Tân sinh viên các trường đại học (ĐH) trên cả nước đang làm thủ tục nhập học trực tiếp. Trong số này, có không ít sinh viên nghèo may mắn được tạo cơ hội đến trường.
1. Hạnh phúc chiều 30
Nhận được giấy báo nhập học vào ngành Kỹ thuật nhiệt của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, em Vũ Quang Đăng (tiểu khu 2, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) lo lắng khi chi phí học tập quá cao.
Quang Đăng là anh cả trong gia đình 3 anh em. Năm 2016, mẹ mất do tai nạn. Năm 2020, bố đột ngột qua đời. Thương ba cháu côi cút, bà nội Đăng chuyển từ huyện miền núi Bá Thước xuống thị xã Nghi Sơn ở và chăm cháu. Bà nội tuổi đã cao, vốn bị bệnh tim, phổi. 4 bà cháu nương tựa vào nhau, sống nhờ vào sự chia sẻ, đùm bọc của bà con xóm làng. Anh em Đăng cũng được các tấm lòng hảo tâm xa gần ủng hộ, các cơ quan đoàn thể quan tâm giúp đỡ.
Đăng chia sẻ, từ ngày bố mẹ mất, em đã muốn nghỉ học để đi làm thuê nuôi hai em gái ăn học. Nhưng tâm nguyện của bố là mong muốn con cái phải học thật giỏi để sau này không vất vả như bố mẹ. Đó chính là động lực để Đăng và các em tiếp tục theo học đến ngày hôm nay.
Chu Thuý Hường (người dân tộc Nùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Ninh thì nhận được tin có nhà hảo tâm hỗ trợ học phí toàn khoá học ĐH. Bố mất khi Hường mới được 6 tháng tuổi, nên từ khi lọt lòng đến nay, em luôn sống trong khó khăn, thiếu thốn. Năm lớp 7, Hường được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ trong chương trình Nâng bước em đến trường. Chương trình chỉ hỗ trợ đến hết lớp 12, nên Hường xác định thi xong tốt nghiệp là đi làm. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 khoảng 10 ngày, Hường xuống Khu công nghiệp Bắc Ninh xin đi làm công nhân. Kết quả thi tốt nghiệp tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh), Hường đạt 25,25 điểm nên các cô chú Bộ đội động viên đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Em đăng ký nguyện vọng 1 ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, Trường ĐH Y Hà Nội, trúng tuyển ngay nguyện vọng 1. Nhưng cánh cửa vào ĐH với Hường vẫn chỉ là giấc mơ. Hường vẫn chăm chỉ làm tăng ca để có thêm thu nhập dành dụm gửi về giúp mẹ.
Chiều 30/9, ngày cuối cùng xác nhận nhập học, Hường nhận được thông tin của các cô chú ở Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có nhà hảo tâm đồng ý tài trợ học phí toàn bộ khoá học. Hường vỡ òa, thầm cảm ơn các cô chú bộ đội và nhà hảo tâm.
Hình ảnh tân sinh viên đến làm thủ tục nhập học tại một trường đại học
2. Cần hỗ trợ thí sinh từ khi chưa nhập học
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, khi nhận được thông tin về hoàn cảnh của tân sinh viên Vũ Quang Đăng, ngay trong ngày nhập học, một đơn vị đã hỗ trợ em laptop để có phương tiện học tập trong thời gian tới. Đăng thuộc đối tượng được miễn học phí và được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tạo điều kiện ở ký túc xá miễn phí. Không những thế, thời gian tới, các thầy cô trong khoa sẽ tìm cho Đăng công việc làm thêm liên quan đến ngành học để vừa có thu nhập vừa phục vụ học tập.
Với trường hợp của Chu Thúy Hường, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, em được miễn phí hoàn toàn chỗ ở ký túc xá trong suốt thời gian học. “Học ngành Y ngoài vất vả còn tốn kém. Có em đỗ nhiều trường trong đó có trường Y nhưng không lựa chọn học. Xuất phát từ thực tế đó, trường có chính sách hỗ trợ cho sinh viên”, GS. Nguyễn Hữu Tú nói. Đồng thời mong muốn xã hội chung tay hỗ trợ những thí sinh khó khăn trước khi nhập học. Trường ĐH Y Hà Nội đang kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng quỹ học bổng cho thí sinh nhập học chứ không phải trong quá trình học.
Trường ĐH Thương Mại hằng năm có khoảng 20% sinh viên nhập học đến từ khu vực khó khăn, miền núi. PGS. TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Truyền thông của trường cho hay, hiện trường có 8 quỹ hỗ trợ sinh viên, tuỳ từng đối tượng. Trong đó, có quỹ hỗ trợ ưu tiên tiêu chí hoàn cảnh gia đình để tạo cơ hội cho sinh viên khó khăn có điều kiện học ĐH. “Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên nghèo học giỏi sẽ ngày càng ít. Vì các em còn phải lo đời sống, việc học bị chi phối rất nhiều. Để cánh cửa ĐH không khép lại với các em, rất cần sự hỗ trợ của nhà trường và các nhà hảo tâm”, PGS Thái nói.
> Thí sinh trúng tuyển đại học bỏ nhập học - Nhiều ngành học khó tuyển được sinh viên
> Vì sao sinh viên ‘chật vật’ với chuẩn tiếng Anh đầu ra?
Theo báo Tiền Phong