Năm 2020, Trần Thanh Nhân Đức, 26 tuổi, quê Bình Định, giành học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus, chương trình "Tin học thủy văn và quản lý tài nguyên nước" (Hydroinformatics and Water Management) tại 5 nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, anh nhận được đề nghị thực tập tại các đại học và công ty ở Pháp, Bỉ, Hà Lan và Mỹ.
Đầu tháng 3 tới, Đức bắt đầu kỳ thực tập thạc sĩ tại Đại học Virginia (top 25 tại Mỹ) với dự án nghiên cứu liên quan đến nước ngầm.
Mức hỗ trợ thực tập của Đức khoảng 30.000 USD (gần 700 triệu đồng) trong 5 tháng, gồm tiền trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm và các khoản tương đương một sinh viên chính quy. Đây là điều không nhiều sinh viên đạt được, bởi thông thường kỳ thực tập sẽ không có lương hoặc chỉ được trả một phần. "Những sinh viên có điểm học tập tối thiểu 3,5/4 và có thư giới thiệu từ giáo sư mới có cơ hội xin thực tập có hỗ trợ", Đức nói.
Anh xác định, nếu chỉ có 1.000 euro (khoảng 27 triệu đồng) mỗi tháng từ mức hỗ trợ của học bổng Erasmus Mundus, anh sẽ khá chật vật trong kỳ thực tập không lương. Đức có thể phải sử dụng đến quỹ tài chính đang để dành, và điều này khiến anh gặp rủi ro sau khi tốt nghiệp nếu chưa xin được việc ngay.
Do đó, ngay sau khi kết thúc học kỳ I tại Pháp, chàng trai sinh năm 1996 đã tìm kiếm cơ hội được hỗ trợ thực tập. Anh tận dụng các nền tảng Linkedin, Twitter và Facebook để kết nối với những người nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước. "Thông thường, các giáo sư đều đăng thông tin tìm nghiên cứu sinh trên các nền tảng này, nên chỉ cần theo dõi họ, bạn có thể tìm được cơ hội", Đức nói.
Thông qua Facebook, Đức liên lạc với một nghiên cứu sinh, thời điểm đó đang làm việc tại phòng nghiên cứu của Đại học Virginia, nơi anh xin được hỗ trợ thực tập sau này. Sau khi trao đổi, Đức được biết một giáo sư tại Đại học Virginia sắp triển khai một dự án, liên quan đến nước ngầm. Cảm thấy hướng đi của giáo sư phù hợp với định hướng và chuyên ngành đang học, Đức lên kế hoạch chi tiết để xin thực tập và hỗ trợ tài chính.
Để được hỗ trợ 30.000 USD trong 5 tháng thực tập, Nhân Đức gây ấn tượng với ba yếu tố trong hồ sơ: GPA, thành tích nghiên cứu, thư giới thiệu.
Chàng trai Bình Định-Trần Thanh Nhân Đức (bên trái) giành được gói hỗ trợ 30.000 USD trong 5 tháng thực tập
1. Yếu tố đầu tiên: Điểm trung bình học tập (GPA)
Đức cho rằng, đây là yêu cầu tiên quyết để xin hỗ trợ thực tập. Đức đặt mục tiêu GPA tối thiểu 3,5/4.
Trong năm học đầu tiên, Đức học 12 môn, hầu hết là đại cương. Xác định sẽ theo đuổi nghiên cứu về nước ngầm, anh cố gắng đạt điểm cao tại các môn liên quan, là nền tảng cho lĩnh vực sẽ theo đuổi, gồm Quản lý tài nguyên nước (Water and Aquatic Environment Management), Mô hình số cho nước ngầm (Groundwater modelling), Tính toán thuỷ lực (Computational Hydraulics).
Do đó, Đức học nghiêm túc từ đầu kỳ. Khi Covid-19 bùng phát và phải học online, anh và bạn bè phân công nhau ghi hình bài giảng, mỗi buổi học kéo dài 3 tiếng. Đến ngày thi, Đức xem lại bài giảng trên dưới 10 lần để nghe hiểu mọi điều giáo sư nói. Chàng trai quê Bình Định đánh giá, cách làm này tốn thời gian nhưng rất hiệu quả.
Nếu học tại giảng đường, Đức sẽ ghi âm, đồng thời ghi lại từ khóa theo các phần giảng viên nói. Anh cho rằng các thầy cô luôn có ẩn ý trong những bài giảng, có những thứ được nhắc nhiều lần. Kết thúc năm học, anh đạt điểm tối đa ở 7 trên tổng số 12 môn, đã gồm 3 môn mục tiêu, tổng kết trung bình 3,62/4.
2. Yếu tố thứ hai: Thành tích nghiên cứu.
Điều thuận lợi của Đức là anh đã làm nghiên cứu từ năm ba đại học và duy trì nhịp độ ngay từ đầu chương trình thạc sĩ, bởi muốn học lên cao hơn. Trong hơn một năm tại châu Âu, Đức đã công bố năm bài báo khoa học, đều liên quan đến nước mặt, tại các tạp chí và hội nghị uy tín.
Anh đánh giá, thành tích nghiên cứu của anh tập trung về nước mặt, trong khi lại đạt GPA cao về nước ngầm. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau, thể hiện anh có tốc độ làm nghiên cứu về một chuyên ngành, đồng thời có khả năng học tập ở một chuyên ngành khác. "Mình nghĩ đây là điểm sáng của hồ sơ xin thực tập thạc sĩ. Bởi dù hướng đến việc tham gia các nghiên cứu về nước ngầm, mình vẫn cho thấy bản thân còn có những thế mạnh khác", Đức nói.
Theo anh, nếu có điều kiện, sinh viên nên tham gia nghiên cứu sau khi kết thúc năm hai đại học. Làm nghiên cứu sớm giúp anh hiểu sâu hơn về ngành học. Trong quá trình đó, anh có cơ hội làm việc với các giáo sư và học hỏi kỹ năng, kiến thức của họ.
3. Yếu tố cuối cùng: Tìm được tiến sĩ, giáo sư giới thiệu.
Đức cho rằng, đây phải là người đã dạy hoặc làm việc chung với bạn, từ đó mới có nhận xét và đánh giá xác đáng về năng lực học tập, nghiên cứu của bạn.
Trong quá trình nghiên cứu, để có các công bố khoa học, Đức làm việc và nhận được phản biện từ một tiến sĩ, cũng là giáo viên của anh, tại Khoa Xây dựng, Kỹ thuật Thuỷ văn và Môi trường, Đại học Khoa học và Công nghệ Warsaw, Ba Lan. Thầy có chuyên môn cao về nước ngầm, cũng là lĩnh vực Đức đang nhắm tới trong đợt thực tập thạc sĩ. Do đó, anh đã nhờ thầy viết thư giới thiệu cho mình.
Theo Đức, để thuyết phục được thầy cô đề cử, điều đầu tiên và tối thiểu bạn cần làm là học tốt môn của họ, để họ "nhớ mặt đặt tên". Cùng với đó, hãy cố gắng xây dựng bài và duy trì liên lạc với họ. Trong quá trình học, bạn có thể giúp họ thu bài, làm trưởng nhóm, chịu trách nhiệm truyền đạt các thông tin giữa lớp và họ.
Đức nhận định, không chỉ riêng tại châu Âu, việc được một tiến sĩ, giáo sư đề cử rất quan trọng, quyết định 50-60% kết quả thực tập thạc sĩ. Bởi khi bạn được một người uy tín trong ngành đánh giá cao, các trường hoặc doanh nghiệp sẽ tin tưởng vào khả năng của bạn hơn rất nhiều.
> Hành trình chinh phục học bổng 8 kỳ học của nữ sinh quê Bắc Ninh
> Hành trình chàng trai 27 tuổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại tại ĐH Dược Hà Nội
Theo VnExpress