4 năm đèn sách, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều bạn trẻ mong muốn có một công việc ổn định với mức thu nhập đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cá nhân. Thế nhưng những câu chuyện về chặng đường gian nan tìm việc mà chúng tôi ghi lại dưới đây cho thấy nhiều nỗi băn khoăn.

 

Sinh viên tốt nghiệp chật vật tìm việc làm

 

Sinh viên tốt nghiệp chật vật tìm việc làm

Những tấm bằng “thiu”

Tốt nghiệp khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào tháng 6-2011 với tấm bằng khá và một bảng điểm “đẹp”, Nguyễn Thị Thúy (Duy Tiên-Hà Nam) tự tin với việc tìm một công việc. Thế nhưng, hai năm trôi qua, dù gõ cửa nhiều nơi nhưng Thúy vẫn không thể kiếm cho mình một công việc ổn định. Cuối năm 2012, Thúy cùng em trai quyết định mở một quán bán hàng ăn sáng tại một ngõ nhỏ trên đường Cầu Giấy-Hà Nội để mưu sinh.

Câu chuyện khác của bạn Phạm Thị Lam (Đông Hưng-Thái Bình) cũng cho thấy phận hẩm hiu của tấm bằng đại học. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội từ 2010, nhưng suốt 2 năm nay Lam vẫn không xin được việc. Dù gia đình thuộc hàng có điều kiện ở quê và liên tục thuyết phục Lam về quê làm việc nhưng cô không chịu, quyết tâm bám trụ lại ở Hà Nội lập nghiệp. Thế nhưng một công việc yêu thích đủ nuôi sống bản thân vẫn là ước mơ xa xỉ với Lam.

Cô đành tạm gác tấm bằng cử nhân và mở một quán bán cà phê kiêm đồ ăn sáng trong con ngõ nhỏ trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng việc kinh doanh không hề dễ dàng, thua lỗ, vừa rồi cô đã quyết định sang nhượng lại cửa hàng và tiếp tục tìm vận may cho mình bằng cách đi... lấy chồng.

Nguyễn L., tốt nghiệp Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 6-2010. Sau khi ra trường, không xin được việc, L. tiếp tục đi bán hàng đa cấp giống như hồi sinh viên. Theo lời L. kể, việc bán hàng đa cấp cũng giúp L. có khoản thu nhập kha khá. Song việc phải đi lại hết tỉnh này đến tỉnh khác để mở rộng mạng lưới bán hàng khiến L. mệt mỏi, cô quyết định dừng bước và lấy chồng.

Chưa xin được việc, L. đi học tiếp cao học. Trong thời gian đó, cô cũng sinh em bé. Vừa qua, cô đã bảo vệ xong luận văn thạc sĩ. Nhưng cô băn khoăn, tấm bằng thạc sĩ liệu có đủ cho cô một công việc đúng với chuyên ngành đã học? Những kiến thức cô học suốt 4 năm đại học và 2 năm cao học có cơ hội áp dụng được trong thực tiễn?

Có tiền cũng không "mua" được việc

Trong muôn nẻo đường tìm việc, con đường vào cơ quan Nhà nước, DN Nhà nước được nhiều “ứng cử viên” lựa chọn. Thế nhưng đó lại là cuộc đua đầy khắc nghiệt không chỉ về kiến thức. Con đường ấy cũng có lắm chông gai và đầy cạm bẫy. Nhưng sức hấp dẫn của việc trở thành “người Nhà nước” khiến những người xin việc chạy vạy bằng mọi giá để vào, nhưng quả thực không dễ, thậm chí “trái đắng” luôn chực chờ các cử nhân thiếu tỉnh táo.

Vừa qua, dư luận xôn xao, nóng bỏng trước thông tin "chạy" công chức ở Hà Nội mất 100 triệu đồng. Sau một thời gian thanh tra, Hà Nội đã họp báo công bố rằng “không có chuyện chạy công chức 100 triệu đồng”. Dư luận hoài nghi với kết quả thanh tra này.

Thế nhưng “bằng chứng đâu?” là một điều không dễ trả lời. Bởi lẽ việc chạy công chức giống như một sự “thuận mua vừa bán”. Người mất tiền thì có việc, người giúp chạy việc thì được khoản lót tay. Nhưng việc "chạy" vào cơ quan Nhà nước cũng có biết bao câu chuyện giật mình khi "đầu xuôi" mà đuôi không lọt.

Trương Văn T. tốt nghiệp ngành Môi trường của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2010. Là người có năng lực nhưng cho đến giờ cậu vẫn không thể có được một công việc ưng ý. Đồng lương 3 triệu đồng ở một DN tư nhân không thể giúp cậu trang trải cuộc sống chốn thị thành.

Thông qua mối quan hệ quen biết, cậu làm quen với một người tự nhận là đại tá trong một đơn vị quân đội. Người này hứa hẹn sẽ giúp cậu vào làm việc ở một đơn vị quân đội với mức giá là 270 triệu đồng. Cậu và gia đình quyết định bỏ tiền "mua" việc ấy! Dù tiền nong đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng sau 2 tháng trời gửi hồ sơ cho người môi giới, việc xin việc của cậu vẫn dậm chân tại chỗ.

Một hôm, người môi giới đề nghị cậu ứng trước một nửa tiền đặt cọc và hứa hẹn một tuần sau sẽ được gọi đi phỏng vấn. Linh tính mách bảo có điều bất thường, T. nhờ người tìm hiểu về người môi giới thì phát hiện ra sự thực sững sờ. Người môi giới thực chất là kẻ vô công rồi nghề, chuyên đi khắp nơi để lừa đảo. Lúc này, T. chợt thở phào khi chưa giao tiền cho kẻ môi giới.

Quyết định "đầu tư" tiền của để "mua" việc, anh Phạm Vân Sơn (sinh năm 1986, quê ở Hà Nam) cũng phải chịu ấm ức. Sau khi học xong Cao đẳng mỏ Quảng Ninh, anh vừa làm công nhân mỏ vừa học liên thông lên Đại học Công nghiệp Quảng Ninh với mong ước được "làm việc trên mặt đất".

Năm ngoái, anh ra trường. Qua giới thiệu, người xin việc ra giá 10 nghìn USD để chạy vào một tập đoàn của Nhà nước. Để làm tin, anh phải đặt cọc trước một nửa và được hứa hẹn hai tháng sau sẽ có việc. Thế nhưng thời gian cứ thế trôi, công việc của anh vẫn không có tiến triển. Cuối cùng người xin việc bảo “do bằng liên thông nên tập đoàn đó không nhận”. "Hơn 2 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa lấy lại được số tiền đặt cọc cho vụ “mua việc” này. Chỉ biết việc thì chưa có trong khi mua thêm gánh nặng vào người với nỗi lo không biết bao giờ mới lấy lại được số tiền đặt cọc kia" - anh Sơn bức xúc.

Những câu chuyện trên đây chỉ là một vài điểm nhấn trong đoạn trường xin việc của các bạn trẻ hiện nay. Nó phần nào cho thấy để kiếm một công việc thu nhập ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN phá sản, thị trường lao động dư dả như hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có đang lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo khi "đất dụng võ" cho những cử nhân kia còn hạn hẹp?

 

Bạn có biết:

Sinh viên thất nghiệp hàng loạt do giáo dục định hướng lệch

Nỗi sợ thất nghiệp lan đến sinh viên sư phạm

Nan giải tình trạng cử nhân thất nghiệp tại Thanh Hoá và Lâm Đồng

 

 

Tin bài gốc: báo Hải Quan

kenhtuyensinh

Theo: báo Hải Quan