Du học online sẽ mang lại một số những lợi ích nhất định. Bạn cũng có thể tận dụng du học online để làm nền tảng, phương hướng duy trì để chuyển sang du học offline.
1. Lý do sinh viên chọn học du học online
- Quan niệm “sống chung với lũ”: cho đến khi có Vac-xin (Vaccine), thì cả thiên hạ đều phải sống chung với Covid, không nhất thiết phải trì hoãn những việc quan trọng như học hành, làm ăn…;
- Nền tảng để học online ở các nước phát triển khá tốt, thậm chí hoàn hảo, nên theo học không khó; chỉ cần có một máy tính hoặc điện thoại smartphone là theo học được;
- Ưu đãi và hỗ trợ từ các trường nước ngoài cho du học sinh mới, như: giảm % học phí, học bổng, học THỬ online và nếu không happy thì có thể HỦY hoặc LUI khóa học lại cho đến khi có thể quay lại học trên lớp;
- Tiện lợi: với đa số với các chương trình học, thì năm thứ nhất đều là lý thuyết, vì vậy học online khá tiện: không phải đi đến trường (tha hồ ngủ trễ, chỉ cần dậy 5’ trước giờ học), đọc sách bằng cách truy cập thư viện điện tử (khỏi xếp hàng mượn), thảo luận nhóm qua Zoom…;
- Rẻ: các mức giảm giá từ trường, tiết kiệm tiền ăn ở vì học từ nhà ở Việt Nam, tiết kiệm tiền đi lại, phí bảo hiểm cho du học sinh…;
Không bỏ phí thời gian, không trì hoãn kế hoạch du học và vẫn theo kịp các bạn cùng thế hệ trên thế giới.
2. Du học online có thể mắc phải khó khăn gì?
Đầu năm 2020, Lê Càn Chí Phú (du học sinh tại Đại học La Trobe, Sydney, Úc) trở về Việt Nam để ăn tết cổ truyền cùng gia đình. Dự định chỉ ở Việt Nam 2 tháng rồi quay lại Úc, thế nhưng cho đến nay, sau gần 2 năm, nam sinh vẫn chưa thể trở lại “xứ sở chuột túi”.
“Do thời điểm đó, dịch bệnh bên Úc bắt đầu lan rộng nên gia đình không cho mình quay lại. Và đến nay cũng đã gần 2 năm mình chưa trở lại trường”, Chí Phú chia sẻ.
Dù ở Việt Nam nhưng việc học của Chí Phú không bị gián đoạn, bởi khi đó, nhà trường bắt đầu triển khai dạy online cho tất cả sinh viên. Tuy nhiên, việc học online gây ra không ít rào cản cho nam sinh.
“Khi học online, mình không có thời gian để hỏi thêm về bài vở với giáo viên sau giờ học, do các thầy cô phải chuyển lớp liên tục. Hệ thống học online và việc kết nối mạng thỉnh thoảng cũng gặp sự cố. Bên cạnh đó việc không có sự tương tác với các bạn cùng lớp cũng gây ra khá nhiều khó khăn trong việc làm bài nhóm của bọn mình”, Chí Phú nói.
Cuối năm 2021, Chí Phú cũng không thể quay lại Úc làm lễ tốt nghiệp mà phải tốt nghiệp online.
Lê Càn Chí Phú gặp nhiều khó khăn khi học online tại Việt Nam
Còn với Hoàng Lê Uyên Phương, nữ sinh hiện đang là sinh viên ngành Master of Laws của trường Deakin tại Úc. Thế nhưng đến nay, Uyên Phương lại chưa một lần đến trường.
Theo lịch của nhà trường, khoá học của Uyên Phương bắt đầu từ tháng 3.2021 - đây cũng là thời điểm Úc đóng cửa biên giới do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, Uyên Phương phải học online ở Việt Nam từ đầu khoá.
“Học online tại Việt Nam, có một vài môn học mình phải vào lớp từ lúc tờ mờ sáng. Thế nhưng, chênh lệch múi giờ không phải là khó khăn lớn nhất đối với mình. Mình nghĩ điều khó khăn nhất chính là việc không có nhiều tài liệu nghiên cứu. Bởi đối với ngành học của mình, việc không được đến trường để sử dụng thư viện xem tài liệu là một khó khăn lớn.
Cuối cùng, bên cạnh việc đi du học để học tập, một trong những mục đích cho lựa chọn này của mình chính là việc trải nghiệm văn hoá và sinh sống ở một môi trường mới. Do đó, việc du học “online” đã tước đi cơ hội này của những bạn sinh viên như mình”, Uyên Phương chia sẻ.
Du học sinh chia sẻ về những khó khăn khi học online
3. Nên tận dụng du học online để tìm kiếm cơ hội mới
“Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra” – đây là câu trả lời của Dương Minh Tùng (sinh viên ngành marketing và truyền thông, trường Macquarie University, Úc) khi được hỏi về những khó khăn, thách thức khi phải du học “online”. Minh Tùng cho biết, việc học online đã ảnh hưởng rất lớn tới việc giao tiếp và sự hứng khởi đối với môn học. Thế nhưng sau thời gian dài gặp bạn bè, thầy cô qua màn hình máy tính, Minh Tùng đã tìm ra được những cách thích ứng riêng và nhiều cơ hội mới.
Khoảng thời gian ở Việt Nam, ngoài việc học online, Minh Tùng tham gia cộng tác với một công ty khởi nghiệp về quay phim. Tại đây, Minh Tùng học hỏi được nhiều kinh nghiệm liên quan tới ngành truyền thông. Thêm vào đó, Tùng cũng có nhiều thời gian để đọc sách và chơi thể thao. “Quan trọng nhất là mình có nhiều thời gian bên gia đình. Những năm tháng đi du học, mình dường như ít có thời gian tâm sự cùng bố mẹ và các em. Và bây giờ chính là thời điểm để mình bù đắp những điều đó”, Tùng nói.
Dương Minh Tùng (đứng thứ 3 từ phải sang) có nhiều thời gian để tập luyện thể thao trong thời điểm học online
Còn với Nguyễn Vũ Kiều Khanh (sinh viên ngành Sư phạm mầm non, Đại học Công Giáo Úc), khoảng thời gian học online tại Việt Nam, nữ sinh đã có cơ hội triển khai dự án Teachers’ GARA – dự án hỗ trợ giáo viên, phụ huynh để góp phần cho sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
“Do bản thân chưa hoàn thành chương trình Đại học, nên mình tự ti rằng, dù bản thân có nhiều kinh nghiệm cỡ nào mà không có tấm bằng Đại học trên tay thì sẽ là một rào cản lớn để thực hiện dự án. Thế nhưng, chính khoảng thời gian tại Việt Nam giúp mình hiểu ra rằng: “Nếu cứ đợi thời khắc hoàn hảo thì biết bao giờ mới là hoàn hảo. Nếu không phải lúc này thì sẽ chẳng có lúc nào nữa”. Vậy nên mình đã bắt đầu triển khai Teachers’ GARA trong thời gian du học “online”, Kiều Khanh tâm sự.
4. Nên du học online hay offline
Dù tiện lợi và hiện đại, song hình thức du học online vẫn mang những hạn chế gây khó khăn cho việc học. Thêm vào đó, mục đích lớn nhất của du học là sự trải nghiệm. Vì vậy việc lựa chọn chỉ du học online sẽ làm bạn mất đi nhiều cơ hội được mở mang vốn sống ở một đất nước, nền văn hóa mới lạ khác. Vì vậy nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra cho mình quyết định chính xác nhất.
> Những điều bạn cần biết về visa du học
> TOP những trường đại học có kiến trúc độc đáo nhất thế giới
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp