HS của trường tham gia cuộc thi Tài năng Robot TPHCM - Robotacon 2014
Nhiều ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) đã được nẩy lộc, đâm chồi từ sân chơi Câu lạc bộ học thuật - một mô hình đã phát huy hiệu quả bất ngờ tại nhiều trường phổ thông tại TPHCM.
“Khiếu kiện” dễ thương của học trò: Vì sao con không được… đi thi?
Những năm gần đây, khi giáo dục hướng đến phương châm phát triển toàn diện, mô hình các Câu lạc bộ học thuật (CLB HT) trong nhà trường đã được Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đặc biệt chú trọng.
Điểm chung của các CLB này là tạo cho học sinh một sân chơi đa dạng, hướng đến giao lưu quốc tế và hội nhập trong nghiên cứu khoa học.
Thầy Hiệu trưởng Lâm Triều Nghi cho biết: Khởi nguồn ý tưởng bắt đầu từ hình thức dạy học dự án, học sinh bắt đầu làm quen với những nghiên cứu nhỏ, đóng vai trò cụ thể trong cuộc sống.
Năm 2008, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tổ chức Hội thi Nhà khoa học trẻ, khởi đầu chỉ dành cho học sinh khối 10 - 11, thu hút 22 đề tài tham dự.
Ngay khi biết thông tin các anh chị THPT có cuộc thi Khoa học, những học sinh THCS của trường đã nhanh chóng “kiện”: “Vì sao bọn con không được thi ?”.
Chính vì vậy, Ban tổ chức Hội thi đã quyết định thành lập gian hàng cho các học sinh THCS trình bày sản phẩm với nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh: Xe bằng giấy chạy được, ống tăm tự động, bàn tô màu…
Năm tiếp theo, mô hình được tổ chức cho cả 2 bậc học THCS và THPT với 55 đề tài dự thi thuộc các lĩnh vực: Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ Thông tin, đồ chơi giải trí….
Năm 2014, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng là nơi tổ chức cuộc thi Tài năng Robot TP HCM Robotacon 2014. Mặc dù HS của trường không được giải cao nhưng đây chính là cơ hội, sân chơi để các em thể hiện mình và giao lưu học hỏi với HS trên địa bàn về niềm đam mê khoa học.
Những câu lạc bộ “đa zi năng”
Cũng từ ảnh hưởng của những cuộc thi, nhiều CLB HT của trường được hình thành, như CLB Hóa học, CLB Văn học, CLB Tiếng Pháp, CLB Nhiếp ảnh, CLB Kịch teen, CLB Khoa học, CLB Văn nghệ, CLB Tiếng Đức, CLB Tiếng Nhật, CLB Cộng đồng …
Mỗi CLB đều có hướng dẫn của các thầy cô giáo là trợ lý thanh niên và nội dung sinh hoạt khác nhau. Ví như, hoạt động của CLB Báo chí xoay quanh 4 mảng: Giải trí, học đường, đời sống và thơ văn; nội dung bám sát những vấn đề diễn ra trong môi trường học đường lẫn diễn biến cuộc sống của tuổi teen hàng ngày. Rộng hơn nữa là nội dung giáo dục đời sống đang diễn ra ngoài xã hội.
CLB Văn học cũng được thành lập với mục đích trau dồi kiến thức và nuôi dưỡng niềm đam mê dành cho Văn học ở các bạn học sinh. Với phương châm “Văn học là khoa học”, CLB mong muốn mang đến một môi trường thích hợp, tạo cơ hội để các học sinh được tiếp cận những kiến thức sâu rộng hơn.
Các chuỗi dự án nghiên cứu mà CLB cho ra đời luôn mang tính áp dụng cao, phục vụ trực tiếp cho việc học tập tại trường của tất cả các bạn học sinh.
Trong khi đó, CLB Hóa học lại mang đến những hoạt động, thí nghiệm thú vị, từ đó học sinh phát triển thêm được tư duy trong môn học của mình.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhóm phụ trách CLB đang tích cực cập nhật mọi thông tin liên quan đến kỳ thi mỗi ngày. Đồng thời phỏng vấn Ban giám hiệu, giải đáp các thắc mắc cũng như lấy ý kiến định hướng giúp các bạn HS ôn tập hiệu quả.
Nguyễn Sĩ Hồng Hân - HS lớp 12CV, thành viên CLB - chia sẻ: Các mẩu tin, bài báo phần nào cung cấp thông tin kịp thời, giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt hơn. Qua đó cũng giúp cho hoạt động đổi mới của nhà trường diễn ra hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của HS...
Nức lòng lời khen: “Nghiên cứu của học sinh THCS còn hơn cả luận văn thạc sĩ”
BIẾN Ý TƯỞNG THÀNH NHỮNG CÔNG TRÌNH NCKH
Năm học 2008 – 2009: 22 đề tài NCKH của học sinh lớp 10, 11; 11 giải thưởng NCKH đạt được, trong đó có 1 giải đặc biệt Chemistry Ideas- Nhóm 5A5;
Năm học 2009 – 2010: 24 đề tài NCKH của học sinh THPT; 16 giải thưởng NCKH của học sinh THPT, trong đó có 1 giải đặc biệt Chem SO của Lê Quang Thái; 25 đề tài NCKH của học sinh THCS; 9 giải thưởng NCKH của học sinh THCS;
Năm học 2011 – 2012: 1 giải nhất cấp quốc gia; 1 khuyến khích; 1 giải nhất ở lĩnh vực môi trường; 1 giải của Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ;
Năm học 2014 – 2015: 3 giải đạt được tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Thầy Lâm Triều Nghi tâm sự: Từ các sân chơi ý nghĩa này, học sinh của trường dần phát huy năng lực, thúc đẩy quá trình tìm tòi nghiên cứu trong học tập.
Thật vui khi mỗi năm, số lượng đề tài học sinh tham gia tăng dần, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, bình quân, mỗi năm có từ 40 - 70 đề tài.
Năm 2011, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chính thức đại diện cho TPHCM tham gia Hội thi Intel ISEF - cuộc thi Khoa học và Kĩ thuật quốc tế dành cho học sinh phổ thông.
Một gian hàng theo đúng mô hình tổ chức của Intel ISEF thực hiện tại trường với nhiều đơn vị bạn tham gia. Học sinh Nguyễn Hải An - lớp 11 của trường - vinh dự được chọn đi thi Intel ISEF tại Mỹ với đề tài “Áo giáp của tôm, chất thải thân thiện”.
Năm 2014, ba nữ sinh của trường là Trần Tố Uyên, Nhữ Mai Anh và Dương Huỳnh Hồng Minh cũng mang dự án “Phân lập và ứng dụng các chủng nấm sợi, nấm men và vi khuẩn trong tự nhiên để xử lý dầu nhớt thải” sang Mỹ tham gia Hội thi Intel ISEF 2014.
Chia sẻ về chất lượng những đề tài nghiên cứu khoa học của các HS, một giáo viên phụ trách nghiên cứu khoa học kỹ thuật của trường cho biết:
Tôi còn nhớ lời đánh giá và khuôn mặt hài lòng của thầy Huỳnh Công Minh - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - khi ngợi khen bài trình bày của em Nguyễn Hải An còn hơn một luận văn thạc sĩ.
Rõ ràng, khi tham gia sân chơi mới, các em đã thể hiện năng lực của mình và trải nghiệm rất nhiều, từ việc làm quen với phòng thí nghiệm ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH, cho đến việc thiết lập kế hoạch chặt chẽ để kịp tiến độ và rèn luyện kỹ năng trình bày thuyết phục. Thậm chí, các em còn được trải nghiệm những thất bại, để phải học kiên nhẫn làm lại từ đầu, hoặc rơi nước mắt vì không thành công…
Với mô hình học tập cả ngày tại trường, quỹ thời gian rất ít để có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc. Đó là chưa kể đến hàng loạt các khó khăn khác như: Phòng thí nghiệm, quỹ thời gian hạn hẹp; chi phí khen thưởng học sinh và hỗ trợ giáo viên chỉ mang tính chất tượng trưng...
Thế nhưng, với lòng say mê nghiên cứu khoa học, số lượng đề tài nghiên cứu của học sinh tăng dần qua từng năm cả về số lượng và chất lượng.
Với việc tạo ra các sân chơi cho học sinh học tập thực tiễn, được định hướng và tham gia các công trình nghiên cứu từ bậc học thấp, rõ ràng tư duy, kỹ năng, hứng thú học tập của các học sinh đã thay đổi.
“Tôi tin rằng, các em sẽ có nền tảng để bước vào tương lai một cách vững chắc. Chưa cần nói đến việc trở thành những nhà khoa học, nhưng chắc chắn, các em sẽ biết làm việc khoa học, suy nghĩ khoa học và hoạt động hiệu quả.
Đề tài nghiên cứu của các em chưa rộng, nhưng đó là những ý tưởng đầu tiên mở ra cho các công trình khác. Chính các em, với nhiều ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm sẽ mang đến sự thay đổi cho đất nước” - Thầy Lâm Triều Nghi tự hào chia sẻ.
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".
Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục...
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc.
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: [email protected]; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.
Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)