Trong khoảng 2 tuần nữa, các thí sinh sẽ chính thức khai hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số vấn đề khiến các bạn thí sinh năm nay băn khoăn.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và những mốc thời gian quan trọng

ĐH Công nghệ thông tin xét học bổng tuyển sinh tới 160 triệu/suất

1. Phân biệt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2

Giải đáp một câu hỏi của thí sinh về sự khác nhau giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết ngày 1.4 tới đây khi đăng ký dự thi THPT quốc gia thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1. Ở đợt 1 này, thí sinh không bị giới hạn về số lượng nguyện vọng theo các thứ tự ưu tiên khác nhau, trong đó nguyện vọng 1 là thứ tự ưu tiên cao nhất. Còn phía các trường khi công bố điểm trúng tuyển vào 1 ngành là mức điểm chung cho tất cả thí sinh dù đăng ký vào ngành bằng nguyện vọng 1 và các nguyện vọng khác. Riêng khối trường công an hoặc quân đội, thí sinh chỉ được phép đăng ký 1 nguyện vọng và nguyện vọng đó phải là nguyện vọng 1.

2. Nếu đã trúng tuyển vào một trường bằng kỳ thi đánh giá năng lực thì có thể xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT vào trường khác không?

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, giải thích kỳ thi đánh giá năng lực chỉ tăng thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh, không bắt buộc thí sinh chọn 1 trong 2 phương thức này để xét tuyển.

Theo thạc sĩ Vũ, phương thức đánh giá năng lực có cách đăng ký xét tuyển riêng, độc lập với phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia. Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả thi năng lực có giá trị sử dụng trong 12 tháng và thí sinh biết kết quả trúng tuyển bằng năng lực trước khi điều chỉnh nguyện vọng bằng kết quả thi THPT quốc gia. Do vậy, nếu không trúng tuyển hoặc trúng tuyển đánh giá năng lực nhưng không muốn theo học vẫn có thể từ chối xác nhận nhập học để sử dụng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển. Theo quy chế năm nay, thí sinh sau khi đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bằng phương thức khác.

Liên quan đến các chuyên ngành luật và cách thức thi tuyển vào ngành này, thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ bài thi năng lực chỉ là một phần để xét tuyển (bên cạnh tiêu chí điểm học bạ và điểm thi THPT quốc gia). Do vậy, thí sinh xét tuyển vào trường vừa phải đăng ký dự thi THPT quốc gia vừa thi bài kiểm tra bài thi năng lực do trường tổ chức. Tháng 5 trường công bố đề thi mẫu để thí sinh tham khảo.

Giải đáp 4 thắc mắc về xét tuyển bằng kết quả thi THPT

Thí sinh hoàn toàn có thể xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT vào trường khác nếu đã đậu kỳ thi đánh giá năng lực.

3. Nam giới có được học giáo dục mầm non ?

HS Hồ Trung Nam, Trường THPT Gò Công, cho biết có nguyện vọng 2 vào ngành giáo dục mầm non khiến nhiều HS tham dự chương trình tỏ ra băn khoăn. Nhưng thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trấn an: “Giáo dục mầm non là ngành học không phân biệt giới tính. Hiện ngành này tại trường vẫn có nam sinh theo học. Vị trí việc làm trong trường mầm non không chỉ có việc duy nhất là chăm sóc trẻ mà còn nhiều công việc khác liên quan. Nếu thực sự yêu nghề nên mạnh dạn theo đuổi đam mê”.

Giải đáp băn khoăn của HS về ngành tâm lý học, thạc sĩ Nguyễn Thảo Chi, Phó trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết tâm lý học của trường đào tạo 2 chuyên ngành gồm tham vấn trị liệu và tổ chức nhân sự.

4. Lựa chọn học cao đẳng hay đại học ?

HS Trần Anh Duy, Trường THPT Trương Định, dự định thi ngành kỹ thuật điện và còn phân vân giữa nhiều trường. Đào tạo bậc ĐH và CĐ khác nhau thế nào, đặc biệt là thời gian thực hành? Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ nếu muốn học thời gian ngắn, tiết kiệm chi phí và có thời gian đi làm sớm có thể chọn học CĐ (2 - 3 năm). Có tới 60% thời lượng học bậc CĐ là thực hành và cơ hội việc làm bậc học này khối ngành kỹ thuật công nghệ đang rất tốt.

Trong khi đó, HS Nguyễn Thị Diễm My, Trường THPT Gò Công, thắc mắc về thời gian học tập với ngành y dược. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết để thành bác sĩ, dược sĩ và kỹ thuật viên cao cấp thì cần học lực thực sự tốt. Thời gian đào tạo các ngành có nhiều mức, như bác sĩ đa khoa và răng - hàm - mặt 6 năm, dược sĩ ĐH 5 năm, các ngành cử nhân khác 4 năm.

Về ngành logistics, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin dự báo từ năm 2018 - 2025, mỗi năm VN cần từ 18.000 - 20.000 người (trong đó nhân lực bậc ĐH chiếm 25%, bậc CĐ 30%). Thời gian tới ngành học này cần nhiều nhân lực nhưng tổng chỉ tiêu xét tuyển các ngành có đào tạo ngành này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu được dự báo. Điểm trúng tuyển ngành này khá cao ở hầu hết các trường.

Theo Thanh niên