"Hãy trả môn Vật lý, Hoá học, Sinh học về đúng vị trí của nó và phân công giáo viên dạy đúng chuyên môn”, cô N.H kiến nghị.
Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học chương trình và sách giáo khoa mới. Ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học không tách riêng như trước mà tích hợp chung trong một môn, gọi là Khoa học tự nhiên. Đến năm nay, chương trình mới áp dụng với lớp 7 và những năm sau lần lượt áp dụng với khối lớp 8 và 9.
Cô P.T.G, 27 tuổi, giáo viên môn Vật lý được giao phụ trách môn Khoa học tự nhiên của một trường trung học cơ sở ở quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vì trường chưa có giáo viên đúng chuyên môn tích hợp nên từ năm ngoái dù chưa được đào tạo bài bản và chưa có chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, theo sự phân công, tôi đã phải dạy môn Khoa học tự nhiên”.
Vốn là giáo viên phụ trách môn Vật lý, để dạy được Khoa học tự nhiên, cô P.T.G cho biết bản thân đã phải tự tìm tòi, học hỏi, tích lũy thêm kiến thức Hóa học và Sinh học.
Từ đầu tháng 9 năm nay, cô P.T.G là một trong những giáo viên được trường cử đi học chứng chỉ tích hợp. Khóa học kéo dài trong vòng 4 tháng rưỡi theo hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp vào mỗi buổi tối trong tuần tại Trường Đại học Sài Gòn.
Những hôm có lịch học trực tiếp, nhiều giáo viên trong lớp học chứng chỉ tích hợp đã phải vượt gần 20km từ nơi ở của mình như Hóc Môn, Thủ Đức qua quận 5 để học.
Lịch dạy của cô P.T.G hầu như kín hết các ngày, buổi sáng dạy khối 6, buổi chiều dạy khối 7, các buổi tối đi học chứng chỉ tích hợp, 9 giờ tối bắt đầu học xong, về đến nhà là khoảng 9 rưỡi - 10 giờ tối. Bị “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức mới cùng với những bài kiểm tra, hoạt động phải hoàn thành trong chương trình học chứng chỉ khiến cô P.T.G rất áp lực, mệt mỏi.
“Là giáo viên chuyên về Vật lý, trước kia từng học khối A nên đối với môn Hóa tôi vẫn có kiến thức cơ bản, tuy nhiên với môn Sinh, lý thuyết rất nhiều và kiến thức rộng nên dù có học chứng chỉ bồi dưỡng tôi cũng chỉ nắm được một phần kiến thức. Trong quá trình dạy, học trò hỏi thêm kiến thức bên ngoài, tôi không dám trả lời vì chuyên môn, chuẩn kiến thức không đủ, trả lời sai thì học trò sẽ cười, không tôn trọng giáo viên”, cô P.T.G nói.
Trong lớp học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp, cô P.T.G kể, có những giáo viên chỉ còn khoảng 4-5 năm nữa về hưu nhưng vẫn đi học vì họ muốn tìm hiểu môn mới, tuy nhiên những giáo viên này tâm sự, lượng kiến thức quá lớn nhưng lại cố “nhồi nhét” trong vài tháng học một cách vội vàng như này thì khó mà tiếp thu được. Hầu hết giáo viên chỉ học cho xong, cho có chứng chỉ còn kiến thức thực sự lĩnh hội không được bao nhiêu. Chưa kể, giáo viên học được nhưng học xong phải dạy làm sao cho học sinh hiểu mới là khó.
Nhiều GV mong môn Vật lý, Hoá học, Sinh học được trả về đúng vị trí của nó
Đã từng dạy lớp 6 và năm nay được giao phụ trách thêm môn Khoa học tự nhiên lớp 7, cô P.T.G nhận xét: “Ghép 3 môn học lại trong cùng một quyển sách nhưng nội dung không có sự liên quan đến nhau, tách rời thành từng chủ đề riêng”.
Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên 6, nội dung chia thành các chủ đề thuộc các môn khác nhau như chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Vật lý; chủ đề 3, 4, 5 thuộc phân môn Hóa học; chủ đề 6, 7, 8 thuộc môn Sinh học; chủ đề 9, 10, 11 lại thuộc phân môn Vật lý... Nội dung tích hợp 3 môn ở lớp 6 rất ít. Chỉ có bài “Các thể của chất và sự chuyển thể” là có sự kết hợp kiến thức môn Hóa học và Vật lý.
Đối với chương trình Khoa học tự nhiên lớp 7, chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Hóa học; chủ đề 3, 4, 5, 6 thuộc phân môn Vật lý ; chủ đề 7, 8, 9, 10, 11 thuộc phân môn Sinh học. Như vậy, không có sự dạy và học liên tục thì lên lớp 8, kiến thức khó hơn, khả năng học sinh quên kiến thức rất cao. Và gần như với chương trình Khoa học tự nhiên 7, cô P.T.G chưa thấy có nội dung nào có sự tích hợp các môn học rõ nét.
Chưa kể, sự phân bổ kiến thức của môn Khoa học tự nhiên có sự khập khiễng, không hợp lý.
Theo cô P.T.G, trong chương trình cũ, đến lớp 8, học sinh mới học môn Hóa học nhưng trong môn Khoa học Tự nhiên 7 đã có phân môn Hóa học và phần nội dung kiến thức rất khó so với tầm tuổi của các em học sinh lớp 7, như mô hình cấu tạo nguyên tử, liên kết hóa học...
Cùng những băn khoăn, trăn trở như cô P.T.G, cô N.H, giáo viên chuyên môn Hóa - Sinh của một trường trung học cơ sở ở quận Hà Đông, Hà Nội đánh giá: “Mặc dù đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng môn tích hợp nhưng tôi thấy không hiệu quả, giáo viên thi để cho xong còn thực tế không tiếp thu được nhiều kiến thức”.
Được biết, cô N.H đã giảng dạy 21 năm và đã hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng tích hợp vào tháng 4/2022. Cô N.H đánh giá, đối với việc học thêm và tiếp thu những kiến thức mới, vì đã có tuổi nên cô không thể bằng các giáo viên trẻ.
"Năm ngoái, Phòng Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận động viên giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng tích hợp trực tuyến. Lớp bồi dưỡng Khoa học tự nhiên tôi đăng ký có khoảng hơn 100 giáo viên tham gia học. Mặc dù đã lấy được chứng chỉ nhưng thực tế lượng kiến thức tôi tiếp thu được không nhiều, không tự tin khi dạy học sinh.
"Nhiều giáo viên Khoa học tự nhiên dù đang đi học chứng chỉ bồi dưỡng nhưng họ vẫn mong muốn Bộ Giáo dục hãy trả lại môn Vật lý, Hoá học, Sinh học về đúng vị trí của nó và phân công giáo viên dạy đúng chuyên môn của mình”, cô N.H nhấn mạnh.
> Nhà trường, học sinh Gia Lai trông chờ 'Sóng và máy tính cho em'
> Giáo viên chủ nhiệm - Không phải ai cũng dám làm
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam