Bài thi IELTS đánh giá năng lực ngôn ngữ của thí sinh ở môi trường học thuật, vì vậy các kỹ năng ngôn ngữ cũng cần ở mức độ cao.
Bài thi IELTS đang ngày càng phổ biến. Trước đây, IELTS chỉ dành được sự quan tâm của các học sinh có ý định du học hoặc người có mong muốn định cư tại Anh, Úc, Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác, nhưng vài ba năm gần đây, IELTS đã được sử dụng để xét tuyển đầu vào của nhiều trường đại học trong nước.
Hiện có rất nhiều bạn trẻ học IELTS từ rất sớm.
Học IELTS cũng được bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn trước kia rất nhiều. Chẳng ngạc nhiên gì khi có các học sinh đầu bậc học trung học cơ sở đã bắt đầu học và luyện bài thi này, và có các thí sinh ở độ tuổi 14 -15 đã có được chứng chỉ IELTS 8.0.
Tuy vậy, đa số học sinh cho rằng bài thi IELTS khó và để đạt được mức độ mong muốn thì họ phải “cày cuốc” rất nhiều. Khó hay dễ một phần tùy thuộc vào năng lực ngôn ngữ của mỗi người, nhưng sự hiểu biết về bài thi cũng vô cùng quan trọng.
Nếu thí sinh chỉ luôn kêu ca là bài thi này khó và không hiểu khó ở chỗ nào hay bài thi này nhằm kiểm tra kiến thức/ kỹ năng ngôn ngữ gì thì chắc họ không thể đạt được mức điểm IELTS mong muốn.
Bài thi IELTS đánh giá năng lực ngôn ngữ của thí sinh ở môi trường học thuật, vì vậy các kỹ năng ngôn ngữ cũng cần ở mức độ cao để phù hợp với môi trường học tập, nghiên cứu.
Các kỹ năng ngôn ngữ được kiểm tra trong các phần của bài thi IELTS học thuật (IELTS - Academic module) có thể được minh họa như sau:
Các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết cho bài thi IELTS học thuật | Phần kiểm tra trong bài thi IELTS học thuật |
Hiểu đoạn văn đề cập đến các vấn đề về lí thuyết và các ý tưởng phức tạp. | Phần kiểm tra Đọc hiểu |
Hiểu các hội thoại/ bài nói trong môi trường trang trọng (formal) hay thông thường (less formal) với các chủ đề giao tiếp hàng ngày hay học thuật. | Phần kiểm tra Nghe hiểu |
Miêu tả các tình huống cụ thể và bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về các chủ đề. | Phần kiểm tra Nói |
Viết tóm tắt, phân tích, so sánh các số liệu, dữ liệu trong bảng biểu, sơ đồ. | Phần kiểm tra Viết số 1 (task 1) |
Thảo luận một vấn đề và giải thích quan điểm, ý kiến qua một bài luận. | Phần kiểm tra Viết số 2 (task 2) |
Cụ thể hơn nữa, trong phần Đọc hiểu, các kỹ năng ngôn ngữ được kiểm tra là đọc lướt để hiểu ý chính của đoạn văn, đọc kỹ để nắm bắt một thông tin cụ thể nào đó trong bài, đọc và hiểu từ trong ngữ cảnh, cũng như hiểu được mối liên kết giữa các câu hay đoạn văn trong văn bản.
Cũng như vậy, phần nghe của bài thi IELTS kiểm tra mức độ nắm bắt ý chung được diễn đạt trong bài hội thoại / bài nói, hiểu được các thông tin cụ thể được đề cập, những thông tin này đôi khi rất cơ bản như đánh vần một tên riêng, viết số điện thoại hay địa chỉ, số nhà.
Ngoài ra, qua phần Viết miêu tả các thông tin, dữ liệu trong bảng biểu, sơ đồ hay một bài luận ngắn bày tỏ quan điểm của người viết về một chủ đề, phần thi Viết cũng nhằm để đánh giá vốn từ vựng, ngữ pháp cũng như khả năng sắp xếp các câu, các ý để tạo văn bản.
Cuối cùng, phần thi nói - luôn được tách ra một buổi riêng, không cùng với phần thi Nghe, Đọc, Viết.
Mặc dù chỉ diễn ra trong 11 – 14 phút nói trực tiếp với một giám khảo nhưng có thể đánh giá được toàn diện kỹ năng nói gồm phát âm, ngữ điệu, sự trôi chảy, rõ ràng, mạch lạc trong diễn đạt cùng với vốn từ vựng phong phú, cấu trúc ngữ pháp đa dạng của người học.
Tóm lại, IELTS là một bài thi đánh giá năng lực ngôn ngữ tổng thể. Để có thể đạt được mức điểm mong muốn, thí sinh cần tìm hiểu rõ các nội dung được kiểm tra trong từng phần và toàn bài để chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động.
Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam