Đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông sẽ được thực hiện sau 2 năm nữa. Thế nhưng, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục đang rất lo ngại khi những vấn đề trọng tâm vẫn chưa rõ ràng…
Chương trình phổ thông hiện hành gây quá tải cho học sinh và còn nhiều kiến thức vô bổ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình - sách giáo khoa phổ thông (CT - SGK) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 5.4 cho thấy những vấn đề trọng tâm của Đề án đổi mới CT - SGK phổ thông vẫn chưa có lời đáp.
Nặng về kiến thức vô bổ
GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra rằng, ở chương trình phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT chưa quyết tâm trong việc chỉ đạo tích hợp những nội dung giáo dục gần gũi để phát triển năng lực của người học. Số môn học và hoạt động giáo dục còn quá nhiều: tiểu học 14 môn, THCS 17, THPT là 18. Đây là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho học sinh.
Về mặt nội dung, GS Thuyết nhận định: “Càng lên lớp trên, tính “hàn lâm, kinh viện” càng nặng, khả năng tác động đến sự phát triển và hoàn thiện năng lực của học sinh càng yếu”. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng phát biểu: “Nhiều kiến thức trong chương trình hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông. Nội dung SGK là quá sức với đại bộ phận học sinh. Có thể nói, 1/3 kiến thức môn toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh”.
Nói về vấn đề này, GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban Chỉ đạo đề án đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, khẳng định: “Quá tải không hẳn vì nội dung quá nặng mà là do chúng ta đưa vào dạy quá sâu những kiến thức không cần thiết. Trong khi đó, những kiến thức thiết thực thì không dạy hoặc dạy quá ít”.
Trường sư phạm chưa “sẵn sàng” dạy học tích hợp
GS Đinh Quang Báo cho rằng trong đợt đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, sẽ kiên định theo hướng dạy học tích hợp và coi đây là vấn đề tất yếu. Việc tích hợp này sẽ tăng tải những kiến thức thiết thực giúp học sinh thích học, thích khám phá. GS Báo ví von: “Việc tích hợp cũng giống như thay vì ta xách nhiều cái túi bé thì cho hết vào một cái túi vừa đủ, sẽ làm bớt nặng và gọn gàng hơn”. Tuy nhiên, GS Báo thẳng thắn cho rằng chuyên gia xây dựng chương trình hiện nay cũng đang tỏ ra rất lúng túng trong việc thể hiện tư tưởng tích hợp.
Tuy nhiên, có ý kiến lo âu vì còn nhiều trở ngại để thực hiện điều này. GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Việc dạy tích hợp đặt ra từ năm 2002 thế nhưng các trường sư phạm hầu như không thay đổi phương thức đào tạo. Liệu có làm được không với cách đào tạo giáo viên như vậy?”. Cùng tâm trạng, PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, nhận định: “Thay đổi chương trình đào tạo phải mất nhiều thời gian để học sinh và giáo viên làm quen. Chẳng hạn nếu tích hợp các môn khoa học như lý, hóa, sinh thành môn chung thì quá khó với đội ngũ giáo viên hiện nay vì đã có một thời chúng ta khuyến khích dạy một môn chuyên sâu để đạt hiệu quả cao”.
PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận: “Trong những năm đổi mới giáo dục phổ thông chưa một lần đặt vấn đề đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên một cách bài bản. Trong khi đó, giáo viên là người thực hiện mục tiêu giáo dục và có vai trò quyết định chất lượng giáo dục phổ thông”. Do vậy, bà Tâm Đan đề nghị đổi mới ở trường sư phạm phải đi trước một bước. Bên cạnh đó, cần khảo sát xem bao nhiêu trường phổ thông hiện nay có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Cùng quan điểm, GS Phạm Minh Hạc khẳng định: “CT - SGK có hay đến đâu mà điều kiện giáo viên và trường lớp tạm bợ như hiện nay cũng không thực hiện được”.
Với hàng loạt những công việc bộn bề còn chưa có định hướng rõ ràng như hiện nay, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ lo ngại: “Nếu Bộ GD-ĐT không khẩn trương thì sẽ không thể xây dựng dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay và chậm nhất là đầu năm sau. Và nếu chưa được Quốc hội thông qua thì đề án đó chưa thể thực hiện được ngay sau năm 2015”, ông Thi nói.
Bạn có biết:
Sách giáo khoa "chưa thân thiện"
Rập khuôn theo sách giáo khoa giết tính sáng tạo của học sinh
Bộ trưởng Giáo dục bị nhắc nhở về sách giáo khoa
Tin bài gốc: thanhnien
Kenhtuyensinh
Theo: thanhnien