Hải Yến, du học sinh tại Vương Quốc Anh, cho biết: “Dù đã đạt 6.5 IELTS nhưng khi đặt chân tới London, mình rất hoang mang vì không hiểu được ngôn ngữ của người bản địa. Việc học tập ở trường đại học cũng gặp khó khăn khiến mình phải dành 10 tuần ròng rã để học lại tiếng Anh. Đến giờ mình mới có thể học tương đối tốt các môn chuyên ngành cũng như hoà nhập với cuộc sống cùng với người dân địa phương”.

Huy, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Monash tự tin khi mang theo hành trang là chứng chỉ IELTS 7.0 sang Australia du học. Thế nhưng cậu bạn đã “sốc toàn tập” khi chẳng hiểu những gì giảng viên nói. Cũng chính vì không thể giao tiếp được với sinh viên bản địa nên Huy gặp khó khăn trong việc chia sẻ cũng như trao đổi nội dung bài học với các sinh viên khác. Rào cản ngôn ngữ đã tạo một khoảng cách lớn giữa Huy và các bạn cùng học trong trường. Không còn sự lựa chọn nào khác, Huy phải học lại tiếng Anh trong vòng 10 tuần liên tục để có thể bắt đầu lại một cách tốt nhất.

Ngày 19/6/2009, một bài báo đăng trên tờ Guardian cũng báo động về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên quốc tế khi theo học ở xứ sở sương mù. Bài báo viết: “Những sinh viên quốc tế thậm chí còn không có khả năng tham gia vào cuộc hội thoại ngắn với người bản địa. Những sinh viên ở đây gần như phải vật lộn với những khó khăn do rào cản ngôn ngữ gây ra, bởi họ không thể học tập cũng như hoà nhập với cuộc sống một cách tốt nhất”.


Rào cản ngôn ngữ “làm khó” du học sinh Việt Nam - Ảnh 1


Phải chăng điểm số IELTS hay TOEFL mà các sinh viên đạt được không phản ánh được thực chất khả năng sử dụng ngôn ngữ của họ? Hay yêu cầu về điểm IELTS, TOEFL vẫn chưa đủ để các sinh viên quốc tế có thể hoà nhập với cuộc sống và môi trường học tập mới?

Dave Cadman, nguyên giảng viên trường ĐH Cambridge (Barcelona, Tây Ban Nha), lý giải: “Tôi nghĩ rằng IELTS và TOEFL là kì thi quốc tế đánh giá rất chính xác khả năng tiếng Anh của học viên. Thế nhưng, bạn cần phải nhớ rằng điểm IELTS 5.5 chỉ tương ứng với trình độ tiếng Anh Upper - Intermediate hay 6.5 tương ứng với IELTS Advance. Tuy nhiên, khi giao tiếp với người bản địa, bạn rất khó có thể nghe được giọng địa phương của họ trừ khi họ nói thật chậm và bạn yêu cầu họ nhắc lại những gì họ đã nói.

Một nguyên nhân nữa chính là sự phát triển không cân bằng 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết của các thí sinh. Ví dụ cùng đạt tổng điểm 6.5 nhưng những thí sinh có điểm từng kĩ năng đồng đều có thể giao tiếp tốt hơn những thí sinh có mức điểm chênh”.

Tony Lampkin, từng là giảng viên trường Sussex University (Anh), chia sẻ: “Tôi biết những sinh viên Việt Nam học ở Anh, dù họ sử dụng tiếng Anh trong trường đại học để học tập nhưng khi về nhà, họ lại giao tiếp và sinh sống với người Việt Nam. Trong khi ngôn ngữ học thuật trong truờng đại học lại rất khác với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường của người bản địa. Thế nên đó cũng là lý do khiến cho khả năng tiếng Anh của các sinh viên quốc tế không cải thiện được cho dù họ đã ở Anh vài năm.

Tôi cũng đã gặp một vài trường hợp chính là học sinh của tôi, sau khi thi IELTS xong, họ phải chờ ít nhất 2-3 tháng để làm thủ tục nhập học. Thời gian đó, họ không được luyện tập nên chắc chắn khả năng giao tiếp của họ kém đi rất nhiều. Và khi đặt chân đến môi trường mới, họ cảm thấy thật khó khăn để nói chuyện một cách trôi chảy với người dân địa phương”.

“Khi ôn thi thi IELTS, hầu hết các bạn chỉ nghe băng, đĩa, nhưng khi giao tiếp trực tiếp với người bản địa lại là môt tình huống hoàn toàn khác. Chính vì vậy, bạn nên chọn nguồn tốt nhất để học là xem ti vi, nghe đài, nghe và đọc những trang web bằng tiếng Anh để luyện tập. Như vậy bạn sẽ có cơ hội nghe giọng của người bản địa và dần thích nghi khi sống trong môi trường của họ. Khi đã có kết quả thi IELTS tốt, bạn hãy tìm hiểu về con người và nền văn hoá của quốc gia mà bạn sẽ theo học. Đó cũng là cách để bạn hoà nhập với cuộc sống của người bản địa một cách hiệu quả nhất.” - Dave nói thêm.