Các nhà giáo cho rằng làm giáo viên đã khó, giáo viên chủ nhiệm còn khó hơn nhiều, bởi vậy rất cần bản lĩnh hơn, yêu thương nhiều hơn.
1. Rất nhiều trọng trách được quy định với GVCN
Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của GV phổ thông, ngoài các nhiệm vụ đối với GV, GV làm chủ nhiệm lớp còn có những nhiệm vụ: tìm hiểu và nắm vững HS trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng HS và của cả lớp; phối hợp với gia đình HS và GV bộ môn, các đoàn thể trong hoạt động giảng dạy và giáo dục HS của lớp mình chủ nhiệm; nhận xét, đánh giá xếp loại HS cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật HS, đề nghị danh sách HS được lên lớp, danh sách HS phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ HS; tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện HS do nhà trường tổ chức; báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng.
2. Phải xử lý những tình huống mà mình “mù tịt” về nó
Muôn hình vạn trạng những tình huống mà người giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ gặp phải trong quá trình làm nghề của mình. Nếu nhìn một cách tích cực về GVCN cũng sẽ thấy đó là một hành trình có cả khổ đau, những giọt nước mắt nhưng đủ bản lĩnh, đủ kiên trì và yêu thương thì đổi lại sẽ là quả ngọt.
Cô Phương Diệp, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), chia sẻ: “Làm GVCN không chỉ là một trọng trách mà nó còn là một hành trình giúp tôi trưởng thành và tự hoàn thiện mình nhiều hơn. Nhưng đòi hỏi của công việc, những tình huống sư phạm nảy sinh khiến tôi có thêm động lực tự học, tự đọc…”.
Cô Diệp kể về một trong những tình huống mà mình từng gặp và cho rằng đã khiến cô càng thấm thía để thêm biết ơn những học trò đã cho cô động lực để hiểu biết và hoàn thiện bản thân mình. Đó là khi lớp cô chủ nhiệm có một em học sinh (HS) nữ có nhiều biểu hiện khá đặc biệt. Cô kể: “Em có nhiều hành động “sàm sỡ” với các bạn nữ trong lớp. Lúc bấy giờ việc một người trưởng thành đồng tính còn chưa được chấp nhận chứ không nói gì tới một HS đồng tính trong nhà trường. Thêm nữa, các hiểu biết về người đồng tính của cá nhân tôi nói riêng và của đồng nghiệp cũng như mọi người nói chung còn khá hạn hẹp”.
“Tôi bắt đầu việc giúp đỡ em bằng cách phải thực sự hiểu biết về vấn đề. Tôi tìm kiếm các nguồn tài liệu để đọc về người đồng tính. Tôi tham gia các diễn đàn để biết người ta đánh giá thế nào, đang có phong trào đấu tranh gì cho người đồng tính. Tôi gửi email cho hầu hết các bạn của tôi đang học tập, làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu xem ở nước ngoài họ quan niệm thế nào? Từ góc nhìn được mở rộng đó tôi hiểu em hơn, thông cảm cho em hơn và biết cách dẫn dắt em hơn…”, cô Diệp kể.
Làm giáo viên chủ nhiệm là một hành trình đầy vất vả nhưng giúp giáo viên trưởng thành và tự hoàn thiện mình nhiều hơn
“Giờ cô bé đã trưởng thành, đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có đôi khi cô gửi ảnh cô và bạn gái mình cho tôi với vài dòng chia sẻ ngắn gọn. Mẹ em và em có đôi lần trong câu chuyện có nói họ biết ơn tôi. Nhưng quả thực tôi biết ơn em. Nếu em không đến và tình yêu thương không thúc bách tôi tìm hiểu thì có lẽ cho tới giờ tôi vẫn là một người cứng nhắc nghĩ rằng mình bình thường và những người đồng tính là khác thường. Nếu không là GVCN của em, tôi hẳn đã không quan tâm tới cả một cộng đồng người LGBT và sống văn minh hơn, bớt thành kiến hơn”, cô Diệp chia sẻ.
“GVCN vì thế với tôi luôn là một nhiệm vụ ý nghĩa và thiêng liêng. Làm công việc ấy, tôi không chỉ vì người khác mà còn vì chính mình, không ngừng tự học, tự giáo dục mình, để gần hơn, cần thiết hơn cho các em”, cô Diệp chia sẻ.
Cô giáo Đỗ Thị Kim Ngân, GVCN Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), kể về tình huống khi từng chủ nhiệm một lớp 3 nổi tiếng cả trường về những mâu thuẫn giữa các phụ huynh HS, đỉnh điểm là cãi nhau trước lớp, trước mặt các con, thậm chí còn định lao vào đánh nhau trong buổi họp phụ huynh, ngay trước mặt GVCN. “Bình tĩnh, chủ động giải quyết những xung đột bằng cả sự chân thành của mình sẽ rút được ngòi nổ một cách nhẹ nhàng nhất”, cô Ngân tâm sự.
Một giáo viên (GV) THPT tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết ở trường cô mỗi GV phải chủ nhiệm tới 2 lớp. Ở cấp học mà lứa tuổi học sinh (HS) có rất nhiều vấn đề cả trong học tập và nền nếp thì nếu làm đúng chức năng của GVCN cho cả 2 lớp là không thể, bởi theo quy định hiện hành đòi hỏi rất cao. GVCN phải tìm hiểu và nắm vững HS trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng HS và của cả lớp, cộng với việc vẫn giảng dạy theo chuyên môn và vô số công việc khác nữa, nên việc sát với từng HS chỉ là mong muốn.
GV này cho biết mỗi lớp có tới 2 nhóm Zalo hoặc Facebook để trao đổi, một nhóm là GVCN với phụ huynh (PH) mà không có HS; một nhóm là GVCN với HS mà không có PH. Như vậy, chủ nhiệm 2 lớp nghĩa là phải vào 4 nhóm như vậy để trả lời các câu hỏi, hòa giải mâu thuẫn trong các nhóm đó. “Cả ngày mệt nhoài ở trường, buổi tối về phải soạn bài, chấm bài rồi lại phải trả lời “bom” tin nhắn, thắc mắc, thậm chí chất vấn, khiếu kiện của PH và HS cả 2 lớp, nhiều lúc căng thẳng đến mức trầm cảm, chỉ muốn tắt điện thoại để dành chút thời gian ít ỏi cho gia đình mà không thể”, GV này tâm sự.
3. Khi học trò lại chính là nguyên nhân gây mất nhiệt tình
Một GVCN chia sẻ về câu chuyện của mình: Cô vào lớp thì thấy Nam, một trong số những học sinh quậy phá ấy đang trèo trên bàn rượt đánh một bạn nữ. Cô liền gọi cả hai lại hỏi lý do thì cô bé bị rượt đánh kể em nhắc bạn trực nhật mà bạn chửi rồi rượt đánh. Nhìn Nam đang dứ dứ nắm tay về phía cô bé lớp trưởng, GVCN bực mình trách: “Sao chẳng ngày nào em để lớp mình được yên ổn vậy Nam?”. Vậy là Nam vênh mặt đầy thách thức: “Cô có ngon thì đánh em đi! Em kiện cô liền. Trên mạng giáo viên đánh học sinh bị bắt nghỉ dạy nhiều lắm!”. Cô giáo giận tím người nhưng vẫn cố kiềm chế, nói: “Mai cô sẽ mời ba mẹ em lên gặp để trao đổi”. Không ngờ Nam nói to : “Em chán học lâu rồi mà ba mẹ cứ bắt đi học. Cô cứ về báo cho mẹ em đi. Em càng mừng”, rồi về chỗ ôm cặp đi thẳng ra khỏi lớp.
Tiết học trôi qua thật nặng nề. Vừa xong tiết dạy, cô giáo xách cặp ra khỏi lớp mà mắt đỏ hoe.
Một GVCN khác của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương kể mình từng chủ nhiệm một học trò (12 tuổi) nhưng hay ăn vạ, thường dọa đánh bạn bè, thậm chí yêu cầu bạn phải nhảy từ tầng 2 xuống mới tha, học trò này còn từng đe dọa tự tử.
Đối với học trò này, ban đầu cô Lan Hương cảm thấy mệt mỏi, cáu giận không biết phải xử lý thế nào. Cô cũng đã cố gắng tìm hiểu, nói chuyện với gia đình nhưng không tìm ra nguyên nhân. Phải mất nhiều thời gian theo dõi, cô Hương nhận thấy trò có biểu hiện của chứng ăn vạ, do vậy cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông qua sách tâm lý để tìm ra phương pháp giáo dục riêng cho cậu học trò đặc biệt. Dần dần, cô Hương tìm được “bí quyết” để dạy dỗ đối với học trò ương bướng này. Khi trò cố tình ăn vạ, cô sẽ “lờ” đi trong an toàn. Chỉ đến khi cảm xúc của trò đã phần nào bình ổn hơn, cô mới nhẹ nhàng bày tỏ tình cảm và tìm cách khuyên nhủ học trò. Sang lớp 7, số lần ăn vạ của HS này đã giảm hẳn. Việc đe dọa tự tử cũng đã không còn. Qua câu chuyện này, cô Hương cho rằng sự quan trọng của bình tĩnh và kiên nhẫn cũng như kiến thức tâm lý với học trò đặc biệt, đó là cách các thầy cô giáo có thể thử để giúp đỡ những học trò đặc biệt.
Cô giáo Đàm Phương Thu, GVCN Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ về cách lồng ghép những giờ dạy ngữ văn để HS hiểu, yêu về sự trong sáng của tiếng Việt, biết thấy xấu hổ và sửa chữa “vấn nạn” nói tục, chửi bậy trong giới trẻ hiện nay. Cô cho rằng nếu cứ đưa ra các mệnh lệnh thì HS sẽ không nghe nhưng để chính các em nêu quan điểm, tự rút ra các bài học cho mình thì các em sẽ “thấm”. Cũng theo cô Thu: “Dạy học trò, tôi nhận ra một điều: mình phải luôn biết tự kiểm điểm bản thân và biết nhận lỗi trước học trò. Mỗi một lần tôi nhận lỗi trước học trò của mình, tôi tìm thấy trong ánh mắt học trò một tình cảm thật đặc biệt. Dạy các con một văn bản đọc hiểu về sự kiềm chế cảm xúc. Tôi cũng không ngần ngại mà thú nhận với học trò là mình nói thì hay nhưng làm chưa tốt. Có nhiều lúc cả giận mất khôn... Buổi học diễn ra trong không khí trầm lắng không phải vì trò không thích học mà tôi hiểu rằng tôi đã chạm được tới trái tim các em, ít nhiều khơi gợi trong các em cảm xúc…”.
4. Cần được trợ giúp, lắng nghe
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), chia sẻ: GVCN phải luôn được truyền cảm hứng từ những thành công, kể cả những lần vấp ngã và tự đứng lên của chính mình, của đồng nghiệp, sự cảm thông và lắng nghe của lãnh đạo, sự đồng hành của PH. Công tác chủ nhiệm phải được coi là nghệ thuật giáo dục ở tầm cao. Làm thế nào để các thầy cô giáo tự xử lý các vấn đề của mình, của lớp mình, HS mình, biết cách hóa giải các “vấn đề” ngay trong mầm mống, để không xảy ra chuyện lớn. Khi tự mình xử lý tốt, thầy cô có động lực phấn đấu, cảm thấy mình có giá trị và hạnh phúc hơn. Muốn vậy, nhà trường, hiệu trưởng cần lắng nghe, chia sẻ và trợ giúp, truyền cảm hứng, tạo động lực cho thầy cô.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý - giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nơi được biết đến là trường sẵn sàng tuyển cả những HS “cá biệt” vào học, khẳng định: “Nếu không có đội ngũ GVCN thì tôi không bao giờ đạt được yêu cầu giáo dục HS”. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết do là trường ngoài công lập nên có thể thuận tiện hơn một chút về việc chủ động trả lương cho GVCN (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng). Số tiền không nhiều nhưng để GVCN hiểu nhà trường coi trọng và yêu cầu cao với công tác chủ nhiệm. Dù vậy, nhà trường không “phó mặc” cho GVCN mà mỗi tuần đều có họp giao ban, trao đổi những việc khó. GVCN cũng được sự hỗ trợ của phòng tư vấn tâm lý tại trường…
Vai trò của giáo viên chủ nhiệm cần được coi trọng
5. Phải được đào tạo để làm chủ nhiệm lớp
Dưới góc độ của Phó chủ tịch Hội tâm lý - giáo dục, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng GVCN ở nhiều trường phổ thông hiện nay đều thiếu kỹ năng, nhất là kỹ năng phát hiện, ngăn chặn trước hoặc xử lý kịp thời để giảm hậu quả. Các nhà trường hiện nay không chú trọng bồi dưỡng GVCN để “truyền lửa”, giúp họ có đủ năng lực sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết tốt các tình huống giáo dục thì chúng ta có lỗi với những người phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, có lỗi với các thế hệ học trò.
Từ thực tế đó, ông Tùng Lâm đề nghị Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm, các sở GD-ĐT cần sớm xác định và trả lại đúng vị trí, vai trò của GVCN: nhà quản lý, lãnh đạo, nhà giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông. GVCN phải là một chức danh quản lý trong nhà trường phổ thông, được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng lao động sư phạm mà họ bỏ ra. Không để tình trạng đùn đẩy làm công tác chủ nhiệm như ở một số trường hiện nay.
Bộ GD-ĐT và các trường sư phạm cần tập hợp những GVCN giỏi (không phải bằng thi GVCN giỏi) có hiệu quả giáo dục tốt được HS, GV, PH tín nhiệm, từ đó tập hợp kinh nghiệm giáo dục hay cho sinh viên các trường sư phạm học tập, giao lưu hằng năm.
> TP.HCM thông qua học phí năm học mới: Tăng học phí tối đa 5 lần nhưng lại cấp bù kinh phí
> Thu nhập nghề giáo thấp dẫn đến thiếu nhân lực - Đề xuất khắc phục của Sở GD&ĐT TPHCM
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp