Tình cảm của học trò, nghĩa cử cao đẹp giữa thầy cô và học sinh, hành động ngây ngô nhưng chứa đựng đầy tình nghĩa của các em,... chính là động lực để nhiều giáo viên yêu nghề, gắn bó với nghề.
Nhiều gia đình có đến 3 đời làm nghề giáo, rất yêu nghề chỉ với những lý do đơn giản là yêu mến học sinh, trân trọng những tình nghĩa tốt đẹp thầy trò.
Cô Phạm Thị Tú Trinh, giáo viên dạy môn văn tại Trường THPT Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), người mà 4 năm trước cũng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Thanh Niên đã đưa tin, bị gần cả trăm con ong vò vẽ đốt “thập tử nhất sinh”, xúc động cho biết : “Tình cô trò thật là đáng quý biết bao. Khi biết Trinh bị tai nạn, rất nhiều thế hệ học sinh quan tâm lo lắng và cùng chung nhau giúp đỡ, nguyện cầu cho Trinh tai qua nạn khỏi. Có em nguyện ăn chay một tháng để cầu cho Trinh bình an”.
Cô Tú Trinh cho hay: “Sau tai nạn, Trinh sống tích cực hơn, trân quý với công việc dạy học hơn. Ngoài việc dốc hết tâm trí để dạy học trò, Trinh nghĩ mình còn nợ cuộc đời này một mối ơn, nợ mảnh đất Phú Quốc này một chữ tình. Nên cố gắng sống tốt hơn để không phụ lòng thương của mọi người, của học sinh…”. Cô Tú Trinh nói thêm, chính nhờ tình cảm học trò là nguồn động viên cho cô, nên hiện tại sức khỏe cô rất tốt, luôn lạc quan và yêu công việc dạy học.
Cô Phạm Thị Tú Trinh cùng các học trò
Đã có rất nhiều nghĩa cử cao quý giữa thầy cô và học sinh. Như việc tháng 4/2020 vừa qua, một thầy giáo THPT ở tỉnh Hậu Giang hiến đất xây nhà cho học trò nghèo hiến tặng tạng để cứu thầy. Như việc thầy cô ở Trường Tiểu học và THCS Phong Đông (H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) đã vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường. Mới đây nhất, trong trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung, các thầy giáo ở Quảng Bình đã kết bè bằng thân cây chuối bơi vượt lũ để tiếp tế lương thực cho học sinh. Lũ lụt vừa qua là dịp thể hiện rõ nhất tấm lòng của thầy cô và học sinh. Từng cuốn tập, chiếc áo, đôi dép cũ… đã được học sinh gói ghém gửi đến thầy trò vùng lũ. Nhiều giáo viên không quản ngại đứng ra vận động gom góp vật phẩm gửi đến học trò và đồng nghiệp phương xa bị thiên tai, với nhiều chuyến xe ấm áp chữ tình!
Bên cạnh những nghĩa cử lớn lao như trên, nhiều khi, những hành động ngây ngô của các em vẫn cứ thấy chất chứa biết bao nghĩa tình. Có lớp vẽ hình giáo viên lên lưng áo lớp để mặc. Lại cô lớp gửi “thông điệp” vui đến thầy chủ nhiệm trên áo lớp mình: “Chỉ sợ nước mắt thầy rơi, chứ em ăn chơi lúc nào cũng được”!...
Chính những điều này đã giúp giáo viên yêu nghề, bám nghề dù đôi khi rất nhọc nhằn.
Theo Thanh Niên