Với suy nghĩ muốn cho con có thể bằng bạn bằng bè, nhanh chóng hấp thu kiến thức thì nhiều phụ huynh thường đưa con đi học chữ trước khi vào lớp 1? Vậy điều này có nên hay không?
1. Cho con đi học để yên tâm
Có mặt tại Trung tâm luyện chữ Ngân Xuân (Bạch Mai Hà Nội), chúng tôi quan sát thấy rất nhiều phụ huynh gửi gắm con em tại trung tâm để luyện chữ với mong muốn con khỏi lạc lõng với kiến thức trước khi bước vào lớp 1.
Chị Mai Hương nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội chia sẻ: Có con đầu lòng vào lớp 1 mình cứ lo ngay ngáy, tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh thì được khuyên nên cho con học chữ sớm.
Chị nói: “Bây giờ đa số ai cũng thế, nếu như không cho con học chữ trước chỉ sợ cháu vào năm học mới không tiếp thu được bằng bạn bằng bè”.
Có nên cho con học chữ khi vào lớp 1?
Chỉ một tháng nữa con sẽ bước vào lớp 1, chính vì thế mấy tháng nay chị đôn đáo tìm lớp học thêm cho con. "Cho con đi học thêm mới thấy có khá nhiều phụ huynh cũng có tâm trạng giống mình nên số phụ huynh đăng kí cho con học rất đông” - chị Hương cho biết.
Cùng suy nghĩ, chị Minh Anh – nhà ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Nhiều chị có con học tiểu học truyền đạt lại kinh nghiệm rằng nếu không cho con đi học biết chữ, biết tính trước khi vào lớp 1 sẽ bị lạc lõng, không theo kịp chương trình. Nghĩ tới nghĩ lui mãi cũng phải quyết định cho con đi học trước”.
Chị Minh Anh kể: “Đi làm giờ hành chính về là mình cho bé uống gấp một hộp sữa, 5h30 phải có mặt ở nhà cô, học 1 tiếng. Về nhà tắm rửa, ăn cơm xong con phải ngồi viết bài cô giao nữa, mỗi ngày viết ba trang”.
Mẹ Mai Hiền cũng có con đang học chuẩn bị vào lớp 1 thì cho rằng việc học chữ cho trẻ trước khi vào lớp một là điều cần thiết bởi: “Lớp học thường quá đông nên cô giáo không có thời gian kèm cặp nắn nót từng nét chữ cho từng em một.
Rút kinh nghiệm từ cháu trước không được học chữ nên khó theo kịp bạn bè do chương trình học lớp 1 của các em hiện nay khá nặng. Mới học kỳ I mà đã nghe cô giáo đọc rồi viết lại những âm, vần, từ, câu cho đúng, sang học kỳ II thì đã làm toán có lời giải, viết cỡ chữ nhỏ, viết chính tả nghe đọc hoặc tập chép nguyên một đoạn thơ, đoạn văn..." - chị Mai Hiền cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số phụ huynh phản đối việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1.
Chị Nguyễn Thu Huệ, Cầu Giấy chia sẻ: “Tôi nghĩ không nên cho con học chữ trước vì như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt trình độ của các con khi vào lớp 1, bởi trong lớp có trẻ chưa biết viết, trẻ thì thành thạo.
Theo tôi việc học chữ là quan trọng nhưng không cần học trước. Nếu cha mẹ không quá đặt nặng việc con mình viết chữ đẹp, học vẹt một cách máy móc thì không nên, nét chữ của con có thể hơi xấu, hay không được tròn trĩnh, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc tiếp thu của trẻ.
Hơn nữa ở tuổi các cháu nên được tự do vui chơi và khám phá những kỹ năng xã hội, kỹ năng ngôn ngữ theo cách tự nhiên nhất. Nếu dạy chữ cho bé từ trước, khi vào lớp 1 sẽ mất hứng thú khi học lại cái cũ. Chính vì vậy tôi thường mua đồ chơi có những chữ số và con số cho cháu tiếp cận dần để cháu có thể được chơi, được học".
2. Vậy có nên cho con đi học trước khi vào lớp 1 hay không?
2.1. Hãy xác định đúng học ở đây là gì?
Có nhất nhất là phải học chữ, học số, học viết hay không? Cá nhân mình nghĩ là không. "Học" ở đây còn là học hỏi, học kĩ năng, học giao tiếp và thói quen tốt...
"Học" là cho con khám phá và trải nghiệm thật nhiều điều, để con có vốn kiến thức phong phú, giúp con tự tin vào bản thân, yêu quý và gắn bó với mọi thứ xung quanh.
Không nhất thiết dạy con thuộc chữ số máy móc, thay vào đó dạy con biết đếm, nhận biết nhiều hơn - ít hơn, dạy con dài - ngắn, hơn - kém.
Không nhất thiết cứ phải dạy con phép tính trong sách vở. Cứ dạy con biết thêm vào, bớt đi bằng những cái kẹo, chiếc bánh, hay đồ vật gần gũi hàng ngày... Bằng những bài toán cho bạn kẹo, hay lấy số quả biếu ông, biếu bà... ấy cũng là "học", lại còn dạy con biết chia sẻ, yêu thương.
Không nhất thiết phải bắt con thuộc mặt chữ, mặt số. Ngần ấy chữ cái, nếu thuộc máy móc, đứa trẻ nào nhớ nổi. Thay vào đó, tìm ví dụ các đồ vật gần gũi, có nét tương đồng, giới thiệu với con. Như hôm nay bố mẹ giới thiệu với con những người bạn mới:
Số 1 - "cái gậy".
Số 2 - "con vịt".
Hay là chữ O - "quả trứng"... và nhiều nhiều nữa tuỳ vào sự liên tưởng của các con.
Bạn có tin, con sẽ ghi nhớ trong một nốt nhạc không? Đó. Học cũng không có gì quá to tát và căng thẳng, đến mức con "mất đi tuổi thơ" cả. Học đúng cách, con chỉ có "tuổi thơ tuyệt vời" trở lên mà thôi.
2.2. Tuỳ vào nhận thức của con để quyết định việc học
Nếu con nhận thức tốt, nhanh nhạy thì không cần dạy con trước quá nhiều. Cho con làm quen một vài kỹ năng như kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp... Cho con rèn luyện thêm một chút về tư duy với các trò chơi toán học. Tuổi nào thì con người cũng cần có sự rèn luyện và phát triển tư duy. Đâu ai quy định cứ 6 tuổi mới được học. Có nhiều đứa trẻ, khám phá và tìm tòi là đam mê, sao có thể ngăn cấm chỉ vì: Con chưa đủ tuổi để học?
Ngược lại, nếu con có nhận thức chưa thực sự nhanh nhạy, thì bố mẹ tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng và vui vẻ, miễn sao phải VỪA SỨC và PHÙ HỢP với con. Trong giáo dục, tính vừa sức là một trong các yếu tố hàng đầu. Và phải tôn trọng mức độ nhận thức đó. Vì cả mình và con, không ai có thể chọn được yếu tố này".
2.3. Làm thế nào khi con không tập trung, dạy mãi không hiểu bài?
Theo chia sẻ của cô Ngọc Anh, trong mấy năm làm giáo viên lớp 1, có nhiều phụ huynh tâm sự với cô về việc dạy mãi con không hiểu bài, thậm chí 2 mẹ con "vật lộn" với nhau đến 10-11h đêm, đến khi nào chịu hiểu thì thôi.
Nữ giáo viên này cho rằng, mỗi đứa trẻ 5-6 tuổi chỉ có thể tập trung để hiểu vấn đề trong vòng 10-15 phút. Nếu con vẫn chưa hiểu, bố mẹ nên chuyển "kênh" khác vì kiến thức đó chưa phù hợp để dạy con thời điểm đó. Nếu như cố ép con tiếp nhận đến cả vài tiếng thì không khác nào tra tấn về tinh thần mà chỉ để thoả cảm xúc của bố mẹ. Con sẽ hình thành tâm lý sợ học, mất đi hứng thú học.
2.4. Trước khi vào lớp 1, con cần học gì?
Về việc cha mẹ cần chuẩn bị trước điều gì khi con vào lớp 1, cô Ngọc Anh đưa ra khuyên như sau:
Với môn Toán: Cha mẹ cho con nhận biết số và đếm được 1-10, biết so sánh nhiều hơn - ít hơn. Giỏi hơn nữa mà biết thêm - bớt thì càng tốt.
Với môn Tiếng Việt: Con nhớ được các mặt chữ là rất tốt. Sau này cô giáo sẽ dạy ghép vần nhanh hơn, bố mẹ và các con mới là những người đỡ vất vả hơn cả.
Còn kĩ năng viết: Thật ra không quá khó khi bắt đầu từ những nét đầu tiên. Bố mẹ cho con tập tô vài nét cơ bản, mục tiêu không phải để con biết viết mà là để kỹ năng cầm bút đúng hơn, cổ tay mềm mại hơn. Sau này con làm quen việc viết bài nhanh hơn, đỡ mỏi tay hơn.
Việc học viết thành một con chữ hoàn chỉnh, bố mẹ hãy để cô giáo lớp 1 dạy. Bởi vì cô giáo có phương pháp và kinh nghiệm sẽ dạy dễ hơn.
"Điều quan trọng nhất khi vào lớp 1, con cần có kỹ năng như tự phục vụ, biết xúc ăn, tự vệ sinh, tự cảm nhận nóng - lạnh để mặc thêm áo, cởi bớt áo, kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô hay người lớn tuổi, kỹ năng an toàn và tự vệ (bố mẹ dạy từ càng sớm càng tốt) để con luôn được an toàn trong mọi môi trường. Khi con có đủ các kỹ năng cần thiết, con sẽ yên tâm đi học, yên tâm khám phá, học hỏi kiến thức, kỹ năng khác.
Dạy con lớp 1, cũng như câu chuyện "Dắt ốc sên đi dạo". Nếu công việc này đòi hỏi không thể đi nhanh hơn, chi bằng mình cứ ngắm cảnh hai bên đường, tận hưởng không khí trong lành tươi mát của thiên nhiên, cho lòng thêm vui vẻ", cô Ngọc Anh bày tỏ.
> Cha mẹ nên học cách tôn trọng con cái
> Làm gì khi trẻ cần sự thúc đẩy từ cha mẹ?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp