Vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ cho nên dù bạn khá Anh văn nhưng bạn vẫn phải dò từ điển liên tục, có khi một trang sách bạn đọc cả một tiếng mới hiểu, và bạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu được cặn kẽ. Mà bài học, kiến thức mới thì liên tục, có khi bạn chưa hiểu bài thì đã thấy test rồi, bài nào cũng test, tuần nào cũng có test.


Các loại test ở trường Mỹ thì tuỳ giáo viên quy định, có những giáo viên có pop quiz (giống như kiểm tra 15 phút ở Việt Nam mình). Tất nhiên những test này không được báo trước, thường thì bạn phải trả lời những câu hỏi giáo viên đưa ra trong vòng 5, 10 hoặc 15 phút. Bên cạnh đó mỗi bài học đều có những quiz test. Thường thì giáo viên họ đăng lên mạng, bạn làm trên máy tính ở mọi nơi. Bạn sẽ ngạc nhiên vì đã là test online thì bạn được phép về nhà làm và có thể mở sách ra xem. Nhưng loại test này không dễ dàng bao giờ, bạn càng mở sách ra đọc dò tìm câu trả lời bạn càng có nguy cơ lấy điểm 0. Vì sao? Quy định chung của giáo dục của Mỹ là suy luận, tức là bạn phải nắm thật rõ kiến thức và từ kiến thức bạn đã học bạn sẽ suy luận ra vấn đề thực tế. Có nhiều câu hỏi khi đọc lên bạn chẳng thấy trong bài học đâu cả, nhưng bạn phải đọc kỹ và suy luận áp dụng kiến thức đã học và tìm được câu trả lời.

 

Cách dạy trong trường học của Mỹ - Ảnh 1


Thường thì những test dạng trắc nghiệm (bạn chọn câu trả lời A, hay B, C, D), có nhiều câu trả lời gần như đánh lừa bạn về câu chữ, kiến thức (chúng tôi hay gọi là cheat), nó lắt léo vô cùng. Giáo viên Mỹ không bao giờ ra câu hỏi đại khái như là: hãy viết định nghĩa này, công thức kia… giống giáo viên Việt Nam. Ở Việt Nam bạn chỉ thuộc bài và viết lý thuyết đúng như trong sách học là lấy điểm dễ dàng. Ở Mỹ không bao giờ làm bài như vậy cả, cho nên cho dù bạn hiểu bài đó, bạn thuộc bài đó nhưng chưa chắc gì bạn làm bài được vì bạn cần phải có óc suy luận. Mà đa số cách giáo dục ở Việt Nam là lý thuyết, ít có sự suy luận nên du học sinh Việt Nam rất khó khăn trên con đường thành công về học vấn ở Mỹ. Và khi bạn làm bài trên mạng thì thời gian chỉ có hạn, thường thì một câu là 1 phút 30 giây, hoặc 2 phút, nhưng nếu thời gian càng dài thì bạn đừng mừng vội vì câu hỏi càng khó, cho nên bạn không có thời gian để mở sách ra xem đâu (mặc dù chẳng ai biết).


Loại test cuối cùng là exam, tùy bộ môn và giáo viên, có lớp có 4- 5 exam, hoặc có lớp có 2 exam, bạn phải làm tại lớp (giống như kiểm tra một tiết ở Việt Nam). Đề bài cũng toàn là phải suy luận, và 55 phút bạn phải trả lời 45 hoặc 50 câu hỏi. Càng nhiều exam thì bạn càng có lợi, vì bạn có cơ hội gỡ điểm cho những bài bạn làm không tốt. Nhưng nếu chỉ có 2 exam trong một môn thì bạn phải rất cẩn thận vì không có cơ hội gỡ điểm nhiều. Vì nếu chẳng may bạn không khỏe, hay bạn mất tinh thần làm bài không tốt, thì xem như bạn tiêu rồi, vì thang điểm exam này rất cao, quyết định 70% kết quả học của bạn. Có những giáo viên cộng thêm điểm homework, điểm hiện diện của bạn trên lớp, nhưng cuối cùng điểm exam vẫn xác định chủ yếu trong điểm số cuối cùng của bạn.


Bên cạnh đó có một số giáo viên yêu cầu bạn phải nộp cả giấy nháp làm bài cho họ, hoặc khi bạn viết bài luận văn bạn phải giữ lại bài nháp và nộp cho giáo viên (nếu họ yêu cầu). Vì giáo viên họ muốn biết đích xác là chính bạn làm hay không, hay bạn copy, mặc dầu thường thường khi ra đề exam trên lớp là có đề 1, đề 2 cho hai người ngồi kế nhau. Bạn thấy không giáo viên họ cẩn thận như vậy đó, nhưng đại đa số sinh viên Mỹ họ rất có ý thức, không bao giờ họ copy hoặc hỏi bài khi làm test, không biết làm họ nộp giấy trắng. Bạn nên nhớ rằng nếu bạn có hành vi gian lận thì ngay lập tức bạn bị đuổi ra khỏi trường và sẽ không trường học nào ở Mỹ nhận bạn vào học cả, dù chỉ một lần bạn gian lận.


Điểm số ở trường học Mỹ họ quy định là 70% bạn được C, 80% bạn được B-, và 90% được A-. Có những trường điểm trung bình 80% bạn được C. Nhưng nếu bạn học mà được C hoài thì xem như bạn không đủ điểm để transfer, thường thì GPA (điểm trung bình cộng tất cả các môn) của bạn phải ít nhất là 3,5 (tức là từng môn học đạt ít nhất là 85% đạt B trở lên) thì bạn mới có hy vọng được trường đại học nhận. Bạn thấy đó điểm số trung bình là C (tức điểm 7 tính trên hệ số 10) thì bạn pass lớp, nhưng bạn sẽ không được vào đại học, trong khi điểm trung bình ở Việt Nam là 5 điểm, điểm 7 xem như là khá. Do đó nếu một học sinh hay sinh viên Việt Nam có đạt loại giỏi ở Việt Nam cũng chưa chắc gì học tốt ở Mỹ.


Điểm số thì khắt khe, quy tắc giảng dạy thì đòi hỏi phải tư duy, cho nên áp lực đè nặng lên du học sinh rất nhiều. Khi bạn mới đến Mỹ học các lớp Anh văn rồi toán, bạn sẽ không thấy hết cái sự khó khăn trên, chỉ khi nào bạn vào những môn khác thì bạn sẽ thật sự cảm thấy là “nuốt không vô”. Chúng tôi thường nói với những du học sinh mới sang học là “học chừng hai khóa thôi thì thấy xanh mặt mày liền”, bao nhiêu mơ ước về học bổng về sự tiến xa hơn đều tiêu tan, sự chán nản sẽ dâng trào.


Nhưng tất cả mọi cánh cửa đều có chìa khóa để mở, và các vấn đề đều có cách giải quyết nhưng quan trọng là theo hướng tích cực hay tiêu cực tùy mỗi người chọn. Ý tôi muốn nói có những bí quyết giúp bạn thành công vượt qua những đòi hỏi cao của trường học Mỹ và bạn đĩnh đạc tiến thẳng vào đại học. Nhưng cũng có những mánh khoé gian lận mà du học sinh Việt Nam áp dụng để về đến đích, nhưng cái gì thật sự không có thực lực thì cuối cùng sẽ bị đào thải mà thôi, có khi bạn sẽ trả giá cho sự gian lận của mình. Nên nhớ rằng giáo dục ở Mỹ đánh giá rất rõ về khả năng thật sự của bạn. Các cánh cửa trường luôn mở rộng chào đón bạn, nhưng có mấy ai đi ra được với tấm bằng cấp trên tay, dù bạn có gian lận thì cũng không đạt được gì cả. Xin hẹn bài viết sau tôi sẽ viết về đề tài gian lận của du học sinh Việt Nam.

Theo tintucduhoc