Niềm vui khi nghe cha mẹ của những học sinh chuyên biệt khoe con mình đã biết gọi ba, gọi mẹ chính là động lực níu cô Lê Thị Kim Chi ở lại với nghề dù nhiều lần từng muốn buông tay.
> Tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường cho học sinh
> Có nghề nào kiên trì như... giáo viên cấp 1?
Giao lưu tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản ngày 24/11, bà Lê Thị Kim Chi (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình) cho biết vốn là giáo viên mầm non. 13 năm trước bà tự nguyện về trường chuyên biệt Tân Bình khi nơi này thiếu nhân sự, cơ sở vật chất nghèo nàn, học sinh đa phần là những em tự kỷ, tăng động, chậm phát triển.
Dù chuẩn bị tâm thế đối diện khó khăn, song bà không khỏi bỡ ngỡ bởi các đặc thù ở môi trường này. Nhiều lần muốn bỏ nghề vì áp lực, nhưng chứng kiến những giọt nước mắt và sự bất lực của cha mẹ học sinh khi mang con đến, bà không đành lòng.
Bao năm qua, mỗi sáng bà tất bật với việc kiểm tra thực phẩm, phòng ốc, trang thiết bị bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến học sinh do các em nhận thức hạn chế. Bà cũng là người cuối cùng rời trường khi chắc chắn không còn học sinh nào bị bỏ quên.
Hiện trung tâm nuôi dạy hơn 150 học sinh, 4-21 tuổi, trong đó nhiều em mắc chứng động kinh, bại não. Trước cổng trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình luôn có một chiếc xe máy dựng sẵn, khi có học sinh cần can thiệp y tế, bà Chi sẽ chở đến bệnh viện. Nữ giám đốc được xem là chỗ dựa vững chắc cho nhiều giáo viên với kinh nghiệm xử lý các tình huống nguy cấp cho học sinh.
"Hạnh phúc nhất của tôi và đồng nghiệp là khi cha mẹ các em khoe con mình đã biết gọi tiếng ba, tiếng mẹ, đã biết cười, biết nói. Đó là một động lực lớn trong nghề", bà Chi nói.
Cô Lê Thị Kim Chi chia sẻ chuyện nghề tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản
Đồng cảm với đồng nghiệp, cô Huỳnh Thị Ngọc Thanh (giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, huyện Bình Chánh) nhìn nhận chỉ có tình yêu thương con trẻ mới đủ sức giữ chân giáo viên ở lại với nghề giáo viên mầm non.
36 tuổi, 14 năm gắn bó với trường mầm non, cô Thanh nhiều lần tự đặt câu hỏi: Mình có phù hợp với nghề, tiếp tục hay bỏ cuộc. Nhưng mỗi sáng bước vào lớp, được thấy ánh mắt hồn nhiên, được nghe tiếng cười đùa của trẻ con, được nghe gọi "má Thanh", cô lại được tiếp thêm động lực. Tự nhận mình là người nóng tính, nhưng khi bén duyên với trẻ, cô dần điều chỉnh, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
"Nghề giáo viên mầm non tuy cực mà vui, khó khăn mà hạnh phúc. Niềm vui của nghề không phải đến từ những điều lớn lao, mà từ những điều đơn giản nhất. Trường bây giờ như ngôi nhà thứ hai của tôi", cô giáo nói.
Với thầy Phạm Đông Phương, giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, động lực với nghề là thấy học trò đỗ đại học, biết vượt qua khó khăn, không bỏ cuộc với bất cứ điều gì.
Ông Phương 55 tuổi nhưng mới 15 năm trong nghề, bởi học xong lớp 12 phải bươn chải đủ nghề, từ đạp xích lô, đi bốc vác, phục vụ quán ăn. Năm 35 tuổi ông mới trở thành sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ra trường, ông được phân công về trường THPT Long Trường (quận 9), sau 8 năm được chuyển về trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa với nhiều thành tích trong giảng dạy.
Thầy Phương được học trò yêu mến bởi ông luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ và hóm hỉnh, dù cuộc sống có nhiều trắc trở.
Thầy Phạm Đông Phương - giáo viên Vật lý trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa
50 nhà giáo là giáo viên, cán bộ quản lý đại diện cho hơn 90.000 giáo viên tại TPHCM đã nhận giải thưởng Võ Trường Toản của UBND thành phố.
Đây là giải thưởng thường niên của ngành giáo dục thành phố nhằm tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu, chú trọng vào các yếu tố cống hiến, sự tâm huyết với nghề và nêu gương đạo đức nhà giáo. Sau 23 năm, hơn 760 giáo viên TPHCM đã nhận giải thưởng này.
50 giáo viên và cán bộ quản lý nhận giải thưởng Võ Trường Toản của ngành giáo dục TPHCM
Theo VnExpress