Cơ hội lớn

Tốt nghiệp đại học năm 2008, Nguyễn Mai Phương quyết định tham gia vào chương trình Quản trị viên tập sự được Unilever Việt Nam tổ chức. Trải qua 14 tháng thử thách tại nhiều bộ phận khác nhau, cuối cùng cô được tập đoàn này chọn vào phòng Marketing và Phát triển Thương hiệu.

Chỉ 9 tháng sau đó, Phương được đề bạt làm Giám đốc Thương hiệu khi chỉ mới bước sang tuổi 24. Cô phụ trách các nhãn hàng tiêu dùng lớn như Lux, Dove và Hazeline. Chuyện của Phương cũng là trường hợp tiêu biểu cho chiến lược nhân sự của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tương tự như Unilever, hãng vận tải hàng hải quốc tế Maersk dùng chương trình đào tạo toàn cầu MISE của họ để tuyển chọn 5 ứng viên sáng giá nhất tham gia khóa đào tạo quản lý cấp cao từ hàng trăm sinh viên dự tuyển. Những người trúng tuyển được đưa sang Đan Mạch đào tạo và trang bị các kiến thức về luật, kinh tế, vận tải, tài chính, các kiến thức chuyên ngành trong tập đoàn, đồng thời được luân chuyển qua nhiều vị trí để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho công việc quản lý lâu dài. Tân Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Bích ở Maersk Việt Nam là một trường hợp như thế.

Năm 2002, bà Bích bắt đầu sự nghiệp tại Maersk khi được chọn vào chương trình đào tạo MISE. Khi hoàn thành chương trình này vào năm 2004, bà được cử đi làm việc tại Singapore trong bộ phận quản lý tuyến Thái Bình Dương và Nam Mỹ. Sau đó, bà trở về Việt Nam tham gia vào bộ phận kinh doanh trước khi đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Hoạch định Thương mại rồi trở thành Giám đốc Thương mại và Tiếp thị, một bộ phận then chốt ở Maersk.

Cuối tháng 4 vừa qua, Maersk đã chính thức công bố bà là Tổng Giám đốc Maersk tại thị trường Việt Nam - Campuchia.

Hiện tại, có không ít lãnh đạo phòng ban, các giám đốc, quản lý rất trẻ của PepsiCo, Unilever hay Maersk đang làm việc trong và ngoài nước đều được tuyển chọn ngay từ lực lượng mới tốt nghiệp đại học.

Unilever nổi tiếng với chương trình Quản trị viên tập sự (nay đã được đổi tên thành Nhà lãnh đạo Unilever tương lai) dành cho sinh viên trên toàn quốc, đặc biệt là các trường Ngoại thương, Kinh tế và Bách khoa. Mỗi năm, tập đoàn này chỉ chọn khoảng 20-25 sinh viên xuất sắc từ hơn 1.000 người dự tuyển để huấn luyện.

Người tài luôn là đích nhắm của các tập đoàn lớn

Không chỉ thu hút sinh viên giỏi thông qua những chương trình đào tạo quản trị viên, họ còn chủ động đến các trường đại học để tìm kiếm người tài khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Tập đoàn Unilever chủ động hỗ trợ học bổng cho sinh viên giỏi ở một số khoa của các trường Kinh tế, Ngoại thương, Bách khoa tại Hà Nội và TP. HCM. Ngoài ra, họ cũng cấp học bổng cho các bạn trẻ vào đến vòng chung kết cuộc thi Sinh viên - Nhà doanh nghiệp tương lai (Dynamic) và cũng không quên kèm theo lời mời chào tuyển dụng hấp dẫn.

Một điều dễ nhận thấy là hầu như tất cả các công ty có những chiến lược thu phục chất xám sinh viên một cách bài bản, quy mô, có đầu tư lâu dài từ các trường đại học đều là doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh, tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp trong nước luôn than vãn thiếu nhân lực quản lý và sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền chỉ để đem được một nhà quản trị giỏi từ nơi khác về.

Trên thực tế, chính sách phát triển nhân sự quản trị của khối các doanh nghiệp nước ngoài đang mang lại cho họ nhiều lợi ích. Đầu tiên, chiến lược này cho phép doanh nghiệp nắm thế chủ động trong việc hoạch định lực lượng kế cận. Kế đến, các nhà quản trị được đào tạo từ ban đầu với doanh nghiệp sẽ hòa nhập và thích ứng nhanh hơn với vai trò mới khi được giao phó. Ngoài ra, việc đề bạt quản trị viên từ trong nội bộ lên cấp quản lý cao hơn bao giờ cũng tốn ít chi phí hơn là săn lùng ứng viên từ bên ngoài.

“Một số doanh nghiệp vừa vui mừng với Tổng Giám đốc mới, cán bộ quản lý cao cấp mới nhưng sau đó vài tháng sự ngậm ngùi thể hiện rõ ở những thông báo chia tay... Trong khi đó chúng ta giật mình biết rằng hơn một nửa sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu, đã bày tỏ quan điểm tại một diễn đàn doanh nghiệp. Cũng theo ông, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm mọi cách để săn người giỏi nhưng lại bỏ lỡ nguồn tài nguyên nhân lực dồi dào từ các trường đại học.

Trong bối cảnh đó, đã lóe lên những tia hy vọng từ khối doanh nghiệp Việt khi họ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc đón đầu nguồn chất xám trẻ.

Tập đoàn Masan ngay từ năm 2009 đã tổ chức cuộc thi tuyển quản trị viên tập sự với tên gọi Masan - Nơi khát vọng và tài năng Việt tỏa sáng nhằm bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo trong tương lai. Điều kiện dự tuyển đưa ra cho các ứng viên cũng là không dễ: điểm tổng kết trung bình ở đại học từ 7 điểm trở lên, tiếng Anh TOEFL 550 điểm và trình độ vi tính đạt loại khá.

Tập đoàn Công nghiệp Vĩnh Tường cũng đã có kế hoạch xây dựng đội ngũ quản trị viên tập sự trong năm nay với mục tiêu chuẩn bị lớp lãnh đạo kế cận và đón đầu đà hồi phục của nền kinh tế.

Mới đây, Tập đoàn FPT cũng vừa triển khai dự án Đào tạo 10.000 nhà quản trị đẳng cấp (2013-2015) thông qua đơn vị trực thuộc là đại học FPT. Được biết, dự án đặt mục tiêu đào tạo 10.000 nhà quản trị từ đây cho đến năm 2015 với tổng kinh phí hỗ trợ 300 tỉ đồng, tương đương học bổng trị giá khoảng 30 triệu đồng/ứng viên tham dự.

Để tham gia vào dự án, ứng viên phải là doanh nhân, chủ sở hữu doanh nghiệp, thành viên ban điều hành từ cấp quản lý trở lên hoặc có khát vọng khởi nghiệp ở độ tuổi 25-45.

Sức học của người trẻ là vô hạn. Vấn đề thuộc về các doanh nghiệp, liệu họ có đủ dũng khí để thay đổi và tạo điều kiện cho tri thức Việt lên ngôi hay chưa.

 

Tin bài cần biết:

Website giúp sinh viên tìm chỗ thực tập

Tỷ lệ chọi các trường đại học - cao đẳng 2013

 

Kenhtuyensinh

Theo: NCĐT