>> Du học, học bổng, tư vấn du học, du học Canada, hội thảo du học Canada
Mình đã bị shock văn hóa khi đi du học
Mọi thứ đều do chính bản thân bạn tự quyết định mà thôi! Mình hiện tại đang là du học sinh tại Toronto, đã theo học ở bên đó được năm rưỡi rồi. Mình thì có lợi thế hơn các bạn, đó là có gia đình cô chú bên đấy, nên lúc mình mới sang cũng hay được cô chú chở đi chơi để làm quen dần cuộc sống bên đó. Do đợt này khi đọc được một loạt các bài viết, đa phần là tiêu cực về vấn đề du học, nên mình cũng xin phép được viết một bài về kinh nghiệm của bản thân dành cho những bạn đang và có ý định đi du học nhé!
Người ta bảo, khi đi du học các bạn học sinh thường sẽ phải trải qua các bước: háo hức vì sắp được đi sang nước mới, sang đến nơi thì sẽ bị sốc văn hóa và nhớ nhà, sau đó một là có thể hòa nhập, hai là tự kỉ. Bước thứ 2 là khó nhất, và nó là bước quan trọng dẫn đến bước thứ 3, quyết định bạn sẽ hòa nhập được cuộc sống bên đấy, hay sẽ thu mình lại và tự kỉ.
Làm sao để không bị shock văn hoá khi du học
Mình gặp rất nhiều trường hợp các bạn đã không vượt qua được bước 2, và đa phần kết cục của các bạn là bỏ dở việc học để quay trở về nước do không chịu nổi áp lực và cuộc sống cô đơn bên đó. Mình cũng đã từng ở giai đoạn 2. Có lẽ các bạn không thể tưởng tượng nổi lúc mới sang mình đã như thế nào. Lúc mới xuống sân bay, mình lập tức quay lại đòi... đặt vé đi về nước, cô chú mình đã phải giữ lại và đưa lên xe đi về. Thậm chí, sau khi nhập học 2, 3 tháng rồi, mình vẫn không thể tìm nổi 1 đứa bạn nào gọi là "thân" trong trường.
Cảm giác lúc nào cũng vì rào cản ngôn ngữ mà nhiều lúc không thể bộc lộ hết ý và cảm xúc của mình. Tiếng Anh của mình lại còn không phải dạng cao siêu từ hồi ở Việt Nam, do trước khi sang đấy mình học chuyên Trung, đến cuối năm lớp 11 mới quyết định đi, thành ra cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị ngôn ngữ đầy đủ. Lần nào skype về với gia đình với bạn bè, mình cũng kêu ầm ĩ, ỉ ôi. Bất lợi nhất của mình là cả trường không có lấy 1 bóng du học sinh Việt Nam. Trường cấp 3 mình học là trường Thiên Chúa Giáo, mà đa phần du học sinh Việt Nam sang đó vào học trường công của Sở Giáo Dục. Mình đã từng rất cô đơn.
Nhưng việc đấy không kéo dài lâu. Trong một lần chat skype với nhà, bố mình bảo: "Con không thể bắt mọi người tạo niềm vui cho con, mà chính con phải tự đi tạo niềm vui cho bản thân". Câu nói đó đã khuyến khích mình mở lòng hơn và bắt đầu tự đi tìm nhóm bạn cho riêng mình. Mình bắt đầu với những bạn ngồi xung quanh mình trong lớp, sau đó rủ ngồi cùng ăn trưa, rồi dần dần là đi chơi sau mỗi giờ học, và đến một lúc nào đấy, tự dưng bọn nó trở thành "nhóm tám" của mình mà không hay biết.
Mỗi lần có chuyện gì buồn, bọn nó có thể dành cả tiếng buôn với mình, nghe mình tâm sự, rồi cho mình khóc thoải mái, cũng như mấy đứa bạn thân ở Việt Nam vậy. Đôi lúc, cả lũ còn xúm vào nói xấu 1 con bé cùng trường. Sinh nhật mình cũng được bọn nó bí mật tổ chức, Giáng Sinh cũng chơi trò Secret Santa, khi bạn sẽ phải bốc thăm và tặng quà cho 1 đứa trong nhóm. Mình thích 1 cái mũ khá lâu rồi mà chưa dám mua tại nó cũng hơi đắt, nhưng chả hiểu sao có đứa nhìn ra rồi mua tặng.
Mình chỉ muốn nói, hãy cố gắng nghĩ tới những gì bạn sẽ đạt được sau khi vượt qua giai đoạn 2 ấy. Không cần nhìn về việc tương lai lương tiền triệu hay tiền tỷ như nào, hiện giờ mình đang về Việt Nam du hí, và khi mình về ai cũng thấy sự khác biệt rõ rệt ở mình, không đơn giản chỉ là kiểu cách thời trang ăn mặc, đầu tóc, mà còn cả cách sống của mình nữa. Vì gia đình mình không phải giàu, nhưng cũng khá ổn, lại là em út nên từ bé đến lớn mình không phải động chân tay vào một việc gì cả. Nhiều đứa bạn nhìn vào còn phải bảo mình như kiểu "công chúa" khi vào bếp, món duy nhất mình biết làm là mì đổ nước sôi, đến cả gọt hoa quả cũng không biết cầm dao sao cho đúng cách...
Nhưng sau khi đi du học được năm rưỡi, mình trưởng thành lên rất rất nhiều.
Mình đã có thể tự lo cho bản thân, trở nên rất tự tin trong giao tiếp, nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình... Trên hết, sau khoảng thời gian xa gia đình không ngắn cũng không dài như thế, mình đã học được cách trân trọng những gì mình đang có, nhất là gia đình. À khoe một chút, do có một đợt mình cũng đi làm thêm bên đó nên giờ mình cũng tự điều chỉnh được việc tiêu tiền sao cho đúng cách nữa.
Du học sinh Việt Nam nhìn chung đều lấy cái lí do "rào cản ngôn ngữ" và "văn hóa mới" để biện hộ cho chuyện: "Vì sao khi tớ ở Việt Nam tớ là đứa hòa đồng, bạn bè đều quý tớ, mà sang bên đấy tớ không thể hòa nhập được?". Mình thì tin rằng việc hòa nhập hay không là do chính bản thân các bạn. Các bạn có quyền chọn mở lòng và tự tìm bạn thân, tự tạo niềm vui cho bản thân, hay ở lì trong nhà ôm máy tính, lên facebook xem ảnh hồi ở Việt Nam và tự kỉ.
Một tip nhỏ cho các bạn nữa, đừng ngại ngần khi giao tiếp, đừng ngại vì âm của các bạn không chuẩn. Lúc mình mới sang, mình cũng rất ngại. nhưng sau đó chính nhờ cái "accent" này mà mình kết thêm nhiều bạn bè. Bọn nó suốt ngày lấy cái đấy ra trêu mình, sau khi mình dỗi thì bọn nó bảo: "Chỉ đùa thôi mà. Nhưng làm ơn đừng bao giờ thay đổi cách mày nói nhé!". Giờ nhiều đứa inbox facebook cho mình còn bảo: "Này, mau quay về bên này đi, tao nhớ cái ngữ điệu đặc biệt của mày lắm rồi". Đôi lúc, điểm yếu của bạn cũng sẽ là điểm riêng, và là sự bắt đầu cho những câu chuyện tám mới của bạn với lũ bạn, cho nên đừng ngại ngần khi giao tiếp. Nhưng như thế không có nghĩa mình khuyên các bạn không nên tập luyện để nói hay và chuẩn hơn đâu nhé!
Về vấn đề tệ nạn, mình tin xã hội nào cũng có kẻ tốt người xấu, người có thể bảo vệ bạn trực tiếp chính là bản thân bạn. Lối sống của bạn, bạn tự quyết định, không ai sống cho bạn được cả, nên việc đi du học hay không quyết định bạn có bị sa vào cạm bẫy. Mình và nhiều bạn du học sinh khác vẫn ổn, vậy thì sao bạn lại không?
Chốt lại, bài viết này mình chỉ muốn cổ vũ và ủng hộ cho các bạn trẻ có ý định đi du học. Khi bạn có khả năng, đừng sợ phải thử điều mới. Tất nhiên là đừng quên trước khi đi cố gắng trang bị hết sức những thứ cần cho chuyến đi học xa nhà lâu ngày thế nhé!
Theo Kenh14