Tìm việc làm thêm luôn là một đề tài được du học sinh tại Hàn Quốc quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bạn chưa có một quy trình cụ thể để tìm được một công việc thật sự phù hợp với bản thân, không gây nhiều phiền toái tới việc học và cuộc sống.
Nếu như bạn là một du học sinh muốn tìm việc làm thêm tại Hàn nhưng chưa biết phải làm như thế nào thì đây chính là bài viết dành cho bạn.
1. Bước 1: Hiểu bản thân, nắm rõ quy định, xác định tiêu chí
1.1 Hiểu Bản Thân
Đầu tiên bạn phải hiểu bản thân, mục đích chính của mình là gì để đưa ra tiêu chí tìm việc và đây là những câu hỏi giúp gợi ý cho bạn:
- Mục đích, mong muốn, sở thích của bạn là gì?
- Bạn có thể sắp xếp quỹ thời gian của mình như thế nào?
- Năng lực của bạn có?
1.2 Nắm rõ quy định đi làm thêm tại Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc có quy định chặt chẽ về vấn đề du học sinh làm thêm tại Hàn. Để đảm bảo công việc làm thêm đúng quy định, du học sinh cần nắm được các yêu cầu, điều kiện làm thêm cơ bản. Cụ thể như sau:
1.2.1 Đối tượng và điều kiện được phép làm thêm
Những du học sinh quốc tế ở Hàn Quốc có visa D-2 hoặc D-4 nếu muốn đi làm thêm thì phải có đầy đủ những điều kiện dưới đây:
- Đã lưu trú tại Hàn Quốc tối thiểu 6 tháng trở lên tính từ ngày nhập cảnh
- Được nhà trường và phòng Quản lý xuất nhập cảnh xác nhận cho đi làm thêm
- Làm thêm tại nơi đã đăng ký, làm việc tại nơi khác sẽ bị coi là bất hợp pháp
- Phải nhận được giấy phép hoạt động làm thêm ngoài tư cách lưu trú
Ngoài ra, để làm tối đa thời gian thì bạn còn phải đáp ứng điều kiện năng lực tiếng Hàn, cụ thể:
- Với sinh viên hệ D-2: Topik cấp 2 trở lên với sinh viên năm 1,2 và Topik 4 trở lên với sinh viên năm 2, 4, cao học
- Với sinh viên hệ D-4-1: Topik cấp 2 trở lên
- Với sinh viên hệ D-2-1: Topik cấp 3 trở lên
Lưu ý: Trường hợp du học sinh chưa cấp phép mà vẫn đi làm thêm, nếu bị phát hiện sẽ bị cưỡng chế trục xuất khỏi Hàn Quốc hoặc trục xuất về nước và có thể bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền tối đa 20 triệu KRW.
Những du học sinh quốc tế ở Hàn Quốc có visa D-2 hoặc D-4 nếu muốn đi làm thêm thì phải có đầy đủ những điều kiện bắt buộc
1.2.2 Du học sinh Hàn được làm thêm bao nhiêu giờ?
Mỗi hệ học sẽ có quy định khác nhau về thời gian làm thêm. Cụ thể là:
- Sinh viên đại học
Sinh viên đại học (D-2) đạt yêu cầu TOPIK sẽ được làm 20 ~25 tiếng trong tuần; cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật) làm thêm không giới hạn.
Sinh viên đại học (D-2) không đạt yêu cầu TOPIK sẽ chỉ được làm 10 tiếng trong tuần, 10 tiếng cho 2 ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật).
- Sinh viên cao học
Sinh viên cao học (thạc sĩ D-2-3, tiến sĩ D-2-4) đạt yêu cầu TOPIK sẽ được làm 30 ~35 tiếng trong tuần, cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật) làm thêm không giới hạn.
Sinh viên cao học không đạt yêu cầu TOPIK sẽ chỉ được làm 15 tiếng trong tuần, 15 tiếng cho 2 ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật).
- Sinh viên du học tiếng
Sinh viên du học tiếng (D-4-1) đạt yêu cầu TOPIK sẽ được làm 20 ~25 tiếng trong tuần; 20 tiếng cho 2 ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật).
Sinh viên du học tiếng (D-4-1) không đạt yêu cầu TOPIK sẽ chỉ được làm 10 tiếng trong tuần, 10 tiếng cho 2 ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật).
- Sinh viên hệ cao đẳng
Sinh viên hệ cao đẳng (D-2-1) đạt yêu cầu TOPIK sẽ được làm 20 ~25 tiếng trong tuần; cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật) làm thêm không giới hạn.
Sinh viên hệ cao đẳng (D-2-1) không đạt yêu cầu TOPIK sẽ chỉ được làm 10 tiếng trong tuần, 10 tiếng cho 2 ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật).
1.2.3 Quy định về các công việc làm thêm
Bên cạnh quy định về thời gian làm thêm khi du học Hàn Quốc, các bạn du học sinh cũng cần nắm được quy định về các công việc làm thêm.
Các công việc được phép làm thêm
- Công việc đơn giản: quán ăn, tiệm cà phê, siêu thị…
- Công việc có liên quan chặt chẽ với môn học chuyên ngành
- Công việc hướng dẫn giảng dạy hội họa bằng tiếng nước ngoài tại các cơ quan giáo dục như trung tâm giáo dục tư thục…( không áp dụng đối với công việc gia sư)
- Các công việc biên dịch, phiên dịch, cán bộ quản lí thư viện, hỗ trợ kinh doanh ẩm thực…
- Công việc nghiên cứu tạm thời như tham gia dự án của phòng nghiên cứu, trợ giảng, trợ giảng thí nghiệm…
Công việc bị giới hạn làm thêm
- Các công việc làm trong nhà máy, công xưởng, lĩnh vực sản xuất, xây dựng (bất kể dài hay ngắn hạn)
- Các công việc có sự liên quan tới bí mật công nghiệp như công việc tại phòng nghiên cứu, ngành công nghiệp công nghệ cao
- Các công việc về kinh doanh đầu cơ tích trữ
- Các công việc mua vui giải trí tại quán rượu, quán bar
- Các công việc trái với thuần phong mỹ tục của Hàn Quốc
- Công việc gia sư đã được quy định theo pháp luật
- Các hoạt động khác vượt quá tư cách học sinh, các công việc bị giới hạn khác
Bên cạnh quy định về thời gian làm thêm khi du học Hàn Quốc, các bạn du học sinh cũng cần nắm được quy định về các công việc làm thêm
Thông qua những thông tin trên, bạn có thể đưa ra những tiêu chí lựa chọn việc làm phù hợp với những gì bản thân bạn có, vừa có thể kiếm thêm tiền vừa đáp ứng được nhu cầu nâng cao kỹ năng, những thứ cần thiết cho công việc chuyên ngành sau này.
2. Bước 2: Tìm việc
Hiểu được bản thân rồi, giờ tìm việc ở đâu?
2.1 Nguồn việc “Offline”
- Liên hệ với văn phòng hỗ trợ sinh viên của trường, công việc làm thêm trong trường…
- Các công việc được đăng tin tuyển dụng ngay tại cơ sở làm việc hoặc gần nhà nằm trong khu vực ở xung quanh nơi bạn ở, mà bạn có thể trực tiếp tới xin. Ví dụ như những hàng quán, những công ty,… mà bạn có thể tới trực tiếp để xin việc
- Các công việc được bạn bè, người thân giới thiệu…
2.2 Nguồn việc “Online”
- Các công việc được đăng tuyển thông qua các kênh, mạng xã hội, thông qua các ứng dụng, các web chuyên dành cho việc tuyển dụng, các group của du học sinh tại Hàn Quốc
Có 2 ứng dụng thường được các bạn du học sinh sử dụng là 알바천국 và 알바몬 để tìm việc làm thêm.
Có 2 ứng dụng thường được các bạn du học sinh sử dụng là 알바천국 và 알바몬 để tìm việc làm thêm.
Ngoài ra còn có các nguồn qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Kakaotalk… và các trang website như: jobkorea, saramin, 051.alba, work.go.kr/seekWantedMain.do,...
3. Bước 3: Chọn lọc thông tin tuyển dụng, xác định công việc phù hợp
Những thông tin tuyển dụng cơ bản:
- Địa điểm làm việc
- Mô tả công việc
- Yêu cầu công việc
- Thời gian làm việc
- Tiền lương
Đối với nguồn công việc “offline”: những thông tin trên sẽ được trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Đối với nguồn công việc “online”: những thông tin trên được đăng tải trên các kênh tuyển dụng online dưới dạng 1 bài viết tuyển dụng và thường sẽ có thêm thông tin của người phụ trách liên hệ công việc ví dụ như số điện thoại, email, địa chỉ, …
Tại đây áp dụng những tiêu chí ban đầu bạn đã đặt ra để xét với những thông tin tuyển dụng trên, nếu phù hợp thì các bạn có thể quyết định lựa chọn công việc đó.
Tuy nhiên hiện nay những vấn đề rủi ro trong cả nguồn tìm việc “online” và “offline” vẫn còn nhiều ví dụ như vấn nạn lừa đảo, bóc lột lao động, môi trường làm việc không “lành mạnh”, công việc bất hợp pháp …
Hiện nay những vấn đề rủi ro trong tìm việc làm thêm vẫn còn nhiều, như: vấn nạn lừa đảo, bóc lột lao động, môi trường làm việc không “lành mạnh”, công việc bất hợp pháp …
4. Bước 4: Nhận biết 1 công việc làm thêm “lành mạnh”
4.1 Đối với nguồn công việc “offline”
- Hỏi lại những đồng nghiệp làm việc chung về những vấn đề cần thiết: tiền lương; thời gian làm việc; có biểu hiện của sự bóc lột lao động hay không; chủ/quản lý đối xử với nhân viên như thế nào…
- Hỏi những người xung quanh khu vực làm việc: Chỗ làm này có gì khác lạ, trước kia có từng xảy ra những việc gì không tốt ở đó không…
- Xem xét môi trường làm việc: Cơ sở vật chất, Vệ sinh an toàn, chủ/ quản lý/ đồng nghiệp như thế nào, …
- Cảnh giác khi được yêu cầu đóng các khoản phí.
4.2 Đối với nguồn công việc “online”
Xem xét kỹ thông tin tuyển dụng online.
- Địa điểm làm việc, mô tả công việc, yêu cầu công việc: càng mập mờ, càng không rõ ràng thì khả năng là lừa đảo, công việc bất chính càng cao.
- Mức tiền lương “béo bở” cũng là điều cần phải chú ý để tránh bị lừa đảo.
Sau khi lựa chọn được công việc phù hợp qua nguồn tìm việc online, đương nhiên bạn vẫn phải tới trực tiếp nơi làm việc để phỏng vấn hoặc thử việc… và bạn vẫn phải xem xét và xác minh lại những vấn đề cần thiết:
- Những thông tin tuyển dụng cơ bản thực tế có giống thông tin trên bài tuyển dụng online hay không.
- Hỏi lại đồng nghiệp, người xung quanh khu vực làm việc về các vấn đề như khi xem xét nguồn việc offline
- Xem xét lại môi trường làm việc.
- Cảnh giác khi được yêu cầu đóng các khoản phí…
5. Bước 5: Tham khảo hướng dẫn đăng ký làm thêm chính thống
5.1 Giấy tờ cần chuẩn bị
- Đơn xác nhận xin làm thêm của du học sinh
- Hộ chiếu, thẻ người nước ngoài
- Bảng thành tích hoặc bảng chuyên cần
- Bằng TOPIK (nếu có)
- Bản sao Đăng ký kinh doanh nơi làm thêm)
- Bản sao Hợp đồng lao động (có nêu rõ thời gian làm, tiền lương, nội dung công việc)
Mẫu tham khảo Đơn xác nhận xin làm thêm của du học sinh
5.2 Hướng dẫn các bước đăng ký
- Viết Đơn giới thiệu làm thêm
- Điền các thông tin của bản thân, thông tin nơi làm thêm
- Xin chữ ký giáo sư
- Xin chữ ký của người quản lý du học sinh trong trường
- Đăng ký với Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh
Sau khi thực hiện đủ 5 bước trên, chắn hẳn các bạn đã có thể chọn được một việc làm thêm phù hợp cho bản thân mà vẫn đảm bảo được tính an toàn. Lời khuyên cho bạn là bạn hãy nên tìm việc vừa sức, phù hợp với khả năng và luôn sẵn sàng rời xa các công việc này khi chúng có tốn quá nhiều thời gian và có dấu hiệu làm quá tải cuộc sống của bạn. Cần xác định rằng một khi đã bước chân lên con đường du học, chuyện học hành vẫn là ưu tiên số một.
Thanh Phương - Kênh Tuyển Sinh