướng dẫn ở phổ thông có quyền và nghĩa vụ gì? Sinh viên phải làm những gì và quyền lợi của họ ra sao?...
Rất nhiều việc phải làm và trường chúng tôi cũng đang có những chuẩn bị cho hướng đi đó!
- Xin cảm ơn ông!
Bạn cần biết:
Không nên kéo dài thời gian học tập để tận dụng cơ hội việc làm
Kéo dài thời gian làm việc của Tiến sĩ & Quy định luật giáo dục đại học
Tin bài gốc: Vietnamnet
Kenhtyuensinh
Theo: Vietnamnet