Mỗi hình thức đều có ưu, khuyết điểm


Thi hay xét tuyển, mỗi hình thức đều có ưu, nhược riêng. Thi sẽ có cái hay là đạt được sự khách quan trong quá trình tuyển, đặc biệt ở môi trường khoa học chưa chuyên nghiệp như hiện nay. Nhưng cái dở là khó có được những đề thi chất lượng. Đề thi nếu dễ quá thì ai cũng đỗ. Nếu khó quá thì không tuyển được ai. Mà đề ở mức tầm tầm thì nhiều khi người kém đỗ, người khá hơn lại trượt. Còn xét tuyển có cái dở là kết quả phụ thuộc vào từng cá nhân tham gia hội đồng xét, đôi khi chỉ cần một động thái “nhấc lên đặt xuống” hơi thái quá của một thành viên hội đồng trong khi các thành viên khác thiếu bản lĩnh khoa học cũng khiến một ứng viên nào đó trượt oan. Tuy nhiên, nếu trong một môi trường đào tạo mà những người tham gia hội đồng xét chọn thạc sĩ là những nhà khoa học chuyên nghiệp, bản lĩnh, có uy tín thì việc xét tuyển sẽ là tối ưu trong hình thức tuyển chọn ứng viên. Vì thế, nếu được quyền lựa chọn, Viện Toán sẽ dùng hình thức xét tuyển để tuyển chọn người làm thạc sĩ, từ đó bồi dưỡng định hướng để họ làm nghiên cứu sinh sau khi làm xong thạc sĩ.

GS Lê Tuấn Hoa
(Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN)

Không khác gì bằng tốt nghiệp phổ thông cấp 5


Cứ như hiện nay bằng thạc sĩ không khác gì bằng tốt nghiệp phổ thông cấp 5. Hiện có phong trào các giáo viên trẻ đổ xô đi học thạc sĩ, ai đi học về cũng có bằng, mà cái bằng đó chẳng giúp gì cho nghề nghiệp mà họ đang làm. Đào tạo thạc sĩ trên thế giới tuy không yêu cầu mới nhưng vẫn đòi hỏi người học hiểu sâu vấn đề, có tính tổng hợp. Với những người đang hoặc sắp đi làm, nó phải có giá trị thực tiễn đối với công việc hằng ngày của họ. Nhưng ở ta thường có tình trạng đề tài thạc sĩ hoặc vụn vặt quá, hoặc xa rời thực tiễn công tác quá. Vì quan niệm thạc sĩ như thế mà thạc sĩ ở ta được yêu cầu học rồi thi một cách hình thức, tận 20 - 30 môn, lúc cho điểm thì cao. Theo tôi, số chuyên đề thạc sĩ ít hơn nhưng phải giúp người học hiểu rộng và biết tổng hợp vấn đề.

GS Hà Huy Bằng 
(Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội)

Để các trường tự quyết


Tiến trình đổi mới tuyển sinh sau ĐH sẽ phải làm dần dần. Hiện nay đã đổi mới tuyển sinh tiến sĩ (xét tuyển chứ không thi như trước đây).
Động thái của Bộ GD-ĐT cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thí điểm tuyển thạc sĩ khoa học bằng xét tuyển đánh dấu bước chuyển biến này. Tuy nhiên, nên cho các trường tự chủ, tự quyết định phương thức tuyển chọn. Xu hướng thế giới là xét tuyển khi tuyển cao học, nếu trường nào ở ta chuẩn bị kịp cho sự hội nhập thì có thể xét tuyển. Còn trường nào chưa kịp, hoặc thấy chưa cần thiết, hoặc thấy thi phù hợp với các ngành đào tạo của mình hơn, thì cứ việc tổ chức thi.

Chỉ nên thực hiện ở trường có uy tín


Việc xét tuyển này chỉ nên áp dụng với những trường có uy tín, trong các chương trình đặc biệt, nơi mà chất lượng đầu vào ĐH đã có chất lượng. Còn những đối tượng người học khác, kỳ thi cao học vẫn phải duy trì để đảm bảo điều kiện đầu vào tối thiểu.

Tiến sĩ Lê Trung Chơn
(Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Trên nguyên tắc sẽ tốt hơn cách làm như hiện nay


Cách tổ chức thi cao học như hiện nay rất dở khi mà người giỏi bị đánh đồng với người không giỏi trong kỳ thi. Vì chất lượng đầu vào chênh lệch nên đẩy các trường có uy tín, yêu cầu cao trong tuyển sinh bị hạn chế người học do người học đổ xô vào các trường dễ hơn. Việc xét tuyển người giỏi vào cao học về nguyên tắc sẽ tốt hơn cách làm chung như hiện tại. Đặc biệt những trường lớn, với quy trình xét tuyển tốt sẽ cho ra kết quả tốt và chính các trường này phải chịu trách nhiệm về đầu ra của mình. Nhưng không nên triển khai hình thức này một cách đại trà, đặc biệt những trường có xu hướng tuyển đủ học viên.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
(nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Sẽ tốt với trường có giảng viên tốt


Hình thức xét tuyển này chỉ có thể thực hiện tốt ở những trường lớn, nơi đội ngũ giảng viên đủ khả năng để thẩm định các tiêu chí. Vì so với cách thi hiện nay, để có người học chất lượng thì việc xét tuyển sẽ tốn nhiều thời gian hơn.


PGS-TS Dương Anh Đức
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

Tuyển sinh 2017

Nhiều trường đã và sẽ xét tuyển


Từ nhiều năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện việc xét tuyển thí sinh tốt nghiệp ĐH loại giỏi (8 điểm trở lên) vào cao học trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Riêng với sinh viên hệ tài năng, điều kiện xét tuyển ở mức 7,5 điểm. PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết việc xét tuyển này thông qua phỏng vấn trực tiếp. Kết quả thực hiện nhiều năm cho thấy chất lượng đầu ra rất tốt.

Tiến sĩ Lê Trung Chơn, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nói với mức điểm đầu vào ĐH ngành thấp nhất của trường là 21 thì việc xét tuyển thẳng với những sinh viên chính quy có điểm học lực 8 trở lên là bình thường. Tuy nhiên, điểm tốt nghiệp chỉ là điều kiện tối thiểu vì trong quá trình xét duyệt trường còn căn cứ trên khả năng ngoại ngữ, việc công bố bài báo khoa học...

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đang xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT cho phép trường thực hiện xét tuyển trong tuyển sinh cao học. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin theo đề án này, trường vẫn thực hiện song song 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển, mỗi hình thức sẽ sử dụng tỷ lệ chỉ tiêu nhất định. Riêng hình thức xét tuyển, trường chỉ xét sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy ngay tại trường từ loại khá trở lên (điểm trung bình chung 7 trở lên). “Đây chỉ là điều kiện tối thiểu, trường sẽ xét dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có trình độ tiếng Anh”, ông Dũng nói.

Tuyển sinh thạc sĩ ở Mỹ


Nói chung ở Mỹ việc tuyển sinh thạc sĩ như thế nào là việc của từng trường, từng ngành, không có quy định cụ thể thống nhất cả nước. Các trường thường yêu cầu bằng ĐH, bảng điểm, điểm các bài thi chuẩn hóa, thư giới thiệu, bài luận cá nhân (thường kèm CV), có thể kết hợp cả phỏng vấn nếu cần thiết. Tùy trường, tùy chương trình học mà các yêu cầu sẽ ít hay nhiều, và tiêu chuẩn lựa chọn cũng khác nhau.

Điểm các bài thi chuẩn hóa, có trường yêu cầu có trường không. Hầu hết các trường đều yêu cầu điểm bài thi chung, một số trường đòi hỏi thêm điểm bài thi chuyên sâu. Phần lớn các trường đều đòi hỏi thí sinh phải đạt một ngưỡng điểm nào đó (áp dụng cả cho điểm học ở ĐH). Bài thi chuẩn hóa chung thì gồm có GRE (thường dùng cho khối khoa học kỹ thuật), GMAT (thường cho khối kinh doanh), MCAT/DAT (cho ngành y/nha khoa), LSAT (cho ngành luật)... Bài thi GRE chủ yếu kiểm tra kỹ năng tổng hợp gồm phân tích, viết luận, giải quyết vấn đề cả định tính lẫn định lượng (toán), bằng hình thức trắc nghiệm đa lựa chọn. Các bài thi chuyên sâu là cho từng môn như toán, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, văn chương, khoa học chính trị, âm nhạc, luật học. Các bài thi này khó hơn bài thi tổng hợp, chẳng hạn phần toán trong các bài thi tổng hợp chủ yếu kiểm tra kiến thức toán phổ thông, còn phần toán trong các bài thi chuyên sâu thì kiểm tra cả kiến thức toán ở ĐH tương đối toàn diện. Các kỳ thi chuẩn hóa (chung và chuyên sâu) do một trung tâm khảo thí độc lập ra đề và chấm thi.

Thư giới thiệu thì thường là của những người dạy ứng viên ở ĐH (hoặc những người có uy tín về học thuật và đã từng làm việc với thí sinh). Bài luận cá nhân thì thường nhằm để thí sinh nêu mục đích học của mình, và lý giải tại sao mình là người phù hợp để được nhận.

Khi xét tuyển, trường sẽ nhìn vào tất cả yếu tố này. Ngoài việc xét xem liệu thí sinh có được nhận học hay không, trường cũng sẽ đánh giá xếp loại hồ sơ (có thể kết hợp cả phỏng vấn) để xét xem thí sinh có thể được cấp học bổng không (một số sẽ được cấp học bổng toàn phần, một số thì một phần).


Tiến sĩ Võ Sỹ Nam,
Trung tâm ung thư MD Anderson, ĐH Texas (Mỹ)


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/xet-tuyen-vao-cao-hoc-thay-doi-de-hoi-nhap-va-nang-cao-chat-luong-767952.html