Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tổn thất nhưng cũng tạo nên những cơ hội nghề nghiệp mới trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão.
Tự chủ thời gian, chủ động đa dạng hóa thu nhập, làm việc mọi lúc mọi nơi trên nền tảng số dần trở thành xu hướng lựa chọn công việc của nhiều người.
1. Xu hướng tìm việc mới của người lao động sau đại dịch COVID-19
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với thị trường lao động siết chặt, số người lao động muốn tìm công việc có thời gian làm việc linh hoạt và an toàn đang ngày càng gia tăng. Thực tế này đang trở thành một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại và các công ty bắt đầu tìm cách đưa nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Kết quả một cuộc khảo sát do công ty khảo sát ADP thực hiện với sự tham gia của 33.000 người trên toàn thế giới cho thấy 2/3 số người được hỏi cho biết họ sẽ xem xét tìm việc làm mới nếu phải bắt buộc quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian một cách không cần thiết.
Theo kết quả khảo sát công bố ngày 25/4, số người cảm thấy lĩnh vực làm việc của họ an toàn hiện là 25%, giảm so với 26% của cuộc khảo sát tương tự vào năm 2021. Cũng trong khoảng thời gian này, số người có ý kiến sẽ xem xét "nhảy" việc tăng từ 15% lên 23%, trong đó gần 30% cho biết đã bắt đầu tìm việc mới.
Số người lao động muốn tìm công việc có thời gian làm việc linh hoạt và an toàn đang ngày càng gia tăng
Có 50% người được hỏi cho biết họ có đôi chỗ hoặc hoàn toàn không hài lòng với công việc hiện tại và các yếu tố nảy sinh trong đại dịch như số giờ làm việc, địa điểm làm việc, thời gian làm việc không lương và những căng thẳng, đã thúc đẩy người lao động đàm phán lại các điều khoản trong hợp đồng lao động hiện tại hoặc tìm cách nghỉ việc.
Theo ADP, sở dĩ có sự thay đổi này là do đại dịch COVID-19 đã khiến người lao động cân nhắc lại những ưu tiên và họ sẵn sàng bỏ việc nếu chủ lao động không đáp ứng những yêu cầu của họ.
Các dữ liệu thu thập từ Mỹ cho thấy tình trạng người lao động "nhảy" việc hay việc thiếu lao động tại các doanh nghiệp diễn ra ở mức độ cao trong khi các công ty đang chật vật tuyển dụng và giữ chân người lao động. Sự mất cân bằng giữa số lượng người tìm việc và số người lao động cần được tuyển dụng để lấp chỗ trống đang khiến mức lương tại một số ngành tăng cao và đây cũng là một trong những vấn đề chính mà các quan chức Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng cần giải quyết để kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Dịch COVID-19 hoành hành đã khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến vừa để đảm công việc chuyên môn không bị gián đoạn, vừa bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ mắc bệnh. Đến nay khi các nước đang quay trở lại cuộc sống thường nhật, các công ty cũng dần tăng số lượng người làm việc trực tiếp và tiến tới toàn bộ nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng dù muốn hay không. Với kết quả khảo sát trên, nhiều khả năng các công ty sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động và việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này quả thực không dễ.
2. Những ngành nghề là xu hướng việc làm sau đại dịch
2.1 Nhân viên sàn thương mại điện tử
Do đại dịch chi phối, việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn. Qua đó, làm việc tại các sàn thương mại điện tử trở thành xu hướng mới nổi hàng đầu của năm 2021. Theo LinkedIn, việc tuyển dụng cho vị trí này tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020 và người lao động có thể tìm kiếm cơ hội với hơn 400.000 vị trí việc làm. Tại Mỹ, những nơi làm việc lý tưởng bao gồm Chicago, New York, Washington. Mức lương cho công việc này dao động từ 42.000-56.000 USD mỗi năm.
2.2 Chuyên viên chăm sóc sức khỏe
Đại dịch khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người tăng cao so với các thập kỷ trước. Đặc biệt, các vị trí việc làm như chăm sóc sức khỏe tại nhà, tư vấn dinh dưỡng sẽ trở thành xu hướng. LinkedIn ước tính thị trường làm việc cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe sẽ tăng 34% và đặc biệt phát triển mạnh tại New York, Boston, Chicago. Mức lương trung bình dao động từ 65.300-106.000 USD mỗi năm.
2.3 Chuyên gia phát triển kinh doanh và bán hàng
Khi nhiều hoạt động thương mại phát triển thêm hình thức trực tuyến, các doanh nghiệp sẽ cần tìm đến các chuyên gia phát triển kinh doanh để xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc bán hàng và tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số. Người làm việc trong lĩnh vực này có thể làm người tư vấn bán hàng, cố vấn chiến lược hoặc trợ lý hoạt động thương mại. Mức tăng trưởng cho công việc này sẽ tăng 45% trong thời gian tới, mức lương trung bình là 43.300-105.000 USD/năm.
2.4 Chuyên gia đa dạng và hòa nhập
Có tên gọi khác là người quản lý đa dạng, chuyên gia đa dạng và hòa nhập là những người giám sát việc phát triển và thực hiện các chương trình thúc đẩy sự đa dạng trong mỗi công ty, tổ chức. Nói cách khác, các chuyên gia sẽ đảm nhận vai trò giảm thiểu tình trạng bắt nạt, phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Theo CNBC, kể từ năm 2019, mức tăng trưởng tuyển dụng cho vị trí việc làm này là 90%. Mức lương trung bình dao động từ 72.000-97.000 USD.
2.5 Chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số
Họ là những người chịu trách nhiệm quảng bá trực tuyến các trang web của doanh nghiệp hoặc sản phẩm, đồng thời lên kế hoạch tiếp thị trên nhiều kênh kỹ thuật số, tạo và xuất bản nội dung hỗ trợ sáng kiến tiếp thị. Ước tính, mức tăng trưởng cho vị trí việc làm này là 33% kể từ năm 2019. Mức lương người lao động có thể nhận được dao động từ 48.000-96.000 USD/năm.
2.6 Y tá
Tương tự nhân viên chăm sóc sức khỏe, y tá là việc làm được nhiều người hướng đến vì có nhiều cơ hội phát triển, mức lương cao. Cụ thể, kể từ năm 2019, mức tăng trưởng cho vị trí việc làm này đã tăng 30%. Mức lương trung bình dao động từ 73.000-111.000 USD mỗi năm. Các thành phố lớn như New York, Los Angeles là nơi lý tưởng để các y tá phát triển sự nghiệp.
Tương tự nhân viên chăm sóc sức khỏe, y tá là việc làm được nhiều người hướng đến vì có nhiều cơ hội phát triển, mức lương cao
2.7 Tư vấn giáo dục
Khi việc học online gia tăng trong đại dịch, nhu cầu tìm đến các nhà tư vấn giáo dục cũng được đẩy mạnh. Những người được tuyển dụng thường có khả năng nắm rõ và biết xây dựng kế hoạch học tập, đồng thời hiểu cách quản lý thời gian và giúp trẻ phát triển trong môi trường phù hợp. Thị trường việc làm cho các nhà tư vấn giáo dục tăng khoảng 20% với mức lương 46.500-63.200 USD/năm.
3. Xu hướng tuyển dụng trên thế giới sau đại dịch COVID-19
Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và phương pháp hoạt động của doanh nghiệp cũng góp phần tác động tới nhiều nhóm công việc khác nhau.
3.1 Ngành y tế, khoa học, vận tải cần nhân lực
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất. Các thiết bị máy móc, dây chuyền tự động có thể giúp đảm bảo giãn cách giữa nhân viên trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng.
Tại nhiều quốc gia, các nền tảng dịch vụ số và thương mại điện tử cũng mang lại sự tiện lợi cho người dân. Thay vì phải di chuyển nhiều, người tiêu dùng nay đã có thể tiếp cận những trang giao dịch, mua bán trực tuyến và dịch vụ công ngay trên thiết bị điện tử cá nhân.
Nhờ sự phát triển của các nền tảng tự động hoá và công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) có thể sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, chính phủ và doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến.
Theo cơ quan Dịch vụ Việc làm của Liên minh châu u (EURES), sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến những thành tựu và sự phát triển trong lĩnh vực khoa học, y tế và môi trường nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu. Sau đại dịch, các ngành kỹ thuật y sinh, hoá học, sinh học hay phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đổi mới và sáng tạo cho cuộc sống hiện đại.
Trong quá trình phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, vai trò của ngành y tế đối với sức khoẻ cộng đồng liên tục được nhấn mạnh. EURES cho rằng xu hướng tập trung phát triển y tế trên toàn cầu sau đại dịch sẽ đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên ngành như y sĩ, dược sĩ, dịch tễ học. Các cơ quan dịch vụ y tế đã áp dụng những nền tảng tự động hoá và công nghệ trực tuyến trong hoạt động sản xuất thuốc, vaccine hay chẩn đoán bệnh.
Từ tháng 4 đến tháng 10/2020, số lượt khám bệnh trực tuyến qua nền tảng của công ty Practo (Ấn Độ) đã tăng hơn 10 lần. Để vận hành những công nghệ này, ngành y tế sẽ cần thêm nguồn nhân lực trình độ cao với các kỹ năng khoa học, kỹ thuật.
Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già đi, các ngành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ càng có nhiều cơ hội phát triển, dẫn đến cần sự gia tăng về nhân lực để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi.
Sau đại dịch, người tiêu dùng tại một số thị trường lớn vẫn sẽ tiếp tục tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng nhanh. So với các mô hình bán lẻ truyền thống, những dịch vụ này có thể mang lại sự tiện lợi cho người dùng. Theo MGI, sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu nhân lực cho các ngành vận tải, lưu trữ hàng hoá và quản lý chuỗi cung ứng.
Khi hình thức làm việc tự do, bán thời gian trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, ngành vận tải hàng hoá có thể thu hút và duy trì nguồn lao động tự do qua các dịch vụ "trung gian".
Để tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội trong thời dịch, người lao động phải làm việc từ xa qua Internet. Để đảm bảo hoạt động, nhiều công ty lớn cần tăng nguồn nhân lực cho bộ phận quản trị hệ thống mạng và cơ sở dữ liệu.
Theo EURES, những ngành nghề trong lĩnh vực giao tiếp kỹ thuật số cũng có thể tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tương tác trực tuyến của các cá nhân và tổ chức.
Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và phương pháp hoạt động của doanh nghiệp cũng góp phần tác động tới nhiều nhóm công việc khác nhau
3.2 Lao động thủ công và ngành dịch vụ bị cắt giảm
Dựa trên mô hình dự báo của MGI, xu hướng phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế như tự động hoá hay chuyển đổi số sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dịch vụ và nhóm lao động chân tay.
Ngành dịch vụ ẩm thực có thể sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng nhân lực do những thay đổi trong phương pháp hoạt động. Vì nhu cầu ăn uống trực tiếp của người lao động và khách du lịch suy giảm sau đại dịch COVID-19 nên nhiều chuỗi nhà hàng đã đóng cửa một số cơ sở tại các thành phố lớn. Hơn nữa, sự phổ biến của những dây chuyền chế biến và đóng gói thực phẩm cũng khiến một số nhà hàng bắt đầu giãn cách và cắt giảm nhân sự. Ví dụ, chuỗi nhà hàng bánh kẹp White Castle (Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm hệ thống 'Flippy' - một loại robot có khả năng nướng thịt và chiên đồ ăn.
Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và ngành giao hàng trong thời kỳ dịch bệnh, mô hình cửa hàng truyền thống sẽ khó có cơ hội quay trở lại thị trường. Tại Mỹ, các công ty lớn như Macy’s (bách hoá) và Gap (may mặc) đang lên kế hoạch đóng hàng trăm cơ sở kinh doanh. Việc đóng cửa hàng loạt của các nhà bán lẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành bán lẻ và các nhóm nghề liên quan.
Thói quen mua sắm qua mạng của người tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng trực tiếp, nhân viên thu ngân hay những đại lý kinh doanh. Số lượng nhân viên chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trực tiếp cũng sẽ bị cắt giảm do những công việc này có thể được thực hiện qua các kênh trực tuyến.
Tại các thị trường lớn, xu hướng tự động hoá đã khiến nhiều lao động thủ công mất việc làm. Nhiều nhà sản xuất sử dụng máy móc để hoàn thành các công việc thủ công nhằm hạn chế số nhân công làm việc trực tiếp. Trong khi đó, những robot hiện đại nay đã có thể đảm nhận công việc vệ sinh, khử khuẩn trong các cơ sở y tế hay khách sạn.
Xu hướng làm việc từ xa cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm công việc khác. Khi một số doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm diện tích văn phòng để áp dụng các phương pháp làm việc trực tuyến thì nhu cầu thuê nhân viên lễ tân, bảo vệ, tạp vụ sẽ suy giảm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyến du lịch kết hợp với công việc có thể sẽ được thay thế bởi các cuộc đối thoại trực tuyến giữa cá nhân và doanh nghiệp. Do mất đi nguồn khách hàng lớn, ngành hàng không, khách sạn và dịch vụ du lịch cũng sẽ giảm bớt nhân công và nhu cầu tuyển dụng.
> TOP 14 bí quyết tạo động lực làm việc hiệu quả
> Phong cách quản lý chủ động ảnh hưởng thế nào đến nơi làm việc?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp