Trần Hải Yến - nữ sinh 18 tuổi "lọt mắt xanh" hội đồng tuyển sinh bốn trường đại học tinh hoa thuộc nhóm Ivy League, Mỹ.
Tháng 3, Hải Yến, học sinh trường Quốc tế Concordia Hà Nội, liên tục nhận tin vui từ bốn trong 8 trường đại học tư thục danh giá hàng đầu Mỹ (Ivy League) gồm: Đại học Princeton (đứng đầu nhóm đại học quốc gia Mỹ, theo bảng xếp hạng của US News & World Report năm 2022), Columbia (đứng thứ 2), Yale (5), Pennsylvania (8) cùng một số đại học top đầu khác như Vanderbilt (14), Williams (đứng đầu nhóm Liberal Arts Colleges - LAC), Washington & Lee (11 LAC). Trong số này, nhiều trường hỗ trợ tài chính cho Yến, trong đó trường Yale cấp học bổng toàn phần cho bốn năm học.
Từng bị đưa vào danh sách "Deferral" (treo hồ sơ) chứ không được nhận ngay ở vòng tuyển sinh sớm - REA (Restricted Early Action) của Đại học Princeton, Yến từ hoang mang đến vỡ òa hạnh phúc khi được bốn trường Ivy League nhận.
"Apply sáu trường Ivy League nên em phải chờ đợi và hồi hộp rất nhiều. Ngày nhận kết quả đỗ bốn trường, cả gia đình em hét lên sung sướng, còn em không tin được vào mắt mình", Yến nói.
Giữa nhiều cơ hội, Hải Yến chọn Đại học Yale - nơi đánh giá cao và chào đón em nồng nhiệt. Giáo sư John Yi, Phó giám đốc tuyển sinh Đại học Yale, đã viết tay thêm một đoạn trong thư trúng tuyển gửi Yến vào ngày 31/3. "Bạn truyền cảm hứng cho tôi, tư duy cởi mở và tự do của bạn là tố chất phù hợp với Yale. Tôi kỳ vọng bạn sẽ là một tiếng nói ảnh hưởng thúc đẩy xã hội Việt Nam trong những năm tới", bức thư có đoạn.
Giống như bất kỳ học sinh nào có ý định "apply" (nộp hồ sơ ứng tuyển) đại học Mỹ, Hải Yến chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và sự đầu tư cho bài luận nhằm thể hiện bản thân "xuất sắc toàn diện, có bản sắc riêng và có những cống hiến cho cộng đồng".
Yến trong lần làm diễn giả của chương trình TEDx Talk
Yến chứng minh năng lực học tập khi liên tục đạt danh hiệu "học sinh giỏi" từ tiểu học đến THPT. Ở cấp THPT, nhận thấy Yến "dư sức học", hội đồng trường quyết định cho em học đến 12 tín chỉ (học sinh khác thông thường tối đa 8 tín chỉ) của chương trình AP (Advanced Placement, tạm dịch Lớp Nâng cao). Đây là hình thức học tín chỉ tự chọn theo khả năng rất phổ biến ở các trường THPT tại Mỹ với mục đích giúp học sinh tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình nộp hồ sơ đại học. Hiện ở Việt Nam, chỉ một số trường trung học quốc tế có đào tạo và tổ chức thi AP.
Với số lượng tín chỉ AP lớn, có độ khó tương đương chương trình năm nhất đại học, nữ sinh 18 tuổi vẫn hoàn thành tốt. Các môn AP của Hải Yến (trừ môn Tâm lý học) đạt tối đa 5/5. Ngoài ra, em có SAT 1560/1600, SAT II môn Toán và Hóa đạt tuyệt đối 800/800.
Thầy Santos Emanuel, giáo viên môn Toán tại trường Concordia, từng rất ngạc nhiên về tư duy Toán của Hải Yến. "Trước kia tôi là giảng viên đại học, cách giảng có chút khác biệt so với dạy học sinh cấp 3 nên một số em trong lớp không hiểu được. Cách giảng và dùng từ của Yến vô cùng mạch lạc, dễ hiểu nên tôi cho em làm trợ giảng. Tôi đã lấy bài giải của Yến làm bài giải mẫu cho học sinh và chính bản thân mình", thầy nói.
Thành tích học tập tốt là điều kiện cần để vào các trường Ivy League nhưng chưa đủ. Để thể hiện bản thân, Yến tập trung đầu tư cho bài luận cá nhân. Khi tìm hiểu việc apply du học tại các đại học top đầu Mỹ, em nhận thấy học sinh châu Á ít nói đến chính trị nên đã chọn chủ đề này cho bài luận. Đây cũng vốn là phần kiến thức em yêu thích và thường xuyên tìm hiểu. Theo Yến, việc không ngại đề cập một số vấn đề chính trị và sẵn sàng thể hiện góc nhìn riêng giúp em ghi điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh.
Ngoài ra, những thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng giúp Yến củng cố hồ sơ du học. Nữ sinh từng đạt giải vàng cuộc thi "Phát minh Công nghệ AI - Jam Sillicon Valley Competition" khi cùng đội thiết kế một mạng lưới sử dụng trí tuệ thông minh để nhận dạng tiếng kêu của động vật, đặc biệt là động vật hiếm, để hỗ trợ bảo tồn sinh vật.
Ở cuộc thi "Phát minh Công nghệ 1 Idea 1 World Thổ Nhỹ Kỳ", Yến giành giải vàng khi cùng đội thiết kế một hệ thống sử dụng trí tuệ thông minh để nhận dạng nhịp thở bất thường, được liên kết với chip máy tính nhằm giúp người dùng vào vị trí dễ thở (và khó ngáy) hơn. Đây là ý tưởng được em đưa ra khi thấy bố mình hay ngáy ngủ.
Nữ sinh 18 tuổi cũng từng đạt giải vàng cuộc thi "Phát minh công nghệ Advanced Innovation Global Competition Singapore" nhờ thiết kế mạng lưới sử dụng trí tuệ thông minh để nhận dạng tín hiệu đèn giao thông, liên kết với một thiết bị cầm tay cho người khiếm thị. Em còn tình nguyện dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, THCS ở huyện Đông Anh (Hà Nội).
"Tất cả thành tích, hoạt động trên đều góp phần giúp em nhận được đánh giá tốt từ hội đồng tuyển sinh các trường", Yến nói.
Yến trong tà áo dài truyển thống
Chị Thúy Phương, mẹ Hải Yến, vui mừng trước kết quả du học của con. Bà mẹ luôn tin tưởng con gái bởi từ 4 tuổi, Yến đã đọc chữ vanh vách, thường xuyên đặt câu hỏi ngược và say mê học tập. Nhà có một tầng áp mái chứa đầy sách, mỗi ngày đi học về, Yến rất thích chui lên đó đọc các tác phẩm của Hemingway cùng nhiều tác phẩm kinh điển.
"Quá tập trung vào suy nghĩ và các ý tưởng khoa học, nhiều khi con đi đường hay bị vấp, không để ý đến vũng nước trước mặt và ở nhà thường hay bừa bộn", chị Phương kể vui và đầy tự hào về con gái.
Hơn một tháng nữa, Hải Yến sẽ sang Mỹ nhập học Đại học Yale. Em dự định đến một quốc gia thứ ba sau khi ra trường để trải nghiệm, trước khi trở về Việt Nam làm việc.
"Không phải học sinh nào cũng phù hợp với nhóm Ivy League. Có bạn hợp với trường trong nhóm LAC (Liberal Arts Colleges), có bạn lại phù hợp với đại học top 30-50 bởi không dừng lại ở ứng tuyển thành công, ứng viên phải đủ sức theo học ở đó bốn năm", Yến nói.
> TOP 5 quốc gia Châu Âu được du học sinh Việt lựa chọn nhiều nhất
> TOP những quốc gia Châu Á được du học sinh việt lựa chọn nhiều nhất
Theo VnExpress