Làm bài thi môn văn dạng đề mở

Để xác định biên độ "mở" của một bài văn, các bạn cần bình tĩnh đọc thật kỹ đề, phân tích xem đối tượng cần làm là gì, giới hạn của đề ra sao, và thời lượng làm bài như thế nào để có cách xử lý đề phù hợp.

Được "mở" đến đâu thì hợp lý?

Để xác định biên độ "mở" của một bài văn, các bạn cần bình tĩnh đọc thật kỹ đề và phân tích xem đối tượng cần làm là gì, giới hạn của đề ra sao, và dung lượng chữ, thời lượng làm bài như thế nào để có cách xử lý đề cho phù hợp.

Thầy Bảo Khôi - giảng viên ĐH Sư Phạm TP.HCM chia sẻ: "Có rất nhiều trường hợp học sinh nhầm lẫn giữa đề "đóng" và đề "mở" vì phân tích đề chưa tốt. Ví dụ như đề Văn: "Hãy nhập vai nhân vật Mị, kể lại câu chuyện Vợ chồng A Phủ"; đó là đề "đóng", hơn nữa còn "khóa" rất nhiều lớp vì giáo viên đã xác định luôn nhân vật phải nhập vai là gì, và đòi hỏi các bạn phải nắm được cốt truyện để kể cho chính xác.

Nếu đổi lại một chút, thành: "Em hãy chọn một nhân vật mà em thích, hóa thân thành nhân vật đó và kể lại câu chuyện Vợ chồng A Phủ để nêu bật sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị" thì lại là một đề bài "mở" về vai trần thuật, học sinh được tự do lựa chọn nhân vật mà các bạn muốn và kể lại câu chuyện từ điểm nhìn của nhân vật đó. Thầy Khôi cũng cho biết thêm, dù có "mở" đến nào thì các bạn cũng luôn phải xác định được rằng câu chuyện muốn nêu lên vấn đề cụ thể gì và hướng người đọc đến những giá trị tốt đẹp gì. Như chuyện Vợ chồng A Phủ thì để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo, tình yêu thương đồng cảm sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Qua nhân vật Mị nhà văn đã làm hiện lên vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung".

Muốn làm tốt một đề "mở", cần phải chuẩn bị những gì?

Các bạn cần lưu ý những đề Văn "mở" thường nghiêng về nghị luận xã hội nhiều hơn là nghị luận văn học. Dù là đề có theo hướng mở hay không thì việc đầu tiên là các bạn phải đọc kĩ đề. Các đề bài "mở" đòi hỏi học sinh phải có khả năng bao quát kiến thức mọi mặt của đời sống. Do vậy, các bạn phải đọc nhiều từ sách, báo, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu mới có thể đủ lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Trong một bài văn nghị luận nói chung, các bạn nên xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, có hệ thống ý lô-gic, mới mẻ và diễn đạt tốt. Riêng với đề hướng mở, học sinh cần thể hiện chính kiến - bộc lộ cá tính, tình cảm, thái độ, quan điểm rieng của mình.

Học sinh cần đạt những yêu cầu gì?

Một đề bài "mở" phải đi kèm với một đáp án cũng "mở". Tuy nhiên, các bạn cũng phải chú ý những yêu cầu sau:

1. Thể hiện được kỹ năng làm một bài nghị luận: đảm bảo đủ các thao tác cơ bản lý giải - chứng minh - kết luận.

2. Tự tin thể hiện ý tưởng của mình từ quan sát thực tế đến nhận định và kiến giải hợp lý.

3. Với dạng bài hóa thân thành nhân vật, học sinh phải thể hiện được những diễn biến tình cảm, tâm lý của nhân vật.

4. Đảm bảo được tính hướng thiện của văn học.

 

Bạn muốn tìm hiểu thêm về:

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh

 

Kenhtuyensinh

Theo: kenh14