Trong năm đầu áp dụng công nghệ cao vào thi đại học, nhiều thí sinh đã trượt vì nhầm lẫn khi đăng ký phương thức xét tuyển.
Sau khi Đại học Y Dược (Đại học Huế) công bố điểm chuẩn hôm 15/9, Đặng Công Hùng, cựu học sinh trường THPT Bùi Dục Tài, Quảng Trị đứng ngồi không yên. Hùng được 25,35 điểm khối B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) nhưng không trúng tuyển ngành Dược học của trường này, dù thừa 0,25 điểm.
Không thấy tên trong danh sách đỗ, Hùng kiểm tra và phát hiện sai sót. Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thay vì chọn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Hùng lại chọn "tuyển thẳng". "Thấy hệ thống đã ghi nhận nguyện vọng, em không xem lại phương thức", Hùng thừa nhận sai sót.
Dù đỗ ngành Dược học của Đại học Đà Nẵng, nam sinh vẫn tiếc nuối vì nếu học ở Huế, em sẽ được gần nhà hơn. Sáng 19/9, Hùng và mẹ quyết định đi xe từ Quảng Trị vào Huế, đến tận trường để xin.
Xuất hiện một số thí sinh trượt vì chọn sai phương thức xét tuyển 2022
"Trường nói khó giải quyết vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thí sinh cơ hội sửa, nhưng em đã chủ quan", Hùng nói.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định dù đăng ký bằng phương thức xét tuyển nào, thí sinh cũng phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong hướng dẫn tuyển sinh, Bộ thông báo rõ mã của 20 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, một số phương thức tên gần giống có mã ở cạnh nhau khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo để thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng kéo dài gần một tháng (từ 22/7 đến 20/8), sau đó lại kéo dài thời gian điều chỉnh tới 23/8, vẫn có nhiều thí sinh nhầm.
Bùi Quang Vinh, ở Nghĩa Hưng, Nam Định mắc sai sót khi đăng ký nguyện vọng vào ngành Hệ thống thông tin của Đại học Thủy Lợi. Trước đó, Vinh trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, được trường gửi email thông báo, yêu cầu đặt nguyện vọng.
"Nhưng em nhầm thành phương thức xét tuyển dùng điểm thi THPT", Vinh cho biết. Trước đó, nam sinh đăng ký bốn nguyện vọng và xếp nguyện vọng Đại học thủy Lợi cuối cùng vì yên tâm đã đỗ. Chỉ tới khi thanh toán lệ phí trực tuyến, Vinh mới hay mình nhầm.
Sau hôm công bố điểm chuẩn, Vinh nhắn tin cho fanpage của trường và được cho biết đăng ký sai phương thức tuyển sinh đồng nghĩa chưa đăng ký nguyện vọng xét học bạ.
"Em trượt hết bốn nguyện vọng. Quá đáng tiếc nên em đã cầu cứu các thầy cô khắp nơi", Vinh chia sẻ.
Tương tự, khi thấy trượt tất cả nguyện vọng, Phạm Thanh Hoa, ở Hà Nội, xem lại thì phát hiện mình chưa đăng ký nguyện vọng đã đỗ lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Em đã đỗ theo phương thức tuyển thẳng của Đại học Thủy Lợi, nhưng khi nhập lên hệ thống, em nhầm thành phương thức xét học bạ.
"Sau Đại học Thủy Lợi, em để nguyện vọng vào Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, nhưng ngành em đăng ký lấy 26 điểm trong khi em chỉ được 23,9 điểm khối D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh)", Hoa kể.
Đại diện phòng Đào tạo, Đại học Thủy Lợi, xác nhận những ngày qua, trường tiếp nhận một số trường hợp có sai sót.
"Chúng tôi đang cân nhắc vì mọi việc phải theo quy chế. Trường hiện tổng hợp các trường hợp để báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến", vị này nói.
Tiến sĩ Nguyễn Công Hào, Trưởng ban đào tạo công tác sinh viên, Đại học Huế, cho hay, từ khi công bố điểm hôm 15/9, khoảng hơn chục thí sinh đã liên hệ với trường, chủ yếu qua đường dây nóng.
"Hiện chưa có thống kê nhưng chắc chắn cũng có những thí sinh đăng ký sai phương thức", ông Hào cho biết.
Tuy nhiên, ông Hào cho rằng, những trường hợp này khó xử lý vì mỗi phương thức lại xét riêng, trường căn cứ vào thông tin thí sinh cập nhật trên hệ thống và qua 6 lần lọc ảo đều lưu dữ liệu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn rõ, mỗi thí sinh có một tài khoản riêng để tải thông tin lên hệ thống chung và phải đảm bảo tính đúng đắn về dữ liệu của mình.
Khi tư vấn cho học sinh, trường cũng đã nhắc các em đăng ký thành công thì phải chụp lại màn hình để làm minh chứng sau này.
"Những phương thức trên hệ thống rất rõ ràng, lỗi chủ yếu do các em bị nhầm, không kiểm tra lại", tiến sĩ Hào nói, cho biết trường có hướng tạo điều kiện cho các em nhưng phải đảm bảo quy chế.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Đà Lạt, các trường hợp nhập sai mã phương thức xét tuyển hoặc nhập sai tổ hợp môn xét tuyển đều đã được trường xử lý ngay thời điểm lọc ảo. Sáng 19/9, trong buổi nhập học đầu tiên, nhiều em phản ánh sai thứ tự nguyện vọng hoặc đăng ký nhầm mã ngành.
"Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ và cân đối chỉ tiêu của trường, trường hết sức linh động để tạo điều kiện cho các em này được xét bổ sung", thầy Duy nói và cho biết không ít trường đại học gặp tình huống tương tự.
Theo một chuyên gia, các thí sinh mắc lỗi phần lớn là do chủ quan, không cẩn thận kiểm tra lại. Nhưng xét ở khía cạnh khác, hệ thống đăng ký tuyển sinh năm nay phức tạp khiến phụ huynh, học sinh bị rối.
Một số trường học và các giáo viên ở miền núi chưa thực sự theo sát hỗ trợ học sinh khi không nắm chắc thông tin để tư vấn, nhắc nhở các em lưu ý đặc biệt tới điểm ưu tiên khu vực và dân tộc.
Đặng Công Hùng sau khi nhận được câu trả lời của Đại học Y Dược Huế đã trở về Quảng Trị ngay trong sáng 19/9 để xác nhận học ngành Dược, Đại học Đà Nẵng.
"Em sẽ học một năm để năm sau thi lại ngành Y khoa", Hùng cho hay.
Vinh thì đang nghe ngóng thông tin tuyển bổ sung từ các trường khác và xem xét hệ vừa học vừa làm, trong khi Hoa đi làm thêm để chờ thi lại.
*Tên một số học sinh đã thay đổi
> Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung 2022
> Điểm chuẩn đại học 2022 đang "lạm phát"
Theo VnExpress