Tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu để duy trì ngành học như kế hoạch ban đầu đã xảy ra từ vài năm trở lại đây và đặc biệt “nóng” trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Nhiều trường nới thời hạn tuyển sinh đến tận tháng 11 mà vẫn không “vớt” thêm được sinh viên nào.

Không đủ chỉ tiêu, nếu duy trì lớp học sẽ tốn kém, sẽ lỗ, nhiều trường đã đẩy phần khó về phía sinh viên để tháo gỡ tình trạng này bằng việc đóng cửa ngành học, khiến sinh viên đã đỗ ĐH bỗng đứng trước nguy cơ không có nơi để học!

Đây là tình trạng xảy ra ở cả các trường ĐH công lập (những trường đào tạo trái ngành một số chuyên khoa) và đặc biệt phổ biến ở các trường ĐH ngoài công lập. Tình trạng này đang gây nhức nhối cho rất nhiều sinh viên cũng như gia đình các em.

Không tuyển được sinh viên

Tình trạng không tuyển được thí sinh diễn ra phổ biến ở các trường ĐH ở tất cả các vùng miền, từ ĐH nhỏ đến ĐH lớn và tập trung chủ yếu vào những chuyên ngành hoặc chưa có nhiều người biết đến hoặc đã từng “sốt” trong quá khứ nhưng nay đã bão hòa về nhu cầu nhân lực.

Tại phía Bắc, có thể kể đến một loạt trường như ĐH Dân lập Phương Đông, ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam)… có ngành phải đóng cửa sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

Tại ĐH dân lập Phương Đông, năm 2012 là năm đầu tiên không tuyển đủ chỉ tiêu (kết thúc các đợt tuyển sinh nhưng chỉ đạt 65% chỉ tiêu). ĐH Hà Hoa Tiên dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng tình hình còn “thảm” hơn vì từ khi thành lập đến nay, trường ĐH này năm nào cũng thiếu thí sinh trầm trọng.

Còn tại phía Nam, tình cảnh cũng không có gì sáng sủa hơn. Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) tuy là một trong những trường áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng tỷ lệ học sinh nhập học chỉ đạt 30% so với chỉ tiêu (trong khi năm 2011, con số này là 80%).

Các con số như: ĐH Bạc Liêu chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, ĐH Đồng Tháp tuyển được 80% chỉ tiêu… phần nào đã nói lên được bức tranh toàn cảnh của các trường ĐH địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói ngay đến cả ĐH vùng - là những trường công lập có tiếng và có thương hiệu từ trước đến nay – vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt thiếu trầm trọng ở một số ngành.

Phía Bắc, có thể lấy ĐH Thái Nguyên làm ví dụ điển hình. Tình trạng khan hiếm thí sinh tại ĐH này trong mùa tuyển sinh năm 2012 là đáng ngại bởi mặc dù đã xét tuyển bổ sung đến 4 đợt nhưng đến khi “khép hồ sơ” tuyển sinh, số thí sinh tuyển được ở nhiều trường thành viên vẫn chưa đến 50%.

Đây cũng là “bức tranh” diễn ra tại miền Trung, khi mà những trường lớn như ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế lâm cảnh khó khi mà một loạt ngành tuyển không đủ sinh viên. Có những nơi đã vận dụng hết cách có thể (xin áp dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho những trường đại học vùng và các trường đại học đóng trên địa bàn khó khăn, các trường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nhân lực cho địa phương) nhưng vẫn không thể lấp đầy các khoảng trống còn lớn.

Ngành hot cũng chung số phận

Theo thông tin mà các trường “ế ẩm” cung cấp thì các ngành không tuyển được người học thường là những ngành không “hot” (do nhu cầu nhân lực không cao, sinh viên có ít thông tin về ngành nghề cũng như cơ hội việc làm, ngành không phải mũi nhọn trong nền kinh tế, v.v). Có thể liệt kê một số ngành thiếu nhiều như sư phạm, nông – lâm – ngư nghiệp, kỹ thuật công nghiệp…

Ngoài các ngành không “hot” ra thì có những ngành đã từng “hot” nhưng nay đã “hết thời” cũng không được sinh viên lựa chọn, ví dụ như ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Cơ điện tử, Sư phạm ngoại ngữ (tiếng Anh)… Tại trường ĐH dân lập Đông Đô (Hà Nội), từ mùa tuyển sinh năm 2010 đã phải “khai tử” ngành Điện tử viễn thông do không có người học.

Lý do là vì sau một thời gian dài bùng nổ, trường nào cũng mở ngành Công nghệ thông tin để đào tạo “xổi” nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội thì đến nay, nhiều sinh viên rất đắn đo do đã nhìn thấy nhiều cảnh lận đận khi đi xin việc sau tốt nghiệp.

Tương tự, ngành Sư phạm tiếng Anh thời kỳ đầu mới ra rất “hot” do nhân lực thiếu trầm trọng khi bắt đầu đưa môn này vào giảng dạy. Tuy nhiên, làn sóng đổ xô vào ngành này đã dừng lại khi có quá nhiều cử nhân thất nghiệp.

Thậm chí, đến ngành Tài chính ngân hàng – “điểm nóng” trong tuyển sinh ĐH, CĐ cách đây 4-5 năm nay cũng dần “nguội lạnh”. Tại ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), ngành này chỉ tuyển được duy nhất 1 sinh viên trong mùa tuyển sinh năm 2012.

Tiếp đến là ngành Sư phạm tin học chỉ 2 thí sinh trúng tuyển, ngành Sư phạm tiếng Anh có 5 người trúng tuyển, 10 thí sinh đỗ ngành Kỹ thuật cơ khí, 15 thí sinh đỗ ngành Công nghệ thông tin, v.v.

Không tuyển được sinh viên: tại ai?

Câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ không khó. Theo ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Phương Đông (Hà Nội) thì các trường công lập ở các địa phương gần Hà Nội cũng tuyển sinh bằng điểm sàn với trường ngoài công lập thì đương nhiên thí sinh phải chọn trường công lập để học vì học phí thấp hơn.

Trong tình hình kinh tế hiện tại có trường ngoài công lập thu học phí tới 1,8 triệu đồng/tháng thì rõ ràng người học sẽ phải cân nhắc lựa chọn đến những phương án hợp lý hơn.

Còn theo đánh giá của GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Hải Phòng, nguyên nhân khiến tình trạng không tuyển được thí sinh bắt nguồn chủ yếu từ chính các trường. Trong bối cảnh số lượng các trường ĐH nở rộ ra ngày một nhiều, nhu cầu nhân lực của đất nước có giới hạn thì các trường sẵn có lại tăng chỉ tiêu đào tạo, tự đẩy mình vào thế khó tuyển.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong vài năm gần đây, số lượng nhân lực được đào tạo từ các trường nhiều gấp đôi nhu cầu thực tế.

Còn từ góc độ quản lý vĩ mô, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng đây là hậu quả tất yếu của việc tự phát đầu tư trường theo tâm lý trọng bằng cấp đại học của xã hội và đầu tư trường ĐH không có kiểm soát về chiến lược.

“Chúng ta cho mở trường tràn lan mà không phân luồng được ngành nghề, con số dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cũng chưa sát với thực tế. Các trường được tự chủ trong việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh nên để có lãi, họ muốn tuyển thật nhiều sinh viên”, GS Phạm Minh Hạc nói.

Sinh viên rơi vào cửa khó

Trước tình trạng trên, các trường ĐH không còn lựa chọn nào khác là phải đóng cửa ngành học không tuyển được thí sinh, tập trung đào tạo các ngành tuyển đủ được sinh viên để duy trì hoạt động, tránh thua lỗ.

Cách xử lý này dường như là tất yếu, không thể tránh khỏi. Quyết định ấy đã ảnh hưởng lớn tới số lượng sinh viên đã “trót” thi đỗ vào các ngành này, bởi nó đẩy các em đến một ngã ba đường rất khó rẽ: Nếu chấp nhận học trái ngành thì bỗng dưng các em ở vào thế bị động trong việc chọn ngành, ảnh hưởng tới cả tương lai sau này. Còn nếu không chấp nhận, các em đứng trước nguy cơ không được đi học do không thể nộp hồ sơ vào trường khác.

 

Bạn cần biết:

Tỉ lệ chọi 2013

Điểm chuẩn đại học

 

Kenhtuyensinh

Theo: NNVN