Du học Mỹ không chỉ đơn giản là “xách balo lên và đi”
1.Gãy gánh giữa đường vì yếu ngoại ngữ: Ngoại ngữ là một trong những rào cản đầu tiên của du học sinh Việt Nam khi đến theo học tại Mỹ. Nhiều sinh viên yếu ngoại ngữ nhưng vẫn đăng ký học với lí do “tiếp xúc nhiều sẽ tự hiểu”. Hậu quả là nhiều sinh viên đã phải bỏ học giữa chừng để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ hoặc quay về nước, kết thúc con đường du học. Nguyên nhân do việc đầu tư cho môn học bên Mỹ rất đặc thù, và chú trọng vào Tiếng Anh học thuật. Sinh viên phải tự nghiên cứu, tìm hiểu sâu trước khi đến lớp, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Do ngoại ngữ yếu, sinh viên không thể hiểu hết được nội dung, đặc biệt là các môn chuyên ngành, từ đó, sinh viên trở nên kém dần và nản chí, dẫn đến bỏ học.
2. Không có hình thức “thầy giảng-trò chép” : Tại các lớp học Mỹ, giáo viên chỉ đóng vai trò thứ yếu. Họ đưa ra vấn đề, câu hỏi để sinh viên tự tranh luận, phản bác, đưa ra ý kiến và quan điểm. Lớp học được xem như một quán cà phê học thuật, mọi người tự do tranh luận, không cần phải giơ tay xin phát biểu. Vai trò cuối cùng của giáo viên chỉ là điều phối, giải đáp thắc mắc và đưa ra kết luận chung. Do đã quen với mô hình “thầy giảng-trò chép” khá phổ biến tại Việt Nam, sinh viên Việt Nam khi sang Mỹ thường bị “khớp”, thiếu tự tin, không chủ động trong học tập. Từ đó, kết quả học tập bị giảm sút, không bắt kịp bạn bè.
3. Chọn sai ngành, sai trường: Việc chọn sai ngành, sai trường trước khi đi du học Mỹ cũng là lý do khá phổ biến dẫn tới việc thí sinh không thể thực hiện trọn vẹn “giấc mơ du học Mỹ” của mình. Nguyên nhân là do phụ huynh, sinh viên không tìm hiểu kỹ thông tin trường trước khi đăng ký, hoặc thông tin mà các trường cung cấp còn bị hạn chế, không rõ ràng.
Làm sao vượt qua mọi thử thách để biến giấc mơ du học Mỹ thành công?
Trong suốt quá trình đi du học thì nhiều vô kể, trong đó, làm sao để hoà nhập với môi trường đa dạng về văn hoá như Mỹ là một trong những vấn đề cực kỳ “khó nuốt”.
Ngay khi mới bỡ ngỡ đặt chân sang đất nước nhộn nhịp, đa dạng về văn hóa cũng như tính cạnh tranh rất cao, du học sinh Việt đã phải chuẩn bị “tinh thần chiến đấu” rất kỹ lưỡng, từ những mục tiêu hàng đầu như làm thế nào để có kết quả học tập tốt, làm sao để chi tiêu một cách hiệu quả nhất đến những việc đơn giản hơn như tìm cách tiết kiệm nhất để có thể gọi về nhà thường xuyên. Tuy nhiên một trong những vấn đề “khó nuốt” nhất chính là hòa nhập văn hóa.
Rất nhiều bạn du học sinh lựa chọn học tập tại những ngôi trường mà hoàn toàn không quen biết một ai từ trước. Đừng vội hoang mang lo lắng nhé, điều này chưa hẳn là quá tệ, vì chính điều này mang đến cho các bạn cơ hội chủ động tìm hiểu và làm quen với mọi người xung quanh, chứng tỏ bạn đã tự bước ra khỏi vỏ bọc cứng nhắc, rụt rè của mình bấy lâu nay.
Nói thì dễ, vào cuộc rồi mới thấy “oải”, nhưng không có nghĩa là không thể làm được, những bí quyết và kinh nghiệm dưới đây sẽ là một cẩm nang cực kỳ hữu ích dành cho các “newbie” (nickname dành riêng cho du học sinh mới) giúp các bạn có thể hòa nhập tốt hơn trong môi trường học tập tại Mỹ.
1.Tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm: Trước mỗi kì học tại Mỹ, nhà trường và Hội học sinh sẽ tổ chức những buổi giới thiệu về trường, được gọi là Orientation. Đây là cơ hội tốt nhất cho du học sinh tìm hiểu về các truyền thống của trường, làm quen với bạn bè quốc tế cũng như người bản xứ. Trong buổi Orientation, bạn sẽ tìm hiểu được mọi thông tin về các câu lạc bộ, hội nhóm phù hợp với bạn. Không gì có thể dễ dàng và đơn giản hơn việc làm quen với những người bạn mới khi tham gia các câu lạc bộ ngoại khoá của trường, tại đây, họ đa phần sẽ là những người có cùng sở thích và mối quan tâm giống với bạn. Bằng cách này, các bạn “newbie” sẽ nhanh chóng tìm được rất nhiều bạn bè và xây dựng mối quan hệ để hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập sau này. Một điều quan trọng nữa mà những câu lạc bộ, hội nhóm này mang lại đó là hồ sơ cá nhân của các bạn (CV) sẽ đánh dấu một “điểm sáng” rằng bạn là một người sôi nổi, thân thiện và dễ hòa đồng với mọi người, điều này vô cùng quan trọng khi bạn muốn đăng kí cho những cấp học cao hơn hoặc tìm việc làm tại Mỹ.
Video giới thiệu khóa học lập kế hoạch du học - Academy.vn
Năm đầu tiên là năm học “nhẹ gánh” nhất, khối lượng kiến thức cũng như bài tập không quá nhiều, vì thế các bạn nên tranh thủ tham gia các hoạt động của trường, đừng ngần ngại gì mà hãy đăng ký ngay vào các câu lạc bộ, hội nhóm mà mình yêu thích, vì những năm học kế tiếp, mọi người sẽ “chia phe” thành những nhóm nhỏ chơi với nhau nên sẽ rất khó để hòa nhập.
Những hoạt động ngoại khóa là điều vô cùng thiết yếu không chỉ với học sinh bản địa mà với cả học sinh quốc tế (ảnh từ trường Marshall University).
Orientation là cơ hội tốt nhất để du học sinh có được đầy đủ nhất các thông tin về trường và những câu lạc bộ, hội nhóm thú vị.
2. Lớp học là “sân nhà”: Ở đại học, các bạn sẽ được tự chọn môn học mà các bạn mong muốn. Chính vì thế học sinh cùng lớp đều sẽ là những người có cùng sở thích, sự quan tâm và chí hướng giống mình. Ấn tượng đầu tiên luôn là điều quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của các bạn du học sinh trước, các “newbie” hãy chủ động làm quen ngay từ buổi học đầu tiên, nó sẽ giúp bạn có được những mối quan hệ vô cùng quan trọng trong công việc sau này, đặc biệt là hoàn thành xuất sắc các bài tập, dự án theo nhóm. Trong những ngày tiếp theo, các bạn cũng nên tới lớp học sớm hơn khoảng mười lăm, hai mươi phút để có thể trò chuyện với giáo sư cũng như những học sinh khác. Những bạn người bản xứ tới lớp học sớm thường là những người rất chăm chỉ và học rất khá, làm quen với họ cũng đồng nghĩa là các bạn đã có một động lực thúc đẩy rất tốt trong học tập, như dân gian mình có câu “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng.”
Vậy làm thế nào để có thể làm quen trong lớp học? Rất đơn giản, hãy từng bước làm theo những điều sau đây: Tự giới thiệu bản thân trước toàn lớp học, thành lập các nhóm học nhỏ và kêu gọi mọi người tham gia cùng, dễ dàng hơn là kết nối với các tài khoản mạng xã hội của nhau. Nếu có học sinh khóa trên cùng lớp với bạn, hãy chủ động xin ý kiến và sự giúp đỡ của họ, điều này bạn có thể làm qua email nhưng nói chuyện trực tiếp luôn tạo cảm giác cởi mở hơn.
Còn gì tuyệt vời hơn khi có những người bạn như này.
3. Gia nhập “doanh trại” ký túc xá: Năm đầu tiên ở đại học Mỹ, các bạn có thể bị bắt buộc phải ở trong ký túc xá nhà trường. Mặc dù chi phí ở ký túc xá khá cao, tuy nhiên đây lại là cơ hội có một không hai đối với học sinh quốc tế để tìm hiểu về văn hóa Mỹ. Du học sinh sẽ được ở cùng với học sinh bản xứ và có cơ hội tìm hiểu văn hóa Mỹ một cách trực tiếp nhất cũng như làm quen và kết bạn Mỹ một cách dễ dàng nhất. “Party” chính là một phần của văn hóa “Mỹ”. Ký túc xá sẽ là nơi thường xuyên có tổ chức các sự kiện để kết nối học sinh cũng như rất nhiều “party” vô cùng sôi động, nếu bạn không ở ký túc xá nghĩa là bạn đã bỏ lỡ một phần khá thú vị khi đi du học Mỹ rồi.
Du học Mỹ là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ và khi giấc mơ này trở thành hiện thực, làm quen kết bạn cũng như tìm hiểu sâu về văn hóa cũng như con người Mỹ là một điều không thể thiếu. Đừng ngần ngại, rụt rè, hãy tự tin thể hiện bản thân mình, bạn sẽ am hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa tại Mỹ và sẽ hoàn toàn không lãng phí, bỏ lỡ một phút giây nào để tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời này.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.