Nguyễn Thùy Linh tốt nghiệp sinh khoa Marketing, trường Đại học South Wales chia sẻ những kinh nghiệm để du học sinh có thể xây dựng lộ trình học tập tốt tại Wales.
Cảm xúc của bạn như thế nào khi lần đầu tiên đặt chân đến xứ Wales xa xôi?
Mình vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên đặt chân đến xứ Wales, cảm giác lúc đó khá mệt do phải di chuyển bằng máy bay hơn 10 tiếng từ Việt Nam sang nhưng vẫn rất hào hứng.
Mình đến London trước, ở đây có một người bạn đi từ Wales đến để đón mình về. Từ London phải đi qua một cây cầu để vào địa phận xứ Wales. Trên cây cầu này, mình thấy rất lạ và cảm nhận đây có lẽ là một nơi có nền văn hóa rất khác biệt. Tất cả các biển báo đều là viết song ngữ, tiếng Anh và tiếng Wale.
Đến khi nhìn thấy tấm biển Welcome to Wales, mình vỡ òa vì đã đặt chân đến Wales. Từ thời điểm đó, tôi chính thức chinh phục ước mơ, hồi hộp chờ đón những điều sắp tới.
Quá trình học tập tại xứ Wales có điều gì khác biệt so với Việt Nam?
Với quan điểm của cá nhân tôi, tại Việt Nam, học sinh và giảng viên khá xa cách. Giảng viên luôn yêu cầu sinh viên phải lắng nghe bài giảng, từ đó, việc động viên sinh viên phát huy sự sáng tạo hay theo đuổi những ý tưởng riêng cũng giảm dần.
Ở Đại học South Wales nói riêng cũng như các trường học tại Anh nói chung, giáo viên rất gần gũi và tôn trọng ý kiến của sinh viên. Các giảng viên luôn nói việc không hiểu bài không phải là do sinh viên kém, nguyên nhân của tình trạng này là họ truyền đạt chưa đúng.
Do đó, sau mỗi buổi học, nhà trường đều có các buổi đánh giá giảng viên. Qua những tờ góp ý, giảng viên sẽ điều chỉnh cách dạy của mình, không khí trong lớp để mỗi buổi học cuốn hút, vui vẻ và dễ hiểu hơn.
Nguyễn Thuỳ Linh tốt nghiệp sinh khoa Marketing
Hay khi thực hiện đồ án tốt nghiệp, mình rất bất ngờ khi thầy cô không giao đề bài cụ thể. Các giảng viên cho rằng việc đưa ra chủ đề cho sinh viên theo học thạc sĩ sẽ giới hạn khả năng, ý tưởng.
Ngày đó, mình lựa chọn đề tài "Ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội". Các giảng viên đã hướng dẫn rất nhiệt tình về cách nghiên cứu sao cho logic và cách viết luận thế nào tốt nhất. Cuối cùng, mình đã hoàn thành tốt bài tốt nghiệp.
Dù đã qua 6-7 năm nhưng tới nay, mình vẫn có thể áp dụng những nghiên cứu đó vào công việc hiện tại trong lĩnh vực truyền thông.
Đối mặt với những khó khăn trong học tập, bạn làm thế nào để vượt qua?
Nhiều sinh viên chia sẻ điều khó khăn nhất là thời gian đầu không quen với tiếng Anh kiểu Wales, nhưng mình lại không gặp phải trở ngại này, có lẽ do mình thích ứng khá nhanh.
Đối với mình, khó khăn nhất khi học tập tại xứ Wales là chuyện làm tiểu luận. Đề bài cho tiểu luận khá ngắn gọn, sinh viên phải đọc khá nhiều sách để đưa ra những luận điểm thuyết phục nhất cho chủ đề được giao. Thời gian đầu mình đã phải vật lộn rất nhiều mỗi khi làm bài vì khả năng viết của mình cũng không tốt, rất khó có thể diễn đạt hết những điều mình nghĩ.
Tuy nhiên, sau đó, mình đã biết đến một dịch vụ của trường được gọi là tâm sự đêm khuya - đường dây nóng, nơi bạn có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình học tập hay sinh hoạt.
Khi gọi điện tới đây, một bạn người bản xứ sẽ lắng nghe câu chuyện của mình và đưa ra những lời khuyên rất hữu ích như nơi tìm tài liệu hay mẹo làm tiểu luận tốt. Từ đó, mình biết bắt đầu từ đâu, nghiên cứu ra sao, biết được luận điểm này do ai nói, ai viết và mạnh dạn đưa ra ý kiến có đồng ý với luận điểm đó hay không.
Ngoài ra, mình cũng chủ động trao đổi với các bạn khác trong lớp và rủ mọi người cùng học nhóm để sửa bài cho nhau. Một bạn trong nhóm đó đã giúp mình sửa bài khá nhiều từ ý tưởng cho tới cách viết. Thêm nữa, mình cũng đã chăm chỉ vào thư viện online đồ sộ của trường để tìm kiếm thông tin.
Nói chung, khi làm tiểu luận, mình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các dịch vụ trong trường.
Trải qua những khó khăn đó, bạn đạt được những thành tựu nào đáng nhớ trong quá trình học tập tại xứ Wales?
Điều đáng tự hào nhất đối với mình là trở thành người đại diện của khóa học. Tiêu chí lựa chọn vị trí này không dựa trên tiêu chuẩn cao về điểm số.
Ngày ấy mình tham gia rất nhiều các hoạt động trong trường nên hầu hết các thành viên trong hội sinh viên và các sinh viên lớp khác đều nhớ mặt. Ngoài ra, mình còn được mọi người nhớ vì thuộc vào hàng "sinh vật hiếm" trong trường - một trong số hai sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây.
Hiện, website nhà trường vẫn có hình ảnh, chia sẻ và các hoạt động mình tham dự.
Nếu để dành một lời khuyên cho các bạn sinh viên ở Việt Nam cũng đang phân vân lựa chọn địa điểm du học, bạn sẽ khuyên điều gì?
Việc lựa chọn địa điểm du học sẽ phụ thuộc nhiều vào tính cách và nhu cầu của bạn. Nếu là một người sôi động, bạn nên chọn một nơi náo nhiệt và có nhiều trung tâm thương mại như London hay Birmingham... Người dân ở những nơi này khá năng động, bận rộn. Còn nếu thích sự yên mình và muốn hòa hợp với thiên nhiên, các bạn có thể đến với xứ Wales. Người dân xứ Wales sống chậm rãi và thoải mái.
Các du học sinh viên đánh giá Đại học South Wales có ký túc xá hiện đại, đa dạng, phù hợp với túi tiền và nhu cầu của sinh viên. Tất cả các phòng đều là phòng đơn có trang bị phòng tắm riêng với mức phí chỉ từ 96 bảng một tuần (đã bao gồm tất cả chi phí).
Và lời khuyên cuối cùng mình muốn dành cho các bạn muốn du học ở Anh là dù chọn thành phố nào, bạn cũng nên chuẩn bị ô vì thời tiết ở Anh rất "đỏng đảnh", nhiều mưa, sương mù. Ở đây, người ta dự báo theo giờ bởi thời tiết rất khó đoán. Trời có thể đổ mưa bất cứ lúc nào nên để tránh bị ướt hoặc lạnh, các bạn nên cất sẵn một chiếc ô trong balo.
> Đại học Cardiff - Ngôi trường danh giá ở trung tâm thủ đô xứ Wales
Theo VnExpress