Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) là cựu thủ khoa trung học Mỹ và từng được báo Wichita Eagle vinh danh vì xuất sắc giành được 2 học bổng danh giá tại Mỹ. Những chia sẻ về cách chuẩn bị xin học bổng và vào đại học Mỹ sau đây sẽ rất giúp ích cho bạn theo đuổi ước mơ du học của mình.
Christina Nguyễn - bác sĩ Mỹ gốc Việt chia sẻ các bước chuẩn bị xin học bổng
Theo Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) - hiện là bác sĩ - nếu có định hướng vào đại học tại Mỹ, cấp 3 (lớp 9-12) sẽ là bốn năm then chốt quyết định bạn có trúng tuyển những trường danh tiếng và nhận được học bổng hay không.
1. Điểm GPA là rất quan trọng
GPA là điểm trung bình các môn học trong suốt bốn năm. Ở Mỹ, hầu hết các trường tính theo hệ số 4.0. "Nếu bạn học các môn đều được điểm A, GPA của bạn sẽ là 4.0. GPA càng cao, cơ hội của bạn càng lớn", Christina nói.
Theo CollegeVine, nền tảng hỗ trợ học sinh đăng ký vào đại học tại Mỹ, nếu bạn muốn được nhận vào những đại học hàng đầu, chẳng hạn hệ thống trường Ivy League, GPA của bạn nên đạt 3.5 trở lên.
Bên cạnh GPA, các trường đại học còn muốn thấy được ở học sinh những kỹ năng quan trọng như giao tiếp, học tập, tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Chính vì vậy, các hoạt động ngoài chương trình học ở trường như nghiên cứu, tham gia trong đội thể thao, các câu lạc bộ, công tác tình nguyện là rất cần thiết để ứng cử viên thể hiện bản thân.
2. Tham gia các khóa học/chương trình học đặc biệt là điểm cộng cho hồ sơ du học
Các khoá học đặc biệt gồm Honors, AP và IB. Những khoá này thường có yêu cầu đầu vào nhất định, giáo trình học chuyên sâu và tốc độ nhanh hơn các khoá học khác của cấp 3.
Vì thế, khi học bạ của học sinh có những khoá học đó, hội đồng tuyển sinh đại học và xét tuyển học bổng sẽ có ấn tượng tốt hơn. Họ sẽ thấy được khả năng học tập, sự nghiêm túc và cố gắng của học sinh.
Honors Courses (Khoá học danh dự): Christina từng học khóa học danh dự lớp Honors Biology.
Advanced Placement Courses (AP course hay Khoá học Nâng cao): Khoá này thường khó hơn Honors Courses. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là sau khi học xong một khoá AP, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào một kỳ thi đánh giá, được cho điểm từ 1 đến 5. Nếu được 3 điểm trở lên, bạn được công nhận tín chỉ đại học cho khoá học đó.
Christina tham gia AP Chemistry (AP Hoá), thi được 5 điểm và khi lên đại học, cô không phải học lớp General Chemistry, là lớp ban đầu của Chemistry (Hóa học), mà có thể học ngay vào lớp cao hơn. Điều này giúp cô tiết kiệm thời gian và tiền bạc lúc học đại học, vì tín chỉ đại học đắt tiền hơn lúc học cấp 3.
Ở Việt Nam, đơn vị tổ chức thi AP thường là trường quốc tế và đến tháng 3 hàng năm mới có danh sách các trường tổ chức thi. Một số trường quốc tế tổ chức dạy AP và thi như Saigon South International School (SSIS), The American School (TAS)... Lệ phí thi tại các hội đồng thi (không thuộc Mỹ và Canada) là 123 USD cho một môn.
Chương trình IB viết tắt của International Baccalaureate (Chương trình Tú tài Quốc tế): Đây là chương trình giáo dục đặc biệt nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh với tầm nhìn quốc tế. Học sinh có thể tham gia vào chương trình IB ngay từ lớp 1. Tuy nhiên không phải thành phố nào cũng có trường dạy IB. Có nơi chỉ dạy từ cấp 2 hoặc từ cấp 3 trở lên. Điểm tối đa của IB là 45.
Tương tự AP Courses, sau khi học xong các lớp chuyên sâu của IB, học sinh sẽ có kỳ thi riêng và nếu được điểm cao sẽ được tín chỉ đại học. Một điểm nổi trội của IB là chương trình này uy tín và danh giá. Vì thế, các trường đại học ở Mỹ đều thích học sinh của chương trình này. Nếu bạn mong muốn vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ trong Ivy League, học IB sẽ là bước đệm tuyệt vời.
3. Hãy chuẩn bị cho kỳ thi xét tuyển đầu vào đại học từ sớm
Mỹ có hai kỳ thi mà học sinh cần lưu ý, là ACT và SAT. Hai kỳ thi giúp hội đồng xét tuyển đánh giá sự sẵn sàng của học sinh khi ứng tuyển vào đại học. Theo thống kê từ US News, năm 2020 có 2,2 triệu học sinh hoàn tất bài thi SAT và khoảng 1,7 triệu học sinh hoàn tất bài thi ACT. Tất cả học sinh muốn ứng tuyển vào đại học cần phải hoàn tất ít nhất một bài thi. Cả hai bài thi đều được chấp nhận bởi tất cả trường đại học.
"Xu hướng những năm gần đây là ngày càng có nhiều học sinh làm cả hai bài để giúp hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về khả năng học lực của mình và nâng cơ hội được học bổng", bác sĩ cho biết.
Học sinh có thể thi lại hai bài nếu cảm thấy chưa hài lòng với điểm số. Điều này giúp giảm áp lực thi cử và tránh học tài thi phận. Ở Mỹ, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp những ngày nhộn nhịp thi đại học như ở Việt Nam.
Nếu muốn học đại học ngay sau khi hoàn tất cấp 3, bạn nên tham gia thi vào năm lớp 11 và chậm nhất đầu lớp 12. Thi sớm, bạn sẽ có thời gian để thi lại nếu muốn.
ACT (American College Testing) gồm bốn phần: Đọc hiểu, Ngôn ngữ Anh, Toán, Khoa học, và một phần viết (không bắt buộc). Bài thi kéo dài ba tiếng và mỗi năm được tổ chức 7 lần khắp các thành phố tại Mỹ.
SAT (Scholastic Assessment Test) có ba phần: Đọc hiểu, Ngôn ngữ Anh, Toán, và một phần viết (không bắt buộc). Bài thi cũng kéo dài ba tiếng và hàng năm được tổ chức khoảng 10 lần ở khắp các thành phố của Mỹ.
Điều mang lại thành công cho bác sĩ người Việt lúc thi ACT là nắm vững kiến thức và có chiến lược làm bài hiệu quả. Đối với những bài thi chuẩn hoá như ACT và SAT, học sinh không những được kiểm tra kiến thức, mà còn kiểm tra cách làm bài thi. Bạn cần có chiến lược để hoàn tất các câu hỏi một cách nhanh nhất và chính xác nhất, vì nếu suy nghĩ quá lâu hay chần chừ sẽ không kịp thời gian.
Bác sĩ Christina khuyên học chắc kiến thức các môn trọng điểm như Toán, tiếng Anh, Khoa học, Đọc hiểu. Việc này giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian khi ôn luyện tích cực. Christina thường dành ra các sáng thứ bảy để tập thi. Cô ngồi trong phòng, đặt chuông hẹn giờ và tạo một môi trường tương tự ngày thi.
Tại Việt Nam, địa điểm thi SAT hiện chỉ có mặt ở các thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Chi phí dự thi SAT là 52 USD. Phí thay đổi ngày thi hoặc địa điểm thi là 30 USD.
4. Hãy tìm người hướng dẫn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ
Mỗi trường cấp 3 ở Mỹ sẽ có các thầy cô chuyên hỗ trợ học sinh chuẩn bị hồ sơ vào đại học, đăng ký học bổng và hỗ trợ tài chính. Học sinh có thể đến để chia sẻ nguyện vọng và xin trợ giúp. Các thầy cô sẽ là nguồn thông tin bổ ích cũng như giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Một số trường quốc tế tại Việt Nam cũng có bộ phận tư vấn và hỗ trợ tương tự. Ngoài ra, học sinh có thể tham khảo kinh nghiệm trên các hội nhóm như Scholarship Hunters hoặc các trang web chuyên về du học.
Định hướng hướng đi nghề nghiệp tương lai
Định hướng nghề nghiệp tương lai không dễ dàng cho một học sinh cấp 3. Hãy tìm hiểu nhiều ngành nghề để có thêm sự hiểu biết và cái nhìn tổng thể.
Trong quá trình này, bạn nên chú ý đến những cảm nhận của bản thân về ngành nghề đó và ghi chép lại, để hiểu rõ hơn bản thân thích gì, không thích gì, sở trường là gì.
"Tại Mỹ, hầu hết ngành nghề đòi hỏi học chuyên sâu sau đại học. Vì thế, bạn không cần phải quyết định ngay mình muốn làm nghề gì ở giai đoạn này, chỉ cần xác định một hướng đi", cựu thủ khoa Trung học Wichita East cho hay.
Bác sĩ Christina muốn đi theo khoa học nên chọn vào một trường đại học mạnh về các môn khoa học. Trong thời gian học đại học, cô phát hiện ra mình muốn trở thành bác sĩ và ngành học sinh hoá của cô hoàn toàn phù hợp để tiếp tục học Y.
5. Dành thời gian tìm hiểu về trường Đại học là điều cần thiết
Sau khi xác định hướng đi, hãy tìm hiểu thêm về các trường đại học tiềm năng. Bạn có thể tìm hiểu từ những website tổng hợp, ví dụ US News Best Colleges, theo các hạng mục quan tâm như vị trí địa lý, các chuyên ngành giỏi, tỷ lệ sinh viên với giáo viên hướng dẫn... rồi tìm hiểu sâu hơn về mỗi trường.
Nếu có thể, bạn nên đến tham quan trường trực tiếp để cảm nhận bầu không khí và môi trường học tập sinh hoạt tại đây. Từ đó, bạn sẽ biết mình có hợp hay không.
Ngoài ra, các trường đại học thường cử đại diện đến trường cấp 3 để giới thiệu. Đây cũng là cơ hội tốt để bạn được trao đổi và đặt câu hỏi với đại diện của trường.
> Chàng trai quê Bình Định tiết lộ bí quyết để được thực tập có lương tại Mỹ
> GPA thấp có làm cản trở ước mơ du học của bạn?
Theo VnExpress