Trong gần 570.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1, hơn 100.000 không xác nhận nhập học. Có lẽ vì thế mà nhiều ngành học cũng chỉ tuyển được vài sinh viên ít ỏi.
1. Hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển đại học bỏ nhập học
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung, 567.018 trúng tuyển đợt 1, đạt tỷ lệ 91,4%. Tính đến 17h ngày 30/9, hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, 463.440 thí sinh đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81,7%. 103.578 thí sinh không xác nhận nhập học.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không có lý do chính đáng, những thí sinh này coi như từ chối quyền nhập học, cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.
Từ cách đây một tuần, nhiều trường đại học đã ghi nhận số thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đạt 70-80% và không tăng thêm. Hiện hơn 100 trường thông báo xét tuyển bổ sung, từ hàng chục đến hàng ngàn chỉ tiêu.
Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nha Trang, cho biết khi khảo sát một số thí sinh chưa xác nhận nhập học, các em đưa ra nhiều lý do. Có thí sinh thay đổi mục tiêu tương lai, muốn học nghề, đi làm ngay; có thí sinh muốn nhập học trường khác.
Một lãnh đạo Đại học Công nghiệp TP HCM cho biết 80% thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác nhận nhập học trực tuyến, 67% thí sinh tới nhập học trực tiếp. Ông cũng cho biết thêm, có trường hợp thí sinh đăng ký, đóng lệ phí nhưng không muốn đi học.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tất cả thí sinh xét tuyển đại học phải đăng ký trên hệ thống chung. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đánh giá việc này giúp tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất cơ hội của thí sinh khác. Vì vậy, tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm mạnh. Các năm trước, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3%.
Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ một số trường hợp được lãnh đạo trường đại học cho phép. Thí sinh không trúng tuyển có thể tham gia xét tuyển bổ sung (từ tháng 10 đến 12) theo hướng dẫn của các trường đại học.
Năm nay, 463.440 thí sinh đã hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến, đạt tỷ lệ 81,7%
2. Những ngành học tuyển được vài sinh viên
Năm 2022, trường Đại học Mỏ - Địa chất tuyển 3.080 chỉ tiêu cho 42 ngành. Riêng ngành Kỹ thuật địa vật lý (điểm chuẩn 18) có 20 chỉ tiêu. Nhưng khi kết thúc thời gian xác nhận nhập học đợt một, chỉ có một thí sinh xác nhận trong số năm sinh viên trúng tuyển.
PGS TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết các ngành học của trường đã đảm bảo cơ bản chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, riêng ngành Kỹ thuật địa vật lý tuyển sinh khó khăn dù chỉ tiêu có 20-30 sinh viên. "Số thí sinh đăng ký ngành này hai năm trở lại đây đều chỉ khoảng năm thí sinh trở xuống", ông Khoát nói.
Tình hình tương tự tại Đại học Hùng Vương (TP HCM) với 9 thí sinh xác nhận nhập học trong 13 thí sinh trúng tuyển ngành Quản lý bệnh viện. Chỉ tiêu tuyển sinh ngành này là 122.
"So với thời điểm này năm 2021, số thí sinh nhập học ngành này giảm một nửa", bà Nguyễn Thị Mai Bình, phụ trách phòng Đào tạo và Công tác sinh viên của trường, nói. Đây là ngành học được trường Đại học Hùng Vương tuyển sinh từ năm 1996.
Ở trường Đại học Tây Nguyên, nhiều ngành cũng chỉ 3-6 thí sinh xác nhận nhập học như Lâm Sinh (3), Chăn nuôi (6), Công nghệ sinh học (5), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh từ 40 đến 60.
Đây cũng là những ngành học có điểm chuẩn thấp nhất trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, từ 15 - 16 điểm (tính cả điểm ưu tiên).
Đại diện các trường cho rằng nguyên nhân khiến thí sinh ít lựa chọn các ngành học này chủ yếu do chưa hiểu về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Với ngành Quản lý bệnh viện của trường Đại học Hùng Vương, bà Bình lý giải, so với các ngành nổi bật trong khối Y, Dược như Đa khoa, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt, ngành Quản lý bệnh viện còn lạ lẫm, thí sinh chưa hiểu rõ về chương trình học cùng cơ hội việc làm. Bà nhận định cơ hội việc làm ngành này rất đa dạng, có thể làm ở các bệnh viện, phòng khám. Qua khảo sát, sinh viên thường ổn định việc làm từ năm học cuối, có mức lương trung bình từ 9 triệu đồng trở lên.
PGS TS Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Tây Nguyên, cho biết nhìn chung nhóm ngành Nông, Lâm nghiệp, Chăn nuôi thường khó tuyển sinh.
Nhiều ngành học khó khăn trong việc tuyển sinh viên vì rất nhiều thí sinh không xác nhận nhập học
"Nhiều thí sinh nghĩ đơn giản việc làm gói gọn theo tên ngành học, trong khi các ngành này rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các công việc liên quan như con giống, giống cây, thức ăn chăn nuôi", ông Nguyên nói. Ông cho biết mức lương sinh viên theo học ngành chăn nuôi làm việc tại cơ sở thức ăn gia súc hiện nay ít nhất từ 15 triệu đồng.
Ông Khoát cũng cho biết thí sinh ít lựa chọn các ngành học đặc thù như Kỹ thuật dầu khí, Địa chất, Trắc địa, Mỏ và Môi trường do lo ngại môi trường làm việc vất vả hoặc ra trường không có việc làm. Nhiều thí sinh chạy theo xu hướng đăng ký các ngành "hot" như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Tự động hóa. Tuy nhiên, các ngành truyền thống về Địa, Khoáng sản, Tài nguyên hiện còn thiếu nhân lực, nhiều doanh nghiệp đến tuyển nhưng khó khăn.
"Nhân lực ngành thiếu, khó đáp ứng khi thí sinh theo học ít, đầu ra chỉ có vài chục em. Nếu tiếp diễn thực trạng này, khoảng 5 năm tới, nguồn nhân lực các ngành sẽ mất cân bằng, sinh viên theo học các ngành 'hot' quá đông, dẫn đến thất nghiệp hoặc làm trái ngành", ông Khoát lo ngại.
Để duy trì đào tạo các ngành học này, các trường có giải pháp như đổi mới chương trình đào tạo, ghép lớp tích hợp với các ngành có môn học cơ sở chung.
Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Mỏ - Địa chất cho biết trong những năm tới, trường vẫn duy trì các ngành truyền thống thế mạnh nhưng sẽ đổi mới chương trình học và mở thêm các ngành mới có tính chất liên ngành, đội ngũ chuyên gia chất lượng cao có thể đào tạo cùng các ngành truyền thống ít thí sinh. Nhân lực ngành truyền thống làm việc tại các cơ quan như công trình tàu điện ngầm, xử lý dữ liệu địa chấn, thăm dò khoáng sản rất quan trọng, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trường đào tạo để đảm bảo nhân lực, phát triển thế mạnh tài nguyên khoáng sản của nước nhà.
Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Tây Nguyên chia sẻ thêm, dù thí sinh có giảm theo từng năm, thay vì đóng ngành, trường đẩy mạnh đổi mới giảng dạy theo hướng hiện đại hóa, dạy kỹ thuật mới, công nghệ mới, đổi mới các học phần. Trường cũng tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh, giải thích rõ cho thí sinh về cơ hội việc làm cũng như mức lương hấp dẫn của các ngành truyền thống.
Hiện tại, các trường đã thông báo xét tuyển bổ sung để khắc phục tình trạng thiếu thí sinh tại một số ngành. Trường Đại học Tây Nguyên tuyển bổ sung từ 19/9 đến 10/10, Đại học Mỏ - Địa chất từ 23/9 đến 3/10, Đại học Hùng Vương TP HCM tuyển bổ sung kéo dài đến 9/10.
Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung, 567.018 trúng tuyển đợt 1, đạt tỷ lệ 91,4%. Tính đến 17h ngày 30/9, hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, 463.440 thí sinh đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81,7%. 103.578 thí sinh không xác nhận nhập học.
"Lớp có 5 hay 10 sinh viên, trường vẫn sẽ tổ chức đào tạo, giảng dạy áp dụng công nghệ cao vào học phần các ngành truyền thống, đảm bảo đầu ra chất lượng cao, phục vụ phát triển và các yêu cầu mới của các ngành truyền thống trong tương lai", ông Nguyên nói.
> Tuyển sinh đại học đợt 1 có nhiều trường thiếu hàng nghìn chỉ tiêu, cần phải xét tuyển bổ sung
> Bộ GD-ĐT đã thông báo kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 sẽ được giữ ổn định
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp