Cần lùi giờ vào học để học sinh có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đủ giấc, đủ bữa, vì sự phát triển trí tuệ, chiều cao của các em.
1. Nên lùi giờ vào học vì trí tuệ, chiều cao của học sinh!
1.1 Càng hiện đại thì càng không nên trái nhịp sinh học
Tính đến sáng 18/10, nhiều nhóm (group) trên các nền tảng mạng xã hội của phụ huynh học sinh các trường học đều bàn luận sôi nổi câu chuyện về “Nên lùi giờ vào học của học sinh”, tốt nhất là 7 giờ 30 bắt đầu học. Học sinh có thể tới trường từ 7 giờ, nhưng có 30 phút để ăn sáng, tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi, đọc sách, dò bài, hoặc bạn nào vận động nhẹ ở sân trường trước khi một ngày học tập bắt đầu.
Nhìn nhận ở góc độ khoa học, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, cho hay nếu lùi giờ vào lớp, để trẻ vào học lúc 7 giờ 30 thì cũng không nên kéo dài hơn thời gian ở trường.
“Trẻ phải được ăn sáng thì mới đủ năng lượng để học tập. Khi ăn sáng thì đến trưa dạ dày mới tiết dịch vị, trẻ mới có cảm giác thèm ăn, tiêu hóa được thức ăn. Ăn sáng vội vàng lại càng không tốt, ăn xong học ngay cũng không tốt”, tiến sĩ, bác sĩ Danh nói.
Bên cạnh đó, ông Danh lưu ý học sinh phải được ăn sáng đầy đủ, đủ lượng, đủ chất, ăn xong cần ít nhất 10-15 phút để thức ăn tiêu hóa chứ không phải vội vội vàng vàng vừa đi vừa ăn, ăn trên yên xe máy của phụ huynh.
Theo ông Danh, tan trường từ 16 giờ 30 tới 17 giờ là hợp lý, nhưng phụ huynh cần phải đảm bảo con em đi ngủ sớm.
Bác sĩ Danh lưu ý trẻ em trong độ tuổi tiểu học tốt nhất cần được đi ngủ trước 21 giờ. Còn học sinh các cấp THCS, THPT cần phải đi ngủ trước 22 giờ. Buổi trưa, học sinh có thể ngủ 30 phút, hoặc nhắm mắt nằm nghỉ 15-20 phút và cần có thời gian để chơi thể thao, thải trừ các chất ứ đọng, duy trì sự nhạy bén của các phản xạ thần kinh và quá trình tư duy của não...
Theo Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, hiện nay đang có tình trạng học sinh gặp quá nhiều áp lực nên các em dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém nên thiếu năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe.
"Tình trạng thiếu ăn, đói ngủ thường gặp rất nhiều ở học sinh. Điều này gây suy yếu hoạt động trí não và suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập", bác sĩ Danh lưu ý.
Hình ảnh không còn xa lạ ở nhiều trường học vào mỗi sáng
1.2 Trẻ em từ 6-11 tuổi nên ngủ từ 9-13 giờ/ ngày
Huấn luyện viên đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia Trương Minh Sang, có con là học sinh tiểu học, cho biết khi đứa trẻ được ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao phù hợp thì sẽ phát triển chiều cao, thể lực, đầu óc luôn minh mẫn, tỉnh táo, tràn đầy năng lượng để tiếp thu kiến thức bài học tốt hơn.
“Trẻ em nên được đi ngủ sớm. Tổ chức Giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) khuyến nghị, trẻ em từ 6-11 tuổi nên có thời lượng ngủ từ 9-13 giờ mỗi ngày. Ngoài giờ học, trẻ cần thời gian để chơi thể thao, kết nối với các thành viên trong gia đình chứ không phải chỉ đi đến trường, về nhà lại cắm đầu làm bài tập tới khuya rồi đi ngủ luôn, ngủ được vài tiếng là lại dậy sớm tinh mơ đi học, không có thời gian ăn sáng tử tế, như vậy là chúng ta đang 'nuôi gà'”, anh Sang nói.
1.3 "Em mong lùi giờ học để được ngủ đủ, đủ sức 'chiến đấu'”
Nhiều phụ huynh đồng tình với quan điểm nên lùi giờ vào học, vì tương lai chiều cao, trí tuệ, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh.
Một phụ huynh phân tích: “Trẻ em cần ngủ nhiều để cao lớn. Bắt trẻ thức khuya làm bài tập, rồi bắt dậy sớm để tới trường, thì các em không có đủ thời gian ngủ thì làm sao cao lớn được. Về mặt khoa học, trẻ phải ngủ trước 10 giờ và phải ngủ 9 tiếng thì hormone tăng trưởng mới sinh ra nhiều để phát triển chiều cao. Bắt trẻ thức khuya dậy sớm là rất phản khoa học”.
“Tác hại của việc đi học sớm là trẻ phải ăn sáng quá sớm hoặc bỏ ăn sáng. Bỏ ăn sáng thì không có đủ sức để học. Còn ăn sáng quá sớm khi vừa ngủ dậy thì sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường. Vì thế, ngành giáo dục muốn con em chúng ta cao lớn sánh vai cường quốc năm châu thì nên cho con em chúng ta đi học muộn một chút và ít giao bài tập về nhà một chút”, phụ huynh này cho hay.
Nên lùi giờ vào học, vì sức khỏe thể chất, tinh thần của các thế hệ học sinh!
2. Lùi giờ vào học được không: Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?
2.1 Giao cho các trường chủ động sắp xếp
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay các trường triển khai giảng dạy theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và 2018, dạy học 1 buổi hoặc 2 buổi/ngày (theo quy định của chương trình và tình hình thực tiễn của nhà trường). Thời gian bắt đầu học và ra về được giao cho các đơn vị chủ động sắp xếp.
Theo ông Quốc, việc sắp xếp giờ giấc này phụ thuộc vào kế hoạch giảng dạy của quận, nhà trường; độ tuổi học sinh; hoàn cảnh chung của các học sinh (công việc của ba mẹ, người đưa đón…); tình hình an toàn trật tự và mật độ giao thông trong khu vực; kế hoạch tổ chức bán trú và các hoạt động sau giờ học chính khóa…
“Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và có các đề xuất chung phù hợp về thời gian vào học để đảm bảo đủ thời gian giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch nhà trường, đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, thuận lợi việc đưa đón và đảm bảo sức khỏe cho học sinh”, ông Quốc nói.
Vào học quá sớm khiến trẻ không có thời gian ăn sáng cũng như ngủ không đủ giấc
2.2 Cả phụ huynh lẫn học sinh đều mệt mỏi
Chị Tâm Anh, có con học tại Trường tiểu học Lý Nhân Tông, P.9, Q.8 cho hay các con phải có mặt ở trường lúc 7 giờ, mặt cháu nào cũng ngơ ngác vì thiếu ngủ, mới ngủ dậy cũng chưa thể ăn sáng đàng hoàng nhưng đã phải mắt nhắm mắt mở, dậy chuẩn bị vệ sinh cá nhân rồi đến trường.
“Có cháu ăn vội miếng bánh trên yên xe máy cha mẹ. Tối về các con lại ôn bài, làm bài, tới khuya mới được đi ngủ. Nhìn rất xót xa. Đói ăn thiếu ngủ triền miên như thế, ngược lại với khoa học như thế làm sao có thể cao lớn, phát triển trí tuệ tốt nhất?”, người mẹ này chia sẻ.
2.3 58% chọn vào lớp lúc 7 giờ 30
Theo một khảo sát gần đây, có tới 58% phụ huynh chọn phương án cho học sinh vào lớp lúc 7 giờ 30. Chỉ 6% ủng hộ học sinh vào lớp lúc 7 giờ sáng.
Độc giả khanhphuong, một giáo viên mầm non có 3 đứa con đang trong độ tuổi đi học, chia sẻ: “Sáng tôi phải gọi con dậy từ 5 giờ 45 hoặc 6 giờ sáng để đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, ăn sáng vội rồi đi. Tôi thì 6 giờ 45 phút phải có mặt ở trường, muộn nhất là 7 giờ, nếu muộn hơn sẽ bị khiển trách. Có những phụ huynh đưa con đến còn mang cả đồ ăn sáng đến rồi nhờ cô cho ăn giúp".
Vì sao không lùi giờ vào lớp lúc 7 giờ 30 để học trò có thêm thời gian nghỉ ngơi, ăn uống?
"Giáo viên mầm non thường than với nhau rằng con mình thì bỏ, con người thì cho ăn (vì tôi phải đi làm sớm các cháu phải tự ăn). Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông, người lớn còn chẳng muốn ra khỏi chăn mà tôi nhìn con tôi ăn qua loa vội vàng rồi đi, tôi rất lo lắng. Tôi rất mong các cấp lùi giờ vào lớp và giờ tan học của các con lại. Buổi chiều con tôi 16 giờ đã tan nhưng tôi lại phải đăng ký học thêm môn phụ nếu không thì sẽ không có ai đến đón”, độc giả khanhphuong chia sẻ.
Phụ huynh Đăng Khoa thì gọi việc con phải đến trường quá sớm vào buổi sáng và tan trường vào giờ “lỡ cỡ” 16 giờ 15 phút mỗi ngày là sự thật tréo ngoe mà cha con anh phải chịu đựng suốt 8 năm nay.
“Có một thực tế nhiều năm nay cha con tôi phải chịu đựng. Sáng tất bật đưa con đến trường trước 6 giờ 30. Thế là tôi đến chỗ làm khoảng 7 giờ và ngồi chờ đến 8 giờ bắt đầu làm việc. Đến chiều thì con tôi ra về lúc 16 giờ 15, còn tôi thì ra lúc 17 giờ và cắm đầu cắm cổ chạy về tới trường con, sớm lắm cũng 17 giờ 25. Thời gian đó, con tôi cũng vật vờ ở ghế đá trong sân trường. Thật tréo ngoe, nhưng cha con tôi đã phải chịu đựng 8 năm nay. Thiết nghĩ nên xem lại việc bố trí giờ sao cho hợp lý hơn, để phù hợp với giờ giấc của cha mẹ", phụ huynh Đăng Khoa chia sẻ.
> Ngân sách giáo dục chi cho chuyên môn không đảm bảo - Thu tiền vệ sinh có nơi gây tranh cãi
> Lương khởi điểm của giáo viên thấp: Bộ GD-ĐT đang xây dựng chính sách lương mới
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp